Biện pháp kinh tế

Một phần của tài liệu Quyền của người khuyết tật trong pháp luật an sinh xã hội ở Việt Nam. (Trang 65 - 68)

7. Kết cấu của Luận án

2.3.2. Biện pháp kinh tế

NKT thường có địa vị kinh tế bất lợi hơn so với người không khuyết tật. NKT gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc nuôi sống bản thân, thậm chí có những NKT cần người nuôi dưỡng, chăm sóc suốt cả cuộc đời. NKT thường phát sinh nhiều chi phí cho các dụng cụ trợ giúp cuộc sống, chi phí thường xuyên hơn cho

khám bệnh, chữa bệnh... nên cần có các biện pháp kinh tế để hỗ trợ tài chính và bảo vệ nguồn thu nhập cho NKT. Thực hiện biện pháp kinh tế nhằm đảm bảo về nguồn thu nhập, hỗ trợ về mặt tài chính cho NKT và để thực hiện chính sách về NKT.

Thứ nhất, hỗ trợ giải quyết việc làm cho NKT.

Việc làm và thu nhập là hai yếu tố gắn liền với nhau. NKT có việc làm cũng đồng nghĩa với việc họ có nguồn thu nhập ổn định. Để NKT có nguồn thu nhập ổn định, lâu dài thì nhà nước cần có chính sách giải quyết việc làm cho NKT. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức nhận NKT vào làm việc và khuyến khích NKT tự tạo việc làm.

Về phía NSDLĐ có trách nhiệm bình đẳng trong tuyển dụng NKT, bình đẳng trong sử dụng lao động NKT. NSDLĐ không được có hành vi phân biệt đối xử trực tiếp hay gián tiếp trong tuyển dụng, phải cải tạo môi trường làm việc để NKT tiếp cận, công việc phù hợp với khả năng của NKT, tạo cơ hội để NKT được duy trì việc làm và phát triển trong công việc.

Thứ hai, bảo vệ nguồn thu nhập cho NKT.

Nhà nước quy định và bảo đảm thực hiện chế độ BHXH là giải pháp để bảo vệ nguồn thu nhập cho NKT. Khi NKT còn sức khoẻ, tham gia vào quan hệ lao động và có nguồn thu nhập thì hàng tháng đóng một phần nhỏ tiền lương tham gia quỹ BHXH. Quỹ BHXH được hình thành từ sự đóng góp của NLĐ , NSDLĐ và một phần từ phía nhà nước. Quỹ BHXH được nhà nước quản lý thống nhất từ trung ương xuống địa phương. Quỹ này sẽ chi trả cho NKT, thân nhân của NKT trong trường hợp NKT gặp phải những rủi ro trong cuộc sống dẫn đến nguồn thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút. Nhà nước cần có trách nhiệm bảo đảm quỹ BHXH được hoạt động ổn định, an toàn; NSDLĐ có trách nhiệm đóng quỹ BHXH cho NLĐ khuyết tật đầy đủ.

Thứ ba, nhà nước đầu tư tài chính cho việc triển khai các dự án, đề án, chính sách, kế hoạch về an sinh xã hội cho NKT.

Thông qua việc xây dựng mục tiêu, biện pháp thực hiện và những hành động cụ thể thì dự án, đề án, chính sách, kế hoạch về ASXH cho NKT là công cụ để hiện thực hoá các quyền của NKT trong lĩnh vực ASXH. Các dự án, đề án, chính sách, kế hoạch về ASXH cho NKT thường thực hiện theo năm hoặc theo giai đoạn và trong phạm vi toàn quốc nên để thực hiện hiệu quả thì cần nguồn kinh phí rất lớn.

Ngân sách nhà nước được hình thành bằng sự đóng góp của nhân dân, một phần trong đó được sử dụng để thực hiện các hoạt động ASXH nói chung và ASXH

cho NKT nói riêng. Nhà nước là chủ sở hữu cao nhất, đại diện cho toàn xã hội nên nhà nước phải có trách nhiệm chính đầu tư tài chính để thực hiện các dự án, đề án, chính sách, kế hoạch về ASXH cho NKT như đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT; đầu tư các công trình phúc lợi cho NKT; đầu tư cơ sở hạ tầng có khả năng tiếp cận cho NKT (công trình giao thông công cộng, trụ sở cơ quan, nhà làm việc, các công trình văn hóa, thể thao)… Bên cạnh đó, nhà nước cũng huy động nguồn tài chính, trợ giúp từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.

Thứ tư, hỗ trợ về mặt tài chính cho NKT.

NKT và gia đình NKT thường gặp nhiều khó khăn về kinh tế do NKT thường không có nguồn thu nhập hoặc nếu có thì thường thu nhập không cao, không ổn định. NKT thường xuyên phát sinh thêm nhiều chi phí để chăm sóc sức khoẻ, mua đồ dùng, dụng cụ trợ giúp... do đó, NKT đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Hỗ trợ về mặt tài chính cho NKT là một biện pháp giúp NKT ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Biện pháp hỗ trợ về mặt tài chính cho NKT được thực hiện rất đa dạng. Phải kể đến các khoản tiền trợ cấp như trợ cấp xã hội hàng tháng, trợ cấp chăm sóc hàng tháng, trợ cấp học bổng, hỗ trợ chi phí học tập... Miễn giảm các khoản phí cho NKT như miễn giảm phí trong chăm sóc sức khoẻ (miễn giảm phí bảo hiểm y tế), miễn giảm phí trong giáo dục (miễn giảm học phí), miễn giảm phí trong tham gia giao thông (miễn giảm vé máy bay, vé tàu, vé xe) và miễn giảm các loại phí khác (miễn giảm vé tham gia các dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hoá...).

Tuỳ thuộc vào hình thức hỗ trợ và tình trạng khuyết tật thì thời gian thực hiện hỗ trợ về mặt tài chính cho NKT có thể là một lần, nhiều lần, một khoảng thời gian hoặc thậm chí kéo dài suốt đời. Như miễn giảm phí trong tham gia giao thông có thể thực hiện một lần hoặc nhiều lần; trợ cấp học bổng có thể thực hiện trong khoảng thời gian NKT tham gia học tập và kết thúc khi NKT hoàn thành chương trình học; trợ cấp xã hội hàng tháng có thể thực hiện suốt đời nếu NKT không có khả năng lao động, nuôi sống bản thân...

Nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc hỗ trợ về mặt tài chính cho NKT, ngoài ra tổ chức của NKT, tổ chức vì NKT, các dự án chính phủ vì NKT... cũng góp phần không nhỏ trong việc giải quyết các nhu cầu và cải thiện đời sống cho NKT. Thông qua các hoạt động khám bệnh, phục hồi chức năng, cấp học bổng, hỗ trợ vốn vay, cấp các khoản viện trợ... đây cũng là một nguồn tài chính quan trọng để bảo đảm cuộc sống NKT.

Một phần của tài liệu Quyền của người khuyết tật trong pháp luật an sinh xã hội ở Việt Nam. (Trang 65 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(192 trang)
w