+
+ Từ kết quả nghiên cứu đã đạt được, tác giả nhận thấy đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp thông qua các nhân tố kinh tế vĩ mô đến sự biến động giá cổ phiếu các NHTM trên thị trường. Cụ thể, thông tin số ca mắc mới COVID-19 thống kê theo ngày có ảnh hưởng cùng chiều có ý nghĩa đến giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường.
+ Xét đến ảnh hưởng gián tiếp của đại dịch qua các yếu tố kinh tế vĩ mô đến giá cổ phiếu ngân hàng, tác giả nhận thấy hai yếu tố lãi suất và CPI là các yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến giá cổ phiếu trên thị trường. Đây cũng là hai yếu tố chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Trong khi đó, mức tăng trưởng GDP và số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động được xem là không có ý nghĩa ảnh hưởng đến sự thay đổi giá cổ phiếu trên thị trường.
+ Bên cạnh đó, nghiên cứu về ảnh hưởng của đại dịch đến mức độ biến động giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường, tác giả nhận thấy mức tăng giảm CPI, chỉ số đại diện cho lạm phát, và số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong thời kỳ đại dịch lại có tác động cùng chiều đến mức độ dao động của giá cổ phiếu trong một quý. Tác giả nhận thấy kết quả này không đi theo những lý thuyết thông thường. Điều này phản ánh những tác động tiêu cực
của đại dịch COVID-19 đã gây ra những làn sóng biến động lớn của giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường, gián tiếp thông qua sự biến động trong nền kinh tế.
+ Luận giải về vấn đề này, tác giả cho rằng, mặc dù nhóm cổ phiếu các NHTM niêm yết trên thị trường là một nhóm cổ phiếu tốt và có triển vọng trong tương lai, nhưng thường ổn định và ít biến động. Tuy nhiên, từ giữa năm 2021, thời điểm đại dịch phức tạp nhất, số ca mắc đột nhiên tăng vọt tại các thành phố lớn, giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết lại có xu hướng tăng mạnh, cuối cùng duy trì ở mức cao hơn nhiều so với trước, điều này có khả năng là dấu hiệu của sự tăng nóng, dễ xảy ra hiện tượng bong bóng giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa giá cổ phiếu trên thị trường với các nhân tố ảnh hưởng đã được kiểm nghiệm từ trước đều tương đối khác thường, không theo các cơ sở lý thuyết. Cụ thể, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra mức tăng trưởng GDP dường như không có tác động đến sự biến động giá cổ phiếu các NHTM niêm yết, trong khi đó CPI tăng lại khiến giá cổ phiếu tăng. Điều này chứng tỏ có một sự bất ổn trong phản ứng của các nhà đầu tư đối với nhóm cổ phiếu này.
+ Trong hai năm vừa qua, trên thị trường chứng khoán đã xuất hiện một số lượng lớn các nhà đầu tư mới (Khánh Hà 2021). Nhiều khả năng nhóm nhà đầu tư này đã chuyển dịch từ các kênh tiết kiệm, đầu tư, kinh doanh khác về thị trường chứng khoán, thể hiện một sự kỳ vọng lớn vào tỷ suất sinh lời của thị trường này, bất chấp sự bất ổn của nền kinh tế. Có lẽ, đối với các nhà đầu tư mới này, nhóm cổ phiếu các NHTM niêm yết vẫn báo lãi khủng, dù doanh nghiệp đang gặp khó khăn và phải giải thể, ngừng hoạt động, được xem là nhóm cổ phiếu đáng đầu tư và có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Nhiều NHTM có thể đã dự đoán được nguy cơ nợ xấu và kinh doanh không hiệu quả, nhưng nhờ các chính sách lãi suất, giãn nợ, cơ
cấu nợ của Chính phủ đã khiến báo cáo lợi nhuận của các NHTM đều cao, khiến giá cổ phiếu ngân hàng tăng vọt.
+ Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy những làn sóng tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng trong đại dịch có lẽ không phải do sự tăng trưởng GDP, không phải chỉ số lạm phát được kiểm soát, không phải do sự giảm số lượng các doanh nghiệp ngừng hoạt động. Những làn sóng này có thể đến từ sự lạc quan tin tưởng vào khả năng ứng phó của Nhà nước, vào sự phục hồi trong tương lai của nền kinh tế, vào niềm tin cổ phiếu ngân hàng bị định giá thấp dựa theo phân tích của một nhóm nhà phân tích trên thị trường, hay niềm tin vào giá trị thực và lợi nhuận thực của cácNHTM niêm yết. Đồ thị giá cổ phiếu các NHTM cho thấy nhịp tăng đã chững lại và đi ngang ở nửa cuối năm 2021, phải chăng là những kỳ vọng của nhà đầu tư đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu trên thị trường? Về lâu dài, những biến động trong giá trị thị trường của nhóm cổ phiếu này có lẽ vẫn còn rất thú vị, khi đại dịch vẫn còn kéo dài và diễn biến phức tạp, khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ có thể tạm ngừng, và các NHTM phải xem lại hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình.
+ Với những ý kiến luận giải nêu trên, tác giả nhận định cần đặt ra một vài khuyến nghị và hàm ý chính sách để cập nhật thông tin, kiến thức cho nhà đầu tư và quản lý thị trường, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững của nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết nói riêng, thị trường chứng khoán nói chung.