Cây hòe có rất nhiều nghiên cứu khoa học đã được thực nghiệm và chứng minh tác dụng của chúng với nền y học hiện nay, đây cũng là loại cây có phương thuốc nam cực kỳ công hiệu.
Năm 2001 Nguyễn Văn Đậu đã thiết lập quy trình phân lập rutin trong nụ hòe, có nhiều nghiên cứu khác nhằm đánh giá hàm lượng rutin [4].
Năm 2009 theo Trần Phi Hoàng và cộng sự đã nghiên cứu chứng minh tác động chống oxi hóa in vitro của một số dẫn chất flavon bán tổng hợp từ rutin [11].
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, về việc khảo sát nguồn nguyên liệu, nâng cao hiệu suất tách chiết và chất lượng rutin từ nụ hoa hòe Việt Nam, cho thấy trữ lượng nụ hòe khô Việt Nam khoảng 15000 tấn/năm chủ yếu ở các tỉnh Thái Bình, Nghệ An và Tây Nguyên. Đã phát hiện 81 hợp chất dễ bay hơi trong các phần chiết nụ hòe, định tính 29 cấu tử trong phân đoạn tinh dầu nụ, hoa hòe đồng thời tìm thấy sự khác nhau giữa tinh dầu hoa và tinh dầu nụ cũng như các vùng trồng. Thành phần rutin trong nụ hòa Việt Nam cao vào khoảng 29,4 – 35,2% đạt cao nhất là nụ dạng tấm, rutin trong nụ hòe sẽ giảm khi phát triển thành hoa [9].
Năm 2018 theo nhóm tác giả Lê Quỳnh Loan và cộng sự kết quả nghiên cứu cho thấy, cây hoa hòe cho hiệu quả ức chế quá trình tổng hợp hắc tố cao nhưng không gây độc cho tế bào. Nghiên cứu này khảo sát hoạt tính ức chế tổng hợp hắc tố, kháng oxy hóa của cây hoa hòe định hướng ứng dụng trong mỹ phẩm. Kết quả cho thấy, ở nồng độ cao 200 μg/mL, cao methanol cây hoa hòe không gây độc tính trên dòng tế bào da u hắc tố B16F10. Một trong những nguyên nhân giải thích tác dụng của cây hoa hòe là do hoạt tính chống oxy hóa cao và khả năng ức chế hoạt tính enzyme tyrosianse [5].
Năm 2019, nhóm tác giả Nguyễn Thành Đạt và cộng sự đã nghiên cứu và xác định hàm lượng rutin trong một số cao dược liệu hoa hòe được sử dụng làm nguyên liệu trong các chế phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe [3].
Năm 2019, nhóm tác giả Nguyễn Văn Khanh, Tạ Thị Thu, Hoàng Anh Tuấn đã nghiên cứu bào chế hệ phân tán rắn của rutin bằng phương pháp phun sấy, mục đích của nghiên cứu này là làm tăng độ tan và sinh khả dụng của rutin bằng cách tạo hệ phân tán rắn của rutin. Kết quả nghiên cứu cho thấy hệ phân tán rắn của rutin đã cải thiện độ hòa tan dáng kể rutin chuyển từ trạng thái kết tinh sang vô định hình.
Năm 2020, theo tác giả Nguyễn Quang Huy và Đỗ Thị Hải Anh từ dịch chiết methanol hoa hòe khô đã phân lập và tinh sạch được hai chất (C2 và C6), kết quả đo phổ cộng hưởng từ hạt nhân, phổ khối lượng và sắc ký bản mỏng, chất C2 và C6 được xác định là quercetin và neohesperidin. Chất C2 và C6 ở nồng độ 20µM thể hiện hoạt tính chống oxy hóa tương đương vitamin C nồng độ 0,57 đến 1,14 µM/ml. Với nồng độ 1mM cả hai chất đều thể hiện hoạt tính ức chế sự tích tụ peptide β-amyloid (dạng amyloid lắng đọng trong não bệnh nhân Alzheimer) [10].