Phải nhìn bé bú cái núm vú cao su một cách say sưa như thế nào mới thấy không nỡ rứt ra mà liệng đi! Một lần bắt gặp chị L. bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng ném cái núm vú cao su của một bé xuống lầu, tôi thấy đau nhói trong lòng. Chị nói với bà mẹ:
Phải cương quyết liệng nó đi. Nó là nguyên nhân của chứng bệnh ỉa chảy kinh niên của con bà!
Bà mẹ rơm rớm nước mắt gật đầu, bé ngơ ngác chưng hửng, rồi dáo dác nhìn quanh như muốn tìm một các gì khác thế đỡ.
Bác sĩ L. hoàn toàn có lý. Cái núm vú cao su của bé mới gớm ghiếc làm sao! Nó ngả màu đen, cái khoen cũng phai màu, cái miếng plastic tròn để ngăn không cho bé nuốt cũng đầy cáu ghét. Mỗi lần nó rớt xuống đất, bé khóc ré lên, bà mẹ lại vội vàng lượm lên lấy chéo áo lau sơ một cái rồi nhét ngay vào miệng bé. Tức khắc, bé nín khóc, lim dim, sung sướng... Dĩ nhiên, một đống vi trùng trong cái núm vú của bé cũng sung sướng nhưng không lim dim, đang tìm cách tấn công bé. Bé viêm ruột, bé ho hen, bé bệnh lai rai hoài!
Hầu hết các bác sĩ không đồng ý cho bé bú cái núm vú sao su là vì lý do này. Và họ có lý. Tuy nhiên một số lớn các bà mẹ thì cứ tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ châu Á, châu Phi cho đến châu Âu, châu Mỹ đang cho bé bú núm vú cao su, và các nhà sản xuất núm vú cao su trên thế giới vẫn đang hốt bạc. Vậy có nên nhìn vấn đề một cách khác không?
* Thường thì các bà mẹ không ai cho bé bú núm vú để chơi, các bà chỉ cho bú khi đứa bé khóc nhè, nhõng nhẽo hoài không cho họ làm việc gì hết. Nhét cái núm vú vô miệng là bé nín ngay (chắc là một hình thức “cả vú lấp miệng em” đây!). Bé ngạc nhiên lúc đầu, khoái tra lúc sau và dần dần đâm ghiền.
Trẻ có thể khóc vì nhiều nguyên nhân, thường con đầu lòng các tháng đầu hay khóc nhè, khóc lúc đói bụng mà sữa chưa xuống kịp, khóc sau khi no rồi mà bú chưa đã... Trong các trường hợp đó, cái núm vú hay hơn tất cả các thứ thuốc.
* Ngoài các ích lợi làm cho bé bớt khóc nhè, cái núm vú còn có thể giúp bé tránh được tật bú tay. Khi bé bú chưa đã, bé thường bú tay để thõa mãn nhu cầu bú. Nếu lúc đó ta nhét cho bé cái núm vú cao su, bé sẽ không bú tay nữa. Không nên cho bé bú bình bú không, thực ra bé cũng chẳng chịu, vì với các núm vú có soi lỗ, bé sẽ nuốt nhiều hơi và sẽ bị đau bụng. Cái núm vú cao su không có lỗ tránh được cái hại này. Những trẻ có thói quen bú tay sẽ khó bó tật xấu này, nhiều khi đến bốn tuổi chưa bỏ được, trái lại trẻ bú núm vú cao su dễ bỏ hơn. Nhiều trẻ bỏ ngay từ lúc được sáu tháng, trể lắm là một năm. Hơn nữa bú tay cũng rất dơ, vì ta có thể nấu sối núm vú cao su để khử trùng còn tay thì không thể nấu được, phải không? Ngón tay cũng bị chai cứng lại, mất thẩm mỹ và bú tay cũng thường làm cho răng hàm trên vểnh ra, răng hàm dưới thụt vào.
* Dĩ nhiên không phải tôi biện hộ như thế để khuyến khích bé bú núm vú cao su! Bất đắc dĩ ta mới phải cho bú như thế. Những bé hay khóc nhè, những bé xấu đói, chưa kịp pha sữa khóc la ỏm tỏi, bé có xu hướng bú tay, bú gối hay vớ bất cứ thứ gì cho vào miệng để thỏa mãn nhu cầu bú! Trong những trường hợp đó ta “cũng đành
67 Tủ sách Nuôi con – http://sachx.com
nhắm mắt” cho bé bú núm vú cao su vậy. Ta cũng phải giới hạn thời gian bú núm vú đến mức tối thiểu, càng ít càng tốt. Chẳng hạn, trước khi ngủ bé có thể bú một chút, nhưng bé vừa ngủ say là ta lấy núm vú ra để bé khỏi có thói quen phải có núm vú trong miệng lúc ngủ, mà vì cớ gì rớt ra là bé thức giấc. Ta cũng tập cho bé chỉ bú trong nhà, không bú lúc ra đường. Nên nấu sôi để sát trùng mỗi ngày, nên có sẵn vài ba cái núm vú để nếu bé làm rớt ta thay ngay. Nhúng núm vú trong dung dịch thuốc tiêu mặn để tránh đẹn. Khi bé lên sáu tháng ta bắt đầu tập cho bé bỏ bú núm vú từ từ, bỏ một hai cữ rồi dần dần bỏ hẳn. Để tự bé, phải lâu lắm bé mới bỏ được. Hình như những người lớn thích ngậm ống vố, ống điếu cũng là một dạng của cái ghiền núm vú cao su thuở xa xưa!
68 Tủ sách Nuôi con – http://sachx.com