Đã trở thành thường niên của chương trình OCOP, cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP 2019 là kỳ “sát hạch” để xếp hạng sao cho sản phẩm. Đây cũng là hoạt động quan trọng giúp các cơ sở sản xuất đánh giá chất lượng sản phẩm để từ đó có những giải pháp hoàn thiện, đổi mới, nâng cao hơn nữa.
Cuộc thi năm nay có nhiều sản phẩm mới tham gia như: Mắm chắt Phu Hiền, ổi lê Toàn Phú, trà thanh nhiệt Hằng Nga, bánh độ sinh, mực ống cấp đông, dưa lưới Quảng Tân, măng mai Ba Chẽ... Đáng chú ý, với sản phẩm mắm chắt Phu Hiền, HTX Chế biến mắm chắt Phu Hiền, TX Quảng Yên đã sử dụng những mẻ cá cơm kết hợp với cá nhâm, cá nục ngư dân trong vùng đánh bắt được để pha trộn theo tỷ lệ thích hợp, tạo thành sản phẩm mắm chắt. Được biết, để phục vụ sản xuất, HTX đã đầu tư gần 4 tỷ đồng cho mô hình làm mắm chắt, gồm: Thiết bị, máy móc, nhà xưởng, bao bì, nhãn mác... HTX đang tiếp tục đầu tư mua thêm hệ thống dây chuyền máy rửa chai, đóng và dập nút tự động. Mặc dù đầu năm 2019 mắm chắt Phu Hiền mới được đưa ra thị trường song hiện nay sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, tiêu thụ ổn định trong và ngoài tỉnh. Mắm chắt Phu Hiền đã được xếp hạng 4 sao tại cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP tại Quảng Yên vừa qua.
Anh Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX Nông - lâm - ngư nghiệp Thái An cho biết: Năm nay, HTX tham gia cuộc thi với sản phẩm khoai lang lim Móng Cái. Khoai lang lim Móng Cái được trồng ở vùng đất cát pha nên có vị ngọt, bùi, bở. HTX đã áp dụng khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức (BTC), các sản phẩm tham gia cuộc thi năm nay có mẫu mã đa dạng, đầu tư chuyên nghiệp, chất lượng cao. Chỉ tính riêng 24 sản phẩm thi nâng hạng (20 sản phẩm đã tới niên hạn sử dụng sao phải cấp lại, 4 sản phẩm đã đạt sao năm trước), tất cả các sản phẩm đều có sự đổi mới từ bao bì, nhãn mác đến chất lượng. Điển hình là trà hoa vàng của Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ đã được tạo lập logo thương hiệu nhận diện riêng cho đơn vị là Dtfopro. Bên cạnh đó, sản phẩm trà hoa vàng được đóng lọ với khối lượng 100gr tạo thuận lợi cho người tiêu dùng thay cho việc đóng gói trước đây. Bao bì sản phẩm ghi rõ thành phần, hướng dẫn sử dụng, cách thức bảo quản.
Năm 2019 là năm thứ 4 diễn ra cuộc thi đánh giá và xếp hạng, song cuộc thi đã thu hút số lượng lớn nhất sản phẩm tham gia từ trước đến nay. Cụ thể, năm 2016 là 99 sản phẩm, năm 2017 là 78 sản phẩm, năm 2018 là 60 sản phẩm, năm 2019 là 103 sản phẩm. Không những thế, cuộc
thi cũng thu hút số lượng lớn nhất đơn vị tham gia với 63 tổ chức gồm: 22 doanh nghiệp, 22 HTX, 19 cơ sở sản xuất và hộ gia đình. Điều này đã khẳng định sức hút của cuộc thi, đồng thời cho thấy sự chủ động của cơ sở sản xuất trong việc chuyển từ lượng sang chất. Đáng chú ý, 100% sản phẩm đều đủ điều kiện tham gia. Các sản phẩm bị loại vì các lý do như: Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp, thiếu giấy đăng ký kinh doanh, giấy đủ điều kiện sản xuất... như năm trước không còn. Thực tế này đã cho thấy công tác lựa chọn, chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm dự thi được các địa phương chuẩn bị chu đáo. Các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đã chú trọng đầu tư hoàn thiện các sản phẩm theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Mục tiêu của chương trình OCOP giai đoạn 2 là chuyển từ lượng sang chất, nên năm nay, các sản phẩm được chấm điểm dựa trên bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2017 - 2020 với nhiều sửa đổi. Trong đó, chất lượng sản phẩm là yếu tố chiếm phần lớn số điểm trong bộ tiêu chí. Bên cạnh đó, các sản phẩm tiếp tục được chấm điểm theo 3 bước: Đánh giá hồ sơ và sản phẩm mẫu, đánh giá thực tế tại cơ sở sản xuất, xếp hạng nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch, chính xác. Đặc biệt, cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã thu hút một số địa phương đến tham khảo kinh nghiệm như: Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Giang, Hà Nội...
Với sự đánh giá khắt khe trong từng tiêu chí của cuộc thi là nền tảng quan trọng để các cơ sở sản xuất đi đúng hướng, chuẩn hoá sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh.
CAO QUỲNH
(BQN)
Ban tổ chức kiểm tra mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm.
Các sản phẩm tham gia cuộc thi đánh gia và xếp hạng sản phẩm OCOP có nhiều đổi mới.