GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Một phần của tài liệu 2. (13.9.2021) Dự thảo BC Thuyết minh CTQG BVNL (1) (Trang 50 - 53)

2.1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách

- Tiếp tục rà soát, kiện toàn, đổi mới hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, thống nhất, hiệu quả; tổ chức đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý nguồn lợi thủy sản, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, các cơ quan, ban, ngành; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giữa Nhà nước và cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các bên liên quan trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

- Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong: điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; đầu tư xây dựng hạng mục hạ tầng thiết yếu cho các khu bảo tồn biển; lưu giữ giống gốc các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi phục vụ công tác quản lý và phát triển hệ thống khu bảo tồn biển bền vững và hiệu quả.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách: chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển; hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản; điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp khai thác thủy sản phù hợp với nguồn lợi, ngư trường, giảm áp lực khai thác thủy sản vùng ven bờ.

- Xây dựng cơ chế thúc đẩy thành lập và vận hành quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cấp Trung ương và cấp tỉnh, quỹ cộng đồng để huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài chính đóng góp tự nguyện, tài trợ, từ thiện, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ, đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu điều tra, đánh giá, bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh, lưu giữ giống gốc của các loài thủy sản bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

2.2. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của xã hội trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là cộng đồng ngư dân.

- Huy động các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia các hoạt động nhằm triển khai công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng, từng bước nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân để người dân chủ động, tự giác tham gia công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

- Sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với tập quán, điều kiện và đối tượng của từng địa phương như: các hình thức tuyên truyền trực tuyến, xây dựng phim truyền hình, tiểu phẩm, ấn phẩm; phát thanh, truyền hình trên báo giấy, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình của địa phương; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu với sự tham gia của đông đảo cộng đồng ngư dân địa phương.

- Khuyến khích ngư dân cam kết tuân thủ quy định pháp luật về khai thác và bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản; chủ cơ sở chế biến, kinh doanh thủy sản cam kết không nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình “tháng hành động quốc gia về bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.

- Hằng năm, xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản gắn với tuyên truyền về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhân ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (ngày 01/4) đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

2.3. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

- Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản từ trung ương đến địa phương bảo đảm đủ năng lực, có trình độ chuyên môn sâu, kỹ năng cao, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển bền vững của ngành.

- Thu hút nguồn lực quốc tế trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

- Nghiên cứu, đưa một số môn học có liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vào giảng dạy, học tập trong chương trình đào tạo ở một số trường đại học, cao đẳng.

- Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhằm kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt

động liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

2.4. Triển khai thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

- Tuyên truyền, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, bộ chỉ số giám sát, đánh giá thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

- Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại một số loại hình thủy vực tự nhiên như sông, hồ, hồ chứa, đầm phá, bãi bồi ven biển và vùng ven bờ trên phạm vi cả nước theo hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn nhằm đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng.

- Hỗ trợ cộng đồng khảo sát, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản, xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, thành lập quỹ cộng đồng.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

2.5. Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế

- Tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn giống bố, mẹ và hoàn thiện quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài thủy sản bản địa, đặc hữu, loài nguy cấp, quý, hiếm nhằm bổ sung nguồn giống thủy sản phục vụ công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh.

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ để theo dõi sự di cư tự nhiên của một số loài động vật thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế và khoa học như: rùa biển, thú biển, cá ngừ đại dương…

- Triển khai các nghiên cứu khoa học về các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhằm bổ sung thông tin về đặc điểm sinh học, sinh thái, biến động quần thể, đề xuất biện pháp quản lý, bảo tồn, bảo vệ thích hợp.

- Xây dựng những khu vườn ươm rừng ngập mặn, rạn san hô vùng ven biển và ven bờ, nghiên cứu, tìm kiếm, lựa chọn các giống san hô có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phù với môi trường tại từng khu vực khác nhau phục vụ công tác phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái.

- Ứng dụng công nghệ số, công nghệ vệ tinh, viễn thám, hệ thống thông tin địa lý… để hỗ trợ công tác quản lý, kiểm soát khai thác, bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản, bảo vệ đường di cư tự nhiên của một

số loài thủy sản lưỡng cư và di cư xa.

- Tăng cường hợp tác quốc tế, tìm kiếm và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của các đối tác và tổ chức quốc tế, trao đổi thông tin, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về: điều tra, khảo sát, đánh giá, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản (trên biển và ở vùng nội địa), quản lý loài thủy sản di cư, khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định… và thông qua các tổ chức này kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật.

Một phần của tài liệu 2. (13.9.2021) Dự thảo BC Thuyết minh CTQG BVNL (1) (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w