Khái quát về thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố tam điệp, tỉnh ninh bình (Trang 49 - 54)

* Thành phố Tam Điệp

Tam Điệp là đô thị trẻ; thị xã Tam Điệp được thành lập theo Quyết định số 200/HĐBT ngày 17/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, ngày 31/07/2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-BXD về việc công nhận thị xã là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Ninh Bình; ngày 10/4/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 904/NQ-UBTVQH13 thành lập thành phố Tam Điệp trực thuộc tỉnh Ninh Bình.

Thành phố Tam Điệp nằm ở phía Tây Nam tỉnh Ninh Bình, là cửa ngõ kết nối đồng bằng Bắc Bộ với dải lãnh thổ ven biển miền Trung, trên trục đường giao thông huyết mạch nối liền Nam - Bắc, có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh. Địa giới hành chính: Phía Bắc giáp huyện Nho Quan và huyện Hoa Lư; phía Đông giáp huyện Yên Mô; phía Nam giáp thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; phía Tây giáp huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Thành phố có 9 đơn vị hành chính, gồm 6 phường và 3 xã; tổng diện tích đất tự nhiên 104,979 km2, trong đó đất nông nghiệp 73,117 km2; đất phi nông nghiệp 26,907 km2; đất chưa sử dụng 4,955 km2. Tổng dân số là 102.175 người; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 1,03%, tôn giáo 2,4%; dân số khu vực thành thị chiếm 70,6%, khu vực nông thôn 29,4%. Tổng lao động trong độ tuổi lao động là 66.415 người.

Tam Điệp là địa bàn trọng điểm về quốc phòng: Trong suốt chiều dài lịch sử, đất và người Tam Điệp đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, mảnh đất gắn với tên tuổi của anh hùng dân tộc Quang Trung trong sự nghiệp giải phóng Thăng Long mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), đến cuộc hành quân thần tốc của Binh đoàn Quyết Thắng góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chặng đường hơn 35 năm kể từ ngày thành lập, với sự

phấn đấu, kế thừa và phát huy những thành quả của thế hệ trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng đất nước. Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tam Điệp đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1997); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2002); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2007); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2012). Ba đơn vị là xã Yên Bình (nay là phường Yên Bình và Tân Bình), xã Yên Sơn và Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cùng với truyền thống lịch sử vẻ vang, với địa hình thuộc vùng sơn địa và bán sơn địa, Tam Điệp có nguồn tài nguyên khoáng sản: đá vôi, đôlômit, than bùn, đất sét... với trữ lượng lớn phục vụ các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; diện tích đất nông nghiệp có độ phì nhiêu khá, thuận lợi cho thâm canh cây lúa, phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả như dứa, chè, nhãn, vải, lạc tiên... phục vụ công nghiệp chế biến rau quả, thực phẩm. Thành phố có nhiều công trình di tích văn hóa lịch sử được công nhận, đó là: Hệ thống phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia (tháng 10/1985). Có 6 di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh gồm: Đền Dâu, đền Quán Cháo, đình làng Quang Hiển, chùa Lý Nhân, chùa Quang Sơn, đền Thánh Mẫu. Bên cạnh đó thành phố đã và đang triển khai một số dự án du lịch như: Khu liên hợp sân golf 54 hố; dự án du lịch đồi Dù, khu du lịch sinh thái hồ Yên Thắng...; thành phố còn có nhiều hang động, điển hình như động Trà Tu, động Tam Giao, động Mát là những điểm có thể đầu tư phục vụ du lịch. Đây là tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí và tài nguyên phong phú, trong những năm qua thành phố đã tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của Trung ương, của tỉnh, đồng thời tập trung phát huy nội lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đến nay thành phố được xác định là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá quan trọng của tỉnh Ninh Bình.

Thành phố Tam Điệp có tốc độ đô thị hoá nhanh, là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm chiến lược của tỉnh đang trên đà phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (giai đoạn 2011 - 2016) đạt 8,8%. Năm 2016 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,2%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 246,481 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển khá, giá trị sản xuất đạt 7.829 tỷ đồng, tăng gấp 2,38 lần so với năm 2010. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển, giá trị sản xuất đạt 3.017 tỷ đồng, tăng gấp 3,21 lần so với năm 2010. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản có nhiều tiến bộ: giá trị sản xuất đạt 538 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2010; sản lượng lương thực có hạt được duy trì ổn định ở mức 9 nghìn tấn; giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 109 triệu đồng/ha/năm, tăng 51,5 triệu đồng so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người đạt 38,6 triệu đồng, tăng 19,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2010. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo ở nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã giảm từ 9,86 % (năm 2010) xuống còn 1,75% năm 2016 (đã trừ các đối tượng được hưởng Bảo trợ xã hội) theo tiêu chí giai đoạn 2016-2020. Năm 2017, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, sớm hơn 3 năm so với mục tiêu Đại hội đề ra. Xã Quang Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2019. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,03%, tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố đạt 300,6 tỷ đồng.

Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội thành phố được quan tâm đầu tư. Trên địa bàn thành phố có 2 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 400ha, trong đó khu công nghiệp Tam Điệp I diện tích 64 ha, với 15 doanh nghiệp đã đầu tư; khu công nghiệp Tam Điệp II diện tích 386 ha hiện nay đang kêu gọi nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thành phố có 7 chợ, 3 siêu thị và các cửa hàng tiện lợi phục vụ buôn bán giao thương hàng hóa; 10 làng nghề; 9 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác; trên 300 doanh nghiệp đang hoạt động góp phần giải quyết việc làm cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trên địa bàn thành phố có 3 trường Cao đẳng nghề, 1 trường Trung cấp nghề, 1 Trung tâm dạy nghề, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 2 trường Trung học phổ thông; 2 bệnh viện, 1 Trung tâm y tế, 1 trạm xá quân đội, 9 trạm y tế xã, phường và hàng chục phòng khám, điểm khám chữa bệnh khác phục vụ tốt công tác phòng chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Với những kết quả đạt được trong xây dựng và phát triển thành phố Tam Điệp, Nghị quyết Đại hội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015 - 2020) Đảng bộ thành phố Tam Điệp đã đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng thành phố Tam Điệp sớm trở thành đô thị loại II.

Với những lợi thế và tiềm năng như trên, trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố liên tục phát triển với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến năm 2020, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 67,5% %; thương mại - dịch vụ chiếm 30%; tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 2,5% (trích Văn kiện đại hội đảng bộ thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025); thu nhập bình quân đầu người đạt 60,1 triệu đồng/năm. Với xu thế trên, có thể thấy, tiềm năng phát triển các loại hình quảng cáo thương mại trên địa bàn thành phố là rất lớn, trong đó có hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời.

* Tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực Nam của vùng Đồng bằng sông Hồng, cách Hà Nội hơn 90 km về phía Nam, diện tích tự nhiên gần 1.386,8 km2, dân số trên 90 vạn người, có 8 đơn vị hành chính: Thành phố Ninh Bình, Thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn, huyện Hoa Lư, huyện Yên Khánh, huyện Yên Mô, huyện Kim Sơn.

Ninh Bình có lợi thế về vị trí địa lý trong mối liên kết vùng, là cửa ngõ miền Bắc, là nơi tiếp nối, giao lưu kinh tế và văn hóa giữa vùng Bắc Trung Bộ với vùng đồng bằng Bắc Bộ, kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển thuận lợi với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh có quốc lộ 1, đường cao tốc kết nối Ninh Bình với Hà Nội để cùng với quốc lộ 5, quốc lộ 10, quốc lộ 18 tạo thành tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Ninh Bình và Hà Nội - Quảng Ninh - Ninh Bình.

Ninh Bình cũng là tỉnh có cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện đáp ứng cho phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ như: giao thông, cảng, kho bãi, có 7 KCN với tổng diện tích 1.961 ha, trong đó có 3 KCN có tỷ lệ lấp đầy trên 90%, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô, sản xuất phân bón, sản xuất thép. Có 25 Cụm công nghiệp với tổng diện tích đến năm 2025 là 946,3 ha, hệ thống kho ngoại quan, cảng khô ICD, cục Hải quan phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ninh Bình có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như: Cố đô Hoa Lư được Chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; Chùa Bái Đính là một quần thể gồm khu chùa cổ và khu chùa mới với quy mô là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á; Quần thể danh thắng Tràng An với hệ thống các hang động, thung nước, rừng cây và các di tích lịch sử gắn với kinh thành xưa của cố đô Hoa Lư, đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và được UNESCO công nhận là di sản thế giới; Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã được tặng chữ: "Nam thiên đệ nhị động" hay "vịnh Hạ Long cạn"; Vườn quốc gia Cúc Phương với diện tích rừng nguyên sinh khoảng 22.000 ha, là rừng quốc gia đầu tiên của Việt Nam; Nhà thờ Phát Diệm là công trình kiến trúc đá độc đáo theo trường phái tôn giáo kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương đông và phương tây; Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ; Vùng ven biển Kim Sơn - Cồn Nổi với những giá trị kiến tạo địa chất và đa dạng sinh học nổi bật toàn cầu được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là một khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, 02 sân golf: Tràng An và Hoàng Gia....

Trong giai đoạn 2015-2020, Ninh Bình có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, luôn duy trì tốc độ phát triển kinh tế mức độ cao, ổn định và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 tăng bình quân 8,03%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (bình quân 6,8%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng công

nghiệp, xây dựng (Năm 2020, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 11,7% (năm 2015 chiếm 16,1%); khu vực công nghiệp, xây dựng 45,0% (năm 2015 chiếm 38,1%), khu vực dịch vụ 43,3% (năm 2015 chiếm 45,8). Cơ cấu sản xuất trong nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh gắn với thị trường. Tổng sản phẩm GRDP theo giá hiện hành đạt 64.465 tỷ đồng, gấp 1,68 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 64,8 triệu đồng (khoảng 2780 USD/người), gấp 1,57 lần so với năm 2015, bằng 92,7% so với bình quân chung của cả nước (khoảng 3000 USD)

Với nền kinh tế phát triển năng động, được đánh giá là một trong những địa phương có sự tăng trưởng ấn tượng khu vực Đồng bằng Sông Hồng; với những tiềm năng và lợi thế có được và sự phát triển toàn diện trên các mặt trong đó đặc biệt là hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ có thể thấy tiềm năng của sự phát triển thương mại dịch vụ nói chung, trong đó có hoạt động quảng cáo thương mại nói riêng trên địa bàn tỉnh đang diễn ra ngày càng sôi động, góp phần quan trọng trong việc hình thành thị trường thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố tam điệp, tỉnh ninh bình (Trang 49 - 54)