Nghiên cứu về dầu thực vật và sản phẩm dầu thực vật epoxy hóa cũng được các nhà khoa học trong nước đặc biệt chú ý và quan tâm từ nhiều năm nay. Trong đó phải kể đến một số nghiên cứu của Viện Hóa học, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới – Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Các nghiên cứu tập trung vào mảng cơ chế khâu mạch của dầu thực vật, trong đó nổi bật nhất là nghiên cứu khâu mạch quang các loại dầu thực vật khác nhau, biến tính dầu thực vật phục vụ cho công nghiệp màng phủ [81, 82, 83].
Năm 2003, tác giả Nguyễn Hữu Niếu, Nguyễn Đắc Thành và La Thái Hà cũng đã công bố công trình nghiên cứu về tổng hợp và đánh giá tính chất của nhựa vinyleste trên cơ sở dầu đậu nành epoxy hóa với axit metacrylic” [84]. Tuy nhiên, nghiên cứu dầu thực vật epoxy hóa trong chế tạo vật liệu compozit nền epoxy trong nước mới chỉ sử dụng dầu đậu nành epoxy hóa và dầu lanh epoxy hóa. Năm 2014, tác giả Đặng Hữu Trung và các cộng sự đã công bố kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của oligome dầu lanh epoxy hóa đến độ bền cơ học của polyme epoxy. Với 6 pkl oligome dầu lanh epoxy hóa phân tán vào nhựa nền epoxy Epikote 828, chất đóng rắn XEDETA và gia cường bằng vải thủy tinh cho độ bền kéo tăng, độ bền va đập có khía tăng và độ bền dai phá hủy tăng 12% so với mẫu nguyên bản [85]. Năm 2016, tác giả Phạm Anh Tuấn cũng đã công bố kết quả chế tạo vật liệu polyme compozit trên cơ sở dầu lanh epoxy hóa ứng dụng cho sản phẩm đá ốp lát nhân tạo. Kết quả cho thấy dầu lanh epoxy hóa giúp cải thiện độ bền dai của vật liệu [30].
Về nghiên cứu sử dụng ống nano cacbon gia cường cho nhựa nền epoxy, tác giả Phạm Gia Vũ và các đồng sự [86] đã sử dụng ống nano cacbon cho lớp phủ nanocompozit bảo vệ chống ăn mòn bền thời tiết và tăng khả năng tích trữ hydro của vật liệu LaNi5. Năm 2019, tác giả Phan Thị Thúy Hằng có công bố kết quả nghiên cứu sử dụng ống nano cacbon biến tính và graphen oxit để gia cường màng phủ nhựa epoxy. Kết quả cho thấy, sản phẩm ống nano cacbon biến tính ổn định và cho màng phủ nhựa epoxy có tính chịu nhiệt, tính cơ học tốt hơn, đồng thời bảo vệ chống ăn mòn kim loại [87].
Như vậy có thể thấy, đề tài nghiên cứu riêng biệt về blend epoxy với sản phẩm dầu thực vật epoxy hóa đã được nghiên cứu, đề tài nghiên cứu sử dụng ống nano cacbon cho nhựa epoxy cũng đã được thực hiện và cho kết quả khả thi. Tuy nhiên, mỗi một hướng nghiên cứu đều giải quyết một vấn đề, đó là hoặc tăng độ bền cơ học của nhựa nền polyme, hoặc tăng độ dẻo hóa của nhựa. Bởi cơ chế tác động của dầu thực vật epoxy hóa và ống nano cacbon là khác nhau. Việc kết hợp cả phụ gia ống nano cacbon đa tường và dầu thực vật epoxy hóa để gia cường cho nhựa nền epoxy dian GELR 128 là chưa có, đặc biệt với 3 hệ dầu thực vật epoxy hóa là dầu hướng dương, dầu hạt cải và dầu thầu dầu. Vì vậy, đề tài “Nghiên cứu nâng cao tính chất nhựa epoxy dian GELR 128 bằng sản phẩm epoxy hóa dầu thực vật và phụ gia ống nano cacbon” là một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, không trùng lặp và cần thiết. Nó mang lại giá trị khoa học trong phát triển lý thuyết ngành Vật liệu tổ hợp Polyme và Compozit. Sản phẩm tạo thành không chỉ nâng cao được độ bền cơ học còn nâng cao cả độ bền dai của nhựa epoxy dian, giúp tái tạo nguồn năng lượng sẵn có trong nước với sản phẩm compozit thân thiện với môi trường.
Chương 2. THỰC NGHIỆM