Nghiên cứu ngoài nước

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình tăng acid uric máu và đánh giá hiệu quả can thiệp cộng đồng ở người từ 35 tuổi trở lên tại tỉnh Cà Mau. (Trang 44 - 46)

Gần đây, nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ tăng AUM ngày càng tăng trong cộng đồng và các bệnh tim mạch, như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, đái tháo đường típ 2 có liên quan đến nồng độ AUM [52], [86], [99]. Và tình trạng tăng AUM thường làm nặng

thêm, hay xuất hiện biến chứng ở các bệnh nhân mắc các bệnh này, dẫn đến khó kiểm soát bệnh, làm giảm hiệu quả điều trị các bệnh lý nền đang có.

Ở người, acid uric là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa purin, do không có men uricase phân hủy (thường do đột biến gen), nên dẫn đến tăng nồng độ acid uric trong huyết thanh. Mặc dù, cơ chế của đột biến này vẫn chưa được mô tả rõ ràng và sự mất hoạt động của men này cũng có những ưu điểm về tiến hóa, liên quan đến việc bảo vệ tế bào thoát khỏi những tác hại của quá trình oxy hóa (nhờ các đặc tính chống oxy hóa của acid uric). Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu dịch tễ học vẫn ghi nhận rằng ở những bệnh nhân bị các bệnh lí tim mạch, hoặc có tồn tại các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, hội chứng chuyển hóa, bệnh mạch máu ngoại biên và đột quỵ thường có tăng AUM. Tuy nhiên, vai trò của tăng AUM như một yếu tố nguy cơ hay là hậu quả đối với các bệnh lý chuyển hóa, bệnh mạch vành vẫn còn gây tranh cãi. Đây là sự liên kết phức tạp giữa tăng AUM với các yếu tố nguy cơ gây bệnh đã nói ở trên, làm cho khó suy luận về mối quan hệ nhân quả ở một số nghiên cứu quan sát, đặc biệt với các nghiên cứu có số lượng mẫu hạn chế. Tác giả Kim SY năm 2010, đã phân tích tổng hợp kết quả từ 13 nghiên cứu cắt ngang, khảo sát mối liên quan giữa bệnh mạch vành và tăng AUM. Kết quả cho thấy tăng AUM có liên quan yếu đến bệnh mạch vành, vì vậy, để khẳng định vấn đề này cần các nghiên cứu lớn hơn, với thời gian theo dõi dài hơn [86].

Từ lâu, tăng acid uric máu được cho là có liên quan đến tăng huyết áp, nhưng, vai trò của AUM trong việc gây nên tình trạng này vẫn chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu cho rằng, tăng acid uric máu được cho là một phản ứng thứ phát đối với tăng huyết áp hoặc các bệnh lý liên quan. Nghiên cứu của Cesare Cuspidi trên 540 bệnh nhân tăng huyết áp chưa điều trị, cho thấy tỉ lệ tăng AUM ở bệnh nhân tăng huyết áp là 34% và tỉ lệ này tăng lên 75% ở những bệnh nhân tăng huyết áp nặng, hoặc có kèm rối loạn chức năng thận

[50]. Một phân tích gộp 18 nghiên cứu cắt ngang trên 55.607 bệnh nhân của Peter C. Grayson, năm 2011, cho thấy ở bệnh nhân tăng huyết áp tỉ lệ tăng AUM là 41%[119]. Nghiên cứu đoàn hệ của Paulo Verdecchia (nghiên cứu PIUMA), khảo sát mối tương quan giữa nồng độ AUM và huyết áp ở 1.720 bệnh nhân tăng huyết áp, theo dõi trong vòng 12 năm. Các bệnh nhân được theo dõi huyết áp trong 24 giờ, kết quả cho thấy, nồng độ AUM tương quan với trị số huyết áp tâm thu (r=0,71; p<0,01) và trị số huyết áp tâm trương (r=0,61; p<0,01) [117]. Điều này cho thấy tình trạng tăng AUM làm nặng thêm mức độ tăng huyết áp hiện có của bệnh nhân, từ đó, việc kiểm soát tốt nồng độ AUM có thể cải thiện đáng kế việc kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp ở người dân.

Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy mối liên quan của tăng acid uric huyết thanh với các rối loạn chuyển hóa trong bệnh đái tháo đường típ 2

[109], [120], [141]. Nghiên cứu của Liu Hong trên 159 bệnh nhân từ 40-80 tuổi để tìm hiểu mối liên quan của tăng AUM với các rối loạn chuyển hóa kèm theo trên bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu cho thấy 25,2% bệnh nhân đái tháo đường típ 2 có tăng AUM. Phân tích đơn biến cho thấy, ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2, tình trạng tăng AUM đều có liên quan đến các yếu tố như giới tính nam, chỉ số khối cơ thể ≥25, tăng huyết áp, creatinin huyết thanh ≥110μmol/L, albumin niệu vi lượng ≥11,2mg/L, triglycerid ≥1,70mmol/L, lipoprotein tỷ trọng cao<1,04mmol/L, lipoprotein tỷ trọng thấp ≥3,37mmol/L (p đều <0,05) và kết quả phân tích hồi quy logistic đã xác định được creatinine huyết thanh, chỉ số khối cơ thể và triglycerid là các yếu tố nguy cơ độc lập của tăng AUM ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 [99].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình tăng acid uric máu và đánh giá hiệu quả can thiệp cộng đồng ở người từ 35 tuổi trở lên tại tỉnh Cà Mau. (Trang 44 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(200 trang)
w