7. Kết cấu của đề tài
3.1. Quan điểm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo
quản lý trong hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông hiện nay
Trước yêu cầu mới của thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cho công tác cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ LĐQL. Vì vậy cần xây dựng quan điểm có tính chất định hướng, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng LĐQL của đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị hiện nay
3.1.1. Xác định công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng
Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sức mạnh của Đảng, của hệ thống chính trị, quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong công tác cán bộ, công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng. Bởi vì, công tác cán bộ chỉ thật sự tốt khi được xem xét toàn diện về giới và giải quyết đúng đắn các mối quan hệ giới. Thiếu điều đó sẽ làm cho công tác cán bộ phiến diện, mất cân đối, kém chất lượng do không huy động được nhân tài từ cả giới nam và nữ. Làm tốt công tác cán bộ nữ không những tạo ra lực lượng cán bộ nữ có phẩm chất, năng lực cho Đảng, mà còn tác động tích cực đến công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ hài hòa giới có sức mạnh tổng hợp cao, phát huy "sở trường" và hạn chế "sở đoản" của cả cán bộ nam và nữ trong hệ thống chính trị.
Các cơ quan, cá nhân làm công tác cán bộ phải nhận thức đúng đắn, sâu sắc về đặc điểm cán bộ nữ và bình đẳng giới, có tư duy cách mạng trong xây dựng chiến lược, sách lược cũng như thực hiện công tác cán bộ. Việc phát
hiện, quy hoạch, đánh giá, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, đãi ngộ... cán bộ nữ phải theo đúng quy trình công tác cán bộ và cần phải chú ý đến các đặc điểm, yếu tố liên quan trực tiếp tới cán bộ nữ. Tùy theo các công việc, ngành nghề chuyên môn, vị trí công tác cụ thể và khả năng của cán bộ để linh hoạt trong sắp xếp cán bộ nam hay nữ, hoặc cả nam và nữ cho phù hợp, không được hình thức, rập khuôn, máy móc, gây bất bình đẳng giới.
Công tác cán bộ cần dân chủ, khoa học, tạo ra bình đẳng thực sự cho cả nam và nữ theo đúng các tiêu chuẩn, chức danh, khả năng, cơ hội mưu sinh và thăng tiến. Thiếu quan tâm hoặc quan tâm không đúng cách đến cán bộ nữ sẽ ảnh hưởng xấu tới công tác cán bộ của Đảng, tạo ra bất công, bất bình đẳng giới ngay trong đội ngũ cán bộ. Tuyệt đối tránh khuynh hướng định kiến, hẹp hòi đối với cán bộ nữ, hoặc chỉ vì thành phần, cơ cấu, chỉ tiêu... mà thực hiện gượng ép, không đảm bảo chất lượng cán bộ nữ. Mặt khác, công tác cán bộ phải tạo ra nhiều cơ hội để cán bộ nữ tích lũy đủ điều kiện cho các chức danh LĐQL trong hệ thống chính trị. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan phải quan tâm, động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
3.1.2. Nâng cao chất lượng cán bộ nữ LĐQL phải góp phần tạo động lực thúc đẩy bình đẳng giới trong đời sống kinh tế - xã hội, thu hút ngày càng đông phụ nữ tham gia tích cực vào đời sống chính trị
Quan điểm này nhấn mạnh vai trò to lớn và sự nêu gương của hệ thống chính trị trong việc nâng cao chất lượng của cán bộ nữ LĐQL. Hệ thống chính trị đã biến quan điểm, đường lối của Đảng về chăm lo giải phóng phụ nữ thành hiện thực, đưa nhiều phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính
trị. Qua đó tạo động lực thúc đẩy bình đẳng giới trong đời sống xã hội, thu hút ngày càng đông phụ nữ tham gia tích cực vào đời sống chính trị.
Trong hệ thống chính trị, người phụ nữ được đối xử bình đẳng, được trân trọng và được tạo điều kiện phấn đấu, công tác sẽ không chỉ làm cho hệ thống tổ chức này vững mạnh, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao mà còn là bằng chứng sinh động có giá trị "hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền" (như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh) cho bình đẳng giới đối với xã hội.
Mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị luôn nhận thức và thực hiện đúng công tác cán bộ nữ, có các giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý của họ sẽ làm cho xã hội phát triển. Nó khắc phục các biểu hiện thành kiến, coi nhẹ vai trò của phụ nữ hoặc quan tâm, giải phóng phụ nữ trên giấy tờ, lời hứa mà ít được thực hiện. Nâng cao chất lượng LĐQL của cán bộ nữ là động lực giải quyết tốt vấn đề bình đẳng giới. Vì nếu nâng cao được chất lượng LĐQL, đội ngũ cán bộ nữ sẽ cống hiến tốt hơn cho xã hội, nhất là trong đấu tranh, tạo chuyển biến nhận thức và hành động thực hiện các quyền bình đẳng của công dân, quyền con người, tiêu chuẩn cán bộ, cơ hội mưu sinh và phát triển, sân chơi bình đẳng cho cả nam và nữ. Điều đó không chỉ có tác dụng động viên cán bộ nữ phấn đấu vươn lên, làm tốt công việc được giao mà còn tác động tích cực tới toàn đội ngũ cán bộ công chức. Chị em phụ nữ có được những cơ hội để trở thành những người thành đạt trong xã hội và hạnh phúc trong cuộc sống khi tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu; khắc phục thói quen tự ti, an phận vốn tồn tại khá phổ biến lâu nay.
3.1.3. Nâng cao chất lượng cán bộ nữ LĐQL phải phù hợp với tính chất, đặc điểm và trình độ phát triển của đất nước, của địa phương
Thực tiễn là cơ sở và là tiêu chuẩn của nhận thức, là căn cứ quan trọng chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Tính chất, đặc điểm, văn hóa, thực trạng đội ngũ
cán bộ, trình độ phát triển KT-XH của đất nước nói chung, Đắk Nông nói riêng cùng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế là căn cứ để tiến hành nâng cao chất lượng cán bộ nữ LĐQL. Chỉ có dựa vào thực tiễn này thì việc nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng của cán bộ nữ từ trung ương đến cơ sở mới đúng hướng, hiệu quả; tránh được những sai lầm, vấp váp. Nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng cán bộ nữ là hoạt động liên quan tới cả đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đến các tổ chức đảng, nhà nước... nó có ảnh hưởng trực tiếp tới toàn xã hội nên cần rất thận trọng, bám sát thực tiễn để có chủ trương, biện pháp và lộ trình thích hợp.
Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới về cán bộ nữ, không bảo thủ vì đó là trào lưu văn minh chung của nhân loại. Chứng ta đã tham gia những cam kết quốc tế về bình đẳng giới nên cần chủ động, tích cực từng bước thực hiện các cam kết đó. Chứng ta rất cầu thị, muốn phát triển nhanh cán bộ nữ những cũng không thể nôn nóng, đốt cháy giai đoạn do việc giải quyết trọn vẹn những nguyên nhân làm hạn chế năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ rất cần nhiều công sức và thời gian. Tất nhiên, để Việt Nam hội nhập tốt với quốc tế thì từng địa phương trong cả nước (trong đó có Đắk Nông) không thể kéo dài mãi tỷ lệ cán bộ nữ thấp trong hệ thống chính trị như hiện nay. Vì vậy, cần thiết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ LĐQL.
3.1.4. Nâng cao chất lượng cán bộ nữ LĐQL là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị, đòi hỏi được tiến hành đồng bộ với các mục tiêu, chính sách, giải pháp cụ thể
Quan điểm này xác định việc nâng cao chất lượng cán bộ nữ LĐQL là nhiệm vụ thường xuyên của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trong đó, trách nhiệm trước hết và chủ yếu là của người đứng đầu cơ quan, cấp ủy đảng, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ. Mỗi cấp, ngành, địa phương,
đơn vị phải luôn coi trọng, tiến hành cụ thể hóa và thực hiện tốt công tác công tác cán bộ nữ. Nâng cao chất lượng cán bộ nữ LĐQL là một nội dung cần thiết của công tác cán bộ, được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Mọi biểu hiện chỉ chú ý thực hiện công tác cán bộ nữ trong những dịp bầu cử, kiểu "mùa vụ, chiến dịch, phong trào", thiếu minh bạch, cụ thể, chung chung... phải bị phê phán và khắc phục kịp thời. Tăng cường sự tham gia, theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ lẫn nhau giữa cấp trên và cấp dưới, bảo đảm cho công tác cán bộ nữ được tiến hành nền nếp, khoa học. Tuân thủ nghiêm quy trình công tác cán bộ trên tất cả các khâu như: quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm, chính sách cán bộ nữ và báo cáo, kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm ...
Nâng cao chất lượng cán bộ nữ LĐQL đòi hỏi được giải quyết rất đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị và ở các bước của công tác cán bộ với các mục tiêu, chính sách, giải pháp cụ thể. Sự đồng bộ đó thể hiện ở việc thống nhất, nhịp nhàng trong suốt quá trình thực hiện công tác cán bộ, giữa trên và dưới, trung ương và địa phương, giữa Đảng với Nhà nước và MTTQ và các đoàn thể.
Nâng cao chất lượng cán bộ nữ LĐQL luôn gắn với mục tiêu trong từng giai đoạn cụ thể. Mỗi mục tiêu nâng cao chất lượng cán bộ nữ LĐQL cần phù hợp với yêu cầu công việc của từng ngành, từng tổ chức và khả năng của cán bộ. Nâng cao chất lượng cán bộ nữ LĐQL còn gắn với những chính sách, biện pháp giải quyết cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển.... cán bộ, tạo thành hệ thống đồng bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo nam nữ hài hòa.
Nâng cao chất lượng cán bộ nữ LĐQL trong thời kỳ đổi mới trên cơ sở giải quyết đồng bộ các điều kiện, đó là phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức tốt, trình độ lý luận chính trị đáp ứng đúng tiêu chuẩn chức danh LĐQL; nâng
cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác LĐQL; nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu công tác; chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống; phụ nữ tự phấn đấu vươn lên và phát huy vai trò của Hội LHPN, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.
Chỉ tiêu nâng cao chất lượng cán bộ nữ LĐQL tùy theo hoàn cảnh cụ thể, không máy móc rập khuôn nhưng phải có sự cân đối nhất định ở các cấp trung ương - tỉnh - huyện; giữa các ban, ngành, khối đảng nhà nước, mặt trận và các tổ chức đoàn thể; có cơ cấu phù hợp bảo đảm sự kế thừa theo các yếu tố: độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, chuyên môn, dân tộc, thành phần, không chỉ cấp phó mà còn cả cấp trưởng.
Như vậy, sự đồng bộ, cụ thể về chủ trương, mục tiêu, chính sách, giải pháp công tác cán bộ là điều kiện tốt, tạo sức mạnh tổng hợp, sự nhất trí cao của xã hội để nâng cao chất lượng lãnh đạo của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị.
3.2. Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh ở tỉnh Đắk Nông hiện nay