Thứ nhất, người lao động thiếu thông tin liên quan đến xuất khẩu lao động:
Hiện nay, chưa tạo được một cơ chế thuận lợi để người lao động tiếp cận được với các nguồn thông tin về các vấn đề liên quan tới hoạt động xuất khẩu lao động. Vì thế, người lao động thường chỉ tìm hiểu thông tin thông qua những người quen biết, những người đã đi làm ở người ngoài trở về và không ít những trường hợp phải nhờ “cò” mồi với nhiều thông tin không chính xác. Sự thiếu thông tin khiến cho những người lao động dễ bị lừa đảo và không cân nhắc được hết các lợi ích và rủi ro cho mình.
Thứ hai, sự gia tăng nhanh chóng của các trung tâm, tổ chức có chức năng xuất khẩu lao động:
Việc thành lập các trung tâm, tổ chức có chức năng xuất khẩu lao động trong thời gian qua tăng nhanh, khiến cho công tác quản lý của các cơ quan có
chức năng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay cả nước có hơn 150 doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, các doanh nghiệp này mở các trung tâm và cơ sở một cách tràn lan và không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ các doanh nghiệp, khiến cho tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra ngày càng phổ biến. Thêm vào đó, còn có tình trạng doanh nghiệp bán giấy phép xuất khẩu lao động khiến cho việc giám sát, theo dõi càng trở nên khó khăn.
Thứ ba, các cơ quan quản lý còn tỏ ra thiếu hiệu quả:
Các địa phương, nơi có các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động, đã không nắm bắt được tình hình thực tế nên không biết được các hoạt động của các doanh nghiệp, các trung tâm xuất khẩu lao động này. Khi xảy ra sai phạm rồi, các cơ quan quản lý mới biết. Nhưng thiệt hại đã xảy ra, những người của các doanh nghiệp dịch vụ đó đã chuyển đi nơi khác (vì hầu hết các trụ sở là do họ thuê). Cuối cùng, người lao động vẫn là người phải gánh chịu hậu quả.
Thứ tư, hệ thống pháp luật về xuất khẩu lao động tồn tại một số bất cập: Hệ thống pháp luật điều chỉnh nội dung xuất khẩu lao động còn hạn chế, đặc biệt là trong vấn đề xử lí các sai phạm. Các chế tài tỏ ra thiếu mạnh mẽ và cứng rắn khiến cho việc tôn trọng pháp luật còn yếu.