Lịch sử phát triển cà chua ở Việt Nam so với thế giới còn rất trẻ. Cây cà chua tuy mới được trồng ở Việt Nam khoảng hơn 100 năm, nhưng đến nay đã được trồng rộng rãi trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng Trung Du Bắc Bộ, Đà Lạt... (Trần Khắc Thi, 2003) [17].
Theo bảng 2.5 số liệu thống kê, diện tích và sản lượng cà chua của nước ta có chiều hướng gia tăng.
Bảng 2.5: Tình hình sản xuất cà chua ở Việt Nam giai đoạn 2007-2011
TT Năm Diện tích (nghìn ha) Năng suất (tấn/ha) Sản lượng (nghìn tấn) 1 2007 23,13 19,68 455,18 2 2008 24,85 21,55 535,44 3 2009 20,54 24,07 494,33 4 2010 21,79 25,26 550,18 5 2011 23,08 25,55 589,83 Nguồn: Tổng cục thống kê, 2008-2013[24].
Qua bảng thống kê từ năm 2004 - 2011 cho ta thấy, sản xuất cà chua tăng mạnh cả về diện tích trồng và sản lượng cũng tăng từ 424.126 tấn lên 535.438 tấn. Tuy nhiên trong 2 năm 2009 và 2010 diện tích cà chua không những không tăng mà năng suất thậm chí còn giảm so với các năm trước. Trên thực tế, diện tích trồng cà chua tăng mạnh trong giai đoạn này là do tăng nhanh về diện tích trồng cà chua trái vụ (vụ Thu Đông và vụ Xuân Hè), mà
trong đó vai trò của các giống chịu nhiệt trồng trái vụ là rất rõ ràng. Theo Phạm Đồng Quảng và cộng sự, hiện nay cả nước có khoảng 115 giống cà chua được gieo trồng, trong đó có 10 giống được gieo trồng phổ biến.
Phần lớn ở nước ta cà chua được trồng ở các tỉnh phía Bắc, hiện nay vẫn tập trung lớn ở đồng bằng Sông Hồng như: Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Tây, Nam Định,… chiếm trên 60% diện tích của cả nước. Tại các tỉnh phía Nam cà chua được trồng nhiều ở các tỉnh như: Lâm Đồng, An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận với khoảng 400ha trong mỗi tỉnh.
Hiện nay, cùng với chính sách mở cửa, hoà nhập vào thương mại quốc tế, xuất khẩu của Việt Nam nói chung và ngành rau quả nói riêng đã có những chuyển biến mới, giai đoạn 1995 đến 2001 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã vươn tới trên 40 quốc gia và lãnh thổ, đạt kim ngạch xuất khẩu 329.972 triệu USD vào năm 2001. Riêng cà chua đóng hộp và cà chua tươi xuất khẩu sang Nga, Đài Loan và Singapore là 26 tấn, đạt giá trị 48 nghìn USD. Đến nay, tuy số thị trường xuất khẩu không giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm mạnh. Một trong những nguyên nhân là việc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (thị trường rau hoa quả lớn nhất của Việt Nam) bị giảm mạnh, khi Trung Quốc gia nhập WTO. Tuy nhiên, xuất khẩu cà chua của nước ta vẫn đạt khá cao, năm 2005, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 10 triệu USD.
Muốn đạt được mục tiêu này ngoài việc tiếp thị và xúc tiến thương mại chúng ta còn phải làm tốt công tác khoa học công nghệ, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, trong đó khâu chọn tạo giống cà chua có thể coi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu làm ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Đối với các khách hàng, điều họ quan tâm trước khi quyết định mua hàng là thuộc loại giống nào, chất lượng, hương vị của sản phẩm đó ra sao có phù hợp với thói quen tiêu dùng hay không. Muốn vậy phải có giống tốt, có giống tốt sẽ tạo ra cho cây có khả năng chống chịu tốt đối với điều kiện
ngoại cảnh cũng như sâu bệnh hại, giúp làm giảm chi phí sản xuất, sẽ cho năng suất, chất lượng bảo đảm vệ sinh thực phẩm theo hướng sản xuất an toàn.