7. Kết cấu của luận văn
1.5. Kinh nghiệm từ thực tiễn của một số địa phương trong nước về nâng
nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã
1.5.1. Kinh nghiệm của môt số địa phương trong nước
1.5.1.1. Kinh nghiệm của Tây Ninh
Tỉnh Tây Ninh hiện có 9 huyện, thị xã với 95 xã, phường, thị trấn (trong đó có 20 xã biên giới). Cũng như nhiều tỉnh thành khác, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác hoàn thiện tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của chính quyền cơ sở, đội ngũ CCCX của Tây Ninh bộc lộ những hạn chế về năng lực; đòi hỏi tỉnh Tây Ninh phải đặt ra nhiệm vụ kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức chính quyền cơ sở. Những giải pháp chủ yếu tỉnh Tây Ninh đã triển khai là:
- Tiến hành thống kê, rà soát, sắp xếp bố trí lại đội ngũ công chức các xã, phường, thị trấn theo tiêu chuẩn chức danh; cơ bản hoàn thành việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức; công khai danh sách CCCX không đạt tiêu chuẩn và không đủ điều kiện để tiếp tục đào tạo.
- Hệ thống quản lý công vụ được tổ chức và từng bước được điều chỉnh theo nguyên tắc lấy năng lực và tính chuyên nghiệp làm nền tảng để phát triển. Kiên quyết thực hiện chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ, sắp xếp - đưa ra khỏi bộ máy những CCCX không đạt chuẩn, sức khỏe hạn chế.
- Chú trọng cải cách chế độ công vụ, công chức; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ; kiên quyết xử lý những hành vi ứng xử thiếu lành mạnh như: uống rượu, bia làm ảnh hưởng tới công việc; hút thuốc lá không đúng nơi quy định; trang phục không phù hợp với môi trường làm việc và quy định của công sở; không thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong giao tiếp với người dân và đồng nghiệp; nâng cao nhận thức cho CCCX về tinh thần phục vụ cũng như thái độ khi giao tiếp, làm việc với nhân dân.
- UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nội vụ Tây Ninh tăng cường thực hiện và phát huy hiệu lực công tác kiểm tra, thanh tra công vụ. Các cuộc thanh tra, kiểm tra đã tiến hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ như: Bố trí, sử dụng CCCX hoặc phân công kiêm nhiệm không hợp lý; chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng quy trình, thủ tục tuyển dụng; kéo dài thời gian công tác khi đến tuổi nghỉ hưu không đúng quy định; tiếp nhận không qua thi tuyển không đúng đối tượng… Từ đó, đã kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện các giải pháp để khắc phục.
- Công tác quy hoạch cán bộ hàng năm gắn với kế hoạch tuyển dụng công chức trẻ được đào tạo bài bản, đồng thời chủ động chuẩn bị nguồn để thay thế số CCCX không đạt chuẩn. Tổ chức thực hiện đồng bộ, triệt để các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng. Ngày càng chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho CCCX theo nghị quyết Tỉnh ủy Tây Ninh đã đề ra.
- Tăng cường điều kiện về giảng viên, về cơ sở vật chất - thiết bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp huyện và cấp tỉnh nhằm đảm bảo đáp ứng tốt hơn về việc nâng cao năng lực bồi dưỡng CBCC. Đầu tư nâng cấp trụ sở làm việc góp phần xây dựng văn minh hành chính cho công sở của chính quyền các xã - phường, thị trấn; đảm bảo thuận tiện cho việc tiếp và giải quyết công việc của công dân.
1.5.1.2. Kinh nghiệm của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum
Ngọc Hồi thuộc tỉnh Kon Tum là một huyện miền núi vùng biên, nằm ở “ngã ba Đông Dương” giáp 2 nước Lào và Campuchia. Với vị trí địa lý là nơi hội tụ của nhiều tuyến quốc lộ quan trọng (đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 40 và Quốc lộ 14c), Ngọc Hồi có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và thương mại. Được xác định là một trong ba vùng kinh tế động lực của Kon
Tum, thế mạnh huyện Ngọc Hồi là có cửa khẩu quốc tế Bờ Y, là đầu mối về giao lưu kinh tế khu vực, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung với các tỉnh thuộc Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan và Myanma.
Huyện Ngọc Hồi có 8 đơn vị hành chính (7 xã, 1 thị trấn) bao gồm: thị trấn Plei Kần và 7 xã là Đắk Ang, Đắk Dục, Đắk Kan, Đắk Nông, Đắk Xú, Pờ Y, Sa Loong, trong đó có 5 xã biên giới. Dân số toàn huyện có trên 55.300 người, trong đó người DTTS chiếm khoảng trên 60% (bao gồm các dân tộc tại chỗ là Brâu, Xê Đăng, Giẻ -Triêng và các DTTS nhập cư khác, chủ yếu ở phía bắc di cư vào sinh sống).
Tổng số CCCX của huyện Ngọc Hồi là 96 người, trong đó có 50 công chức là người DTTS (chiếm một tỷ lệ khá lớn: 52,8%). Điều này cho thấy, trong những năm gần đây huyện Ngọc Hồi đã rất quan tâm đến chính sách thu hút cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS.
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ngọc Hồi lần thứ VII nhiệm kỳ 2015-2020 liên quan đến công tác cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị đã định hướng kiện toàn đội ngũ CBCC cơ sở (cấp xã) với mục tiêu là xây dựng, cơ cấu lại đội ngũ CBCC theo hướng chuẩn hóa, chú ý trẻ hóa; CBCC được đào tạo theo đúng chuyên môn nghiệp vụ. Chú trọng đổi mới phương thức, nội dung đào tạo, bồi dưỡng hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra trong quá trình thực thi công vụ, nâng cao kỹ năng hành chính và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin.
Căn cứ và nhu cầu, vị trí việc làm, cơ cấu và tiêu chuẩn chức danh công chức để tuyển dụng những người đủ tiêu chuẩn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CCCX được quan tâm tăng cường, trong đó bước đầu đã chú trọng bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ sát với yêu cầu công tác của công chức tại cơ sở. Những CCCX có trình độ chuyên môn chưa phù hợp với chức danh đang đảm
nhiệm đều đã và đang tham gia các lớp đào tạo theo chuẩn về chuyên môn. Một số CCCX đã chủ động tham gia các lớp bồi dưỡng bổ sung kiến thức chuyên ngành để phục vụ cho công tác kiêm nhiệm.
- Cùng với việc thực hiện nghiêm túc các quy định về tuyển dụng và quản lý công chức, áp dụng chính sách thích hợp đối với những công chức chưa đạt chuẩn (nhưng không đủ điều kiện để đào tạo lại) phải đưa ra khỏi bộ máy, những năm qua huyện Ngọc Hồi đặc biệt coi trọng công tác bố trí - sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng để nâng tầm các CCCX là người DTTS.
Tromg quá trình thực hiện các giải pháp củng cố và kiện toàn đội ngũ CCCX nêu trên, huyện Ngọc Hồi luôn chú trọng đảm bảo vai trò Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị. Mặt khác, huyện cũng đã quan tâm thực hiện xã hội hóa, nâng cao vai trò của các tổ chức, cá nhân, các tổ chức sự nghiệp và các thành phần kinh tế để góp phần nâng cao chất lượng CCCX.
Với những chủ trương và giải pháp chủ yếu nêu trên, qua quá trình nỗ lực thực hiện, đội ngũ CCCX đã đạt được chuyển biến với kết quả khá rõ nét trong việc đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa công chức, trẻ hóa đội ngũ, nâng dần kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong tác nghiệp quản lý.
Điểm nổi bật là huyện Ngọc Hồi đã quan tâm và đạt kết quả khá tốt trong việc chăm lo xây dựng đội ngũ CCCX là người DTTS. Số công chức người dân tộc chiếm tỷ lệ 52,8% (50/96) CCCX. Nhìn chung, trình độ chuyên môn CCCX là người DTTS trên địa bàn huyện được nâng dần, 44/50 (88%) công chức đã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; tất cả các xã, thị trấn đều có từ 3 - 5 công chức chuyên môn là người DTTS. Nhờ vậy, số công chức sinh sống và gắn bó với địa bàn công tác ngày càng tăng; việc công chức giao tiếp và xử lý công việc cho nhân dân trong xã, nhất là đối với đồng bào các dân tộc có nhiều thuận lợi.
1.5.2. Giá trị tham khảo rút ra từ thực tiễn có thể vận dụng cho huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông
Từ việc nghiên cứu thực tế những nỗ lực nâng cao chất lượng CCCX của tỉnh Tây Ninh cũng như những kết quả đạt được của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum trong công tác chăm lo xây dựng đội ngũ CCCX là người DTTS, bước đầu huyện Đắk Mil có thể đúc rút một số bài học kinh nghiệm thực tiễn:
1.5.2.1. Trước tiên, cần tăng cường nhận thức của cấp ủy, chính quyền huyện và các xã về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng thực sự của đội ngũ công chức cấp xã
Quan tâm tác động nhận thức của cấp ủy Đảng, các cấp QLNN về vị trí, vai trò của CCCX và chính quyền cấp xã. Thẳng thắn phân tích và đánh giá đúng thực trạng về chất lượng của CCCX để từ đó, các cấp thẩm quyền có phương án, giải pháp phù hợp trong chỉ đạo, triển khai kế hoạch phát triển đội ngũ CCCX.
Cần có sự phối hợp chỉ đạo đồng bộ từ UBND tỉnh đến các huyện, các xã và lãnh đạo các sở, ngành chức năng trong việc tổ chức thực hiện công tác chăm lo xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng CCCX ở địa phương, đơn vị mình. Các cơ sở đào tạo như Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã trong tỉnh cũng đã làm tốt việc tham gia đào tạo - bồi dưỡng CCCX.
1.5.2.2. Tuyển chọn, bố trí, sử dụng CCCX phù hợp trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và yêu cầu từng vị trí việc làm; khuyến khích công chức tự học
Trong công tác tuyển dụng, các địa phương đã quan tâm và có chính sách đặt hàng, chính sách ưu đãi - thu hút nhằm nâng cao chất lượng đầu vào; đồng thời có điều kiện trẻ hóa và nâng cao tính năng động, tăng cường kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong tác nghiệp chuyên môn cho CCCX.
Có giải pháp linh hoạt, phù hợp trong việc thực hiện yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ và xử lý những trường hợp CCCX đã công tác nhiều năm hoặc lớn tuổi nhưng chưa đạt chuẩn về trình độ văn hóa và chuyên môn - nghiệp vụ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cần được chuẩn bị chu đáo, sát nhu cầu thực tiễn, gắn với vị trí việc làm; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, tập huấn nghiệp vụ… Linh hoạt trong phương thức tổ chức một số lớp bồi dưỡng.
1.5.2.3. Tác động trách nhiệm của các chủ thể quản lý trong việc quan tâm đầu tư điều kiện công sở và tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã
Tăng cường vai trò và trách nhiệm của các chủ thể QLNN cấp tỉnh, cấp huyện và lãnh đạo UBND cấp xã trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện về trang thiết bị, phương tiện làm việc; đảm bảo chế độ, chính sách; xây dựng môi trường làm việc hiệu quả. Trong đó, chú trọng đầu tư tương đối đồng bộ cho việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của công chức và của cơ quan chính quyền cấp xã.
Quan tâm thực hiện tốt chế độ chính sách, tạo động lực làm việc và việc khuyến khích CCCX tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ của mình.
1.5.2.4. Về công tác củng cố và phát triển đội ngũ công chức cấp xã
người dân tộc thiểu số
Đối với vùng Tây Nguyên, công tác dân tộc rất quan trọng và vẫn là vấn đề có yếu tố nhạy cảm. Đây vừa là yêu cầu nâng cao năng lực QLNN vừa là công tác nhân sự có yếu tố chính trị. Vì vậy, đối với các huyện miền núi, vùng có đông đồng bào DTTS, việc nhận thức yêu cầu để từ đó có kế hoạch đồng bộ trong việc chăm lo xây dựng về số lượng cũng như chất lượng CCCX là người DTTS cần được coi trọng đúng mức.
Mặt khác, nội dung, phương thức tổ chức các lớp đào tạo - bồi dưỡng nâng tầm CCCX người DTTS và các công chức từ địa bàn khác đến công tác ở vùng dân tộc cũng rất cần được cân nhắc để điều chỉnh phù hợp.
Tiểu kết chương 1
Trong Chương 1, luận văn đã trình bày khái quát và hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về chất lượng CCCX. Trong đó, tập trung làm rõ nội hàm các khái niệm về CCCX và chất lượng của CCCX; phân tích tiêu chuẩn, nhiệm vụ của CCCX theo các chức danh.
Trên cơ sở xác định tầm quan trọng của đội ngũ CCCX và sự cần thiết nâng cao chất lượng CCCX, luận văn đã đi sâu phân tích các tiêu chí đánh giá chất lượng CCCX, bao gồm các yếu tố: phẩm chất, trình độ kiến thức, kỹ năng, thái độ, sức khỏe, kinh nghiệm công tác để CCCX có thể đảm đương tốt các chức trách, nhiệm vụ được giao phó. Luận văn cũng đã cho thấy chất lượng CCCX có nhiều yếu tố tác động, chi phối, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền cần xem xét và quan tâm để công tác xây dựng đội ngũ CCCX đúng hướng và phù hợp.
Đồng thời luận văn cũng đã phân tích sự cần thiết khách quan phải nâng cao chất lượng CCCX trước yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, bao gồm: yêu cầu chuẩn hóa công chức theo tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm; yêu cầu xây dựng nền hành chính cơ sở tiên tiến, hiện đại cũng như nhiệm vụ xây dựng đội ngũ CCCX đáp ứng yêu cầu CCHC nhà nước và mong muốn, đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp. Từ đó, khẳng định cần phát huy tốt vai trò của các chủ thể quản lý để đổi mới nội dung, phương thức đào tạo - bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ CCCX. Mặt khác, công tác xây dựng đội ngũ CCCX cần được thực hiện thường xuyên và quan tâm đầu tư đúng mức.
Thông qua việc tìm hiểu thực tiễn một số địa phương đã đạt được những kết quả, chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng đội ngũ CCCX, luận văn đã bước đầu đúc rút một số bài học kinh nghiệm có thể vận dụng cho huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông trong công tác nâng cao chất lượng CCCX.
Chương 2
THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG CÔNG CHỨC CẤP XÃ HUYỆN ĐẮK MIL, TỈNH ĐẮK NÔNG