cứ chung mà nói, ngay trong tâm hồn con người, kể cả hạng người từ lúc còn trong trứng nước, bị nhồi sọ thuyết vô thần, tự nhiên có không nhiều thì ít tâm tình hướng về thiêng liêng, nói đúng hơn về một Đấng Cao Cả, mặc dầu Đấng nầy được quan niệm khác nhau tùy bộ lạc, dân tộc, thời đại, hoàn cảnh. Nếu con người được giáo luyện chu tất về tôn giáo, may tìm được chân giáo, thì tâm tình đạo đức ấy phát triển. Dĩ nhiên khi tâm hồn bị tà giáo lôi cuốn hay làm nô-lệ cho những tư-tưởng dị-đoan, thì tâm tình tôn giáo bị xuyên tạc, đi lạc đường, làm động cơ xô đẩy con người vào mê tín hoặc bị dập tắt đi. Nhưng kinh nghiệm lịch sử nhơn loại cho biết loài người rất ít được huấn luyện về tôn giáo chân chính, nên tâm tình tôn giáo tự nhiên có trong con người thường lớn lên cách èo uột. Nó bị sự lướt trớn của các lực lượng ham tiền, háo danh, ham vui, ưa nhàn, đàn áp. Vì lẽ trọng hệ đó, trừ những tâm hồn chân tu, đa số nhơn loại khi tĩnh tâm làm công việc thánh thiện mà người Kytô giáo gọi là « cấm phòng » để kiểm-thảo các tư-tưởng tâm tình, ước vọng, hành vi ngôn ngữ của mình, người ta hay thấy mình trên bước đường đời giống y như một con ngựa chạy cúp cổ trên đống vật chất. Có người suốt đời không nghĩ trên đầu có còn cái gì không. Họ « đánh trống lảng » những lời cảnh tỉnh của các nhà đạo đức. Nguy hiểm nữa là họ coi thường, dập tắt đi
những tiếng chuông của lương tâm. Cũng có người theo lương tri hay vì chán nản cuộc đời, đôi khi thả hồn trong giới siêu linh. Song vì thiếu niềm tư-tưởng vào một tôn giáo chân chính, sau cùng họ bỏ qua. Về đêm mà có những ý nghĩ đó thì bỏ qua rồi ngủ. Ban ngày mà mơ mộng đạo hạnh thì rồi một chút cũng bị công ăn, việc làm khiến thả trôi đi. Có nhiều tâm hồn cao tuổi lúc chân chồn, gối mỏi, ngoảnh lại đường đời đã qua, thấy công trình vật lộn với cuộc sống đầy máu lệ của mình, không còn lại cho mình cái gì vĩnh cửu. Có kẻ buổi tang du còn phải lặn lội tảo tần, hai sương một nắng để chạy từng miếng ăn, manh mặc, y như mới lập gia đình, lúc « ra riêng » không lệ thuộc nền kinh tế gia đình cha mẹ. Trong một bài giảng thuyết ở một giáo xứ nọ, khi giải thích câu « ai ham lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì ? » Tôi thấy có một số ông cụ bà cụ rơi lệ. Họ cảm động không phải tại gì tôi hùng biện mà tại họ lãnh hội được chân nghĩa của danh ngôn trên. Họ thấy cuộc đời phù vân quá. Ở kiếp nhân sinh, nếu người ta không hướng thượng mà chỉ hướng hạ thôi, thì sau cùng tay trắng sẽ còn tay trắng. Người cảm thấy bôn ba trên đường y như một chiếc lá vàng bị quay cuồng trong cơn gió lốc để rồi sau cùng gieo mình đến chỗ nào đó, không để lại một tiếng vang nào cả. Nếu đời người mà vậy thì, thưa bạn có nghĩa gì ? Cái nôi với cái hòm được nối liền bởi một gạch rỗng tuếch hay đầy đặc những tội lỗi, thì tội nghiệp cho kiếp nhân sinh lắm.