Cảm biến âm thanh như minh họa ở Hình 9.2, là thiết bị dùng để đo độ mạnh yếu của âm thanh xung quanh. Sử dụng cảm biến này, chúng ta có thể tạo ra nhiều ứng dụng mới, chẳng hạn như nhận cường độ từ tiếng vỗ tay của người dùng. Trong hướng dẫn này, chúng ta sẽ dùng tiếng vỗ tay để bật/tắt một thiết bị, mô phỏng cho quạt. Cảm biến âm thanh có dữ liệu đầu ra là dạng điện áp (hay còn gọi là ADC). Khi kết nối vào hệ thống Microbit, dữ liệu trả về là một con số từ 0 đến 1023 (hay còn gọi là dữ liệu 10 bit).
Cũng như bài trước, động cơ quạt cần dòng tiêu thụ lớn, nên chúng ta phải nối nó với nguồn ngoài. Tuy nhiên, trong bài này, chúng ta sẽ dùng một thiết bị điều khiển động cơ cao cấp hơn. Với thiết bị rờ le ở bài trước, chúng ta chỉ có thể cho động cơ quay tối đa, và quay theo 1 chiều mà thôi. Với thiết bị mới, có tên là ChiPi DRV, chúng ta có thể điều khiển chiều và cả tốc độ quay của động cơ nếu cần.
Hình 9.3:Kết nối động cơ quạt, PIN và mạch motor DRV
Việc kết nối mạch ChiPi DRV với motor quạt khá đơn giản, và được trình bày ở Hình 9.3. Với 4 chân ở bên phải, chúng ta sẽ lần lượt nối vào PIN và 2 chân của động cơ. Hai chân PIN này sẽ là nguồn điện để động cơ máy quạt quay, tùy vào phần điều khiển bốn chân ở bên trái. Bốn chân này, sẽ được kết nối vào 1 cổng của mạch mở rộng để xuất tín hiệu điều khiển. Về cơ bản, để điều khiển động cơ bằng mạch DRV, chúng ta cần xuất 2 tín hiệu: Chiều quay và Tốc độ. Trong trường hợp muốn lấy nguồn từ mạch mở rộng ChiPi Base Shield, bạn chỉ cần nối nó qua mạch DRV theo đúng thứ tự âm dương của nguồn điện.
Cuối cùng, chúng ta lại tích hợp thêm 1 hệ thống mới vào hệ thống cũ đã có ở bài trước. Lúc này, hệ thống của chúng ta đã khá lớn và có tới 8 thiết bị kết nối cùng lúc. Hình ảnh của hệ thống lúc này được trình bày ở Hình 9.5 như bên dưới.
Hình 9.4:Kết nối thêm cảm âm thanh và quạt
Theo như kết nối ở trên, cảm biến âm thanh được nối vào chân P1 còn máy quạt được nối vào chân P8 và P9. Chân P8 sẽ phụ trách việc điều khiển chiều quay và P9 là tốc độ quay của quạt.