Phân loại chi ngân sách nhà nước

Một phần của tài liệu Quản lý chi ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố buôn ma thuột, tỉnh đắk lắk (Trang 25 - 28)

Việc phân loại chi ngân sách nhà nước là cần thiết trong việc xác định các hoạt động của Chính phủ và mức độ thực thi các hoạt động đó; thiết lập trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện các thẩm quyền được giao và các chính sách; trong quá trình lập ngân sách và phân bổ các nguồn lực; trong thực hiện phân tích kinh tế và quản lý ngân sách hàng ngày. Việc phân loại chi ngân sách nhà nước được thực hiện theo các tiêu chí sau đây:

+ Phân loại theo chức năng của Chính phủ.

+ Phân loại chi tiêu theo thống kê tài chính của Chính phủ. + Phân loại theo ngành kinh tế quốc dân.

+ Phân loại theo khoản mục. + Phân loại hành chính.

+ Phân loại chi tiêu theo chương trình.

+ Phân loại chi tiêu theo tính chất công cộng của chi tiêu. + Phân loại chi ngân sách nhà nước theo mục đích chi tiêu. + Phân loại theo đơn vị dự toán.

+ Phân loại theo Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước Việt Nam.

Theo Điều 5 của Luật ngân sách nhà nước năm 2015, chi ngân sách nhà nước bao gồm: chi đầu tư phát triển, chi dự trữ quốc gia, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (chi chuyển nguồn ngân sách sang năm sau; chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới, chi cho vay, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, chi viện trợ,…). Cụ thể như sau:

- Chi đầu tư phát triển là khoản chi lớn, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Quy mô, kết cấu khoản chi này phụ thuộc vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong từng thời kỳ. Đây là khoản chi lớn trong chi đầu tư phát triển, bao gồm chi đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình không có khả năng thu hồi vốn hoặc thu hồi vốn chậm như công trình giao thông, đê điều, bệnh viện, trường học, nhà văn hóa,…

- Chi thường xuyên của nhà nước liên quan đến nhiều lĩnh vực, có thể khái quát một số lĩnh vực cơ bản của chi thường xuyên:

+ Chi cho hoạt động an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội: Khoản chi cho an ninh nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo ra sự yên bình cho người dân. Chi quốc phòng nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia,

chống lại sự xâm lấn của các thế lực bên ngoài. Quy mô của khoản chi này phụ thuộc vào sự biến động chính trị, xã hội trong nước và các yếu tố bất ổn từ bên ngoài. Chi quốc phòng an ninh mang tính bí mật của quốc gia nên toàn bộ khoản chi này do ngân sách nhà nước đài thọ và không có trách nhiệm công bố công khai như các khoản chi khác.

+ Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề: Là các khoản chi cho hệ thống giáo dục, đào tạo, dạy nghề từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thong đến đào tạo đại học và sau đại học. Nhu cầu giáo dục, đào tạo, dạy nghề của xã hội ngày càng đòi hỏi gia tăng về số lượng và chất lượng vời nguồn tài chính có hạn ngân sách nhà nước không thể đáp ứng cho các nhu cầu này mà chỉ đáp ứng một phần nhu cầu trong khuôn khổ nhất định, cho một số đối tượng nhất định. Khuôn khổ chi tiêu, đối tượng thụ hưởng phụ thuộc vào quan điểm của nhà nước và nguồn lực tài chính quốc gia.

+ Chi sự nghiệp khoa học công nghệ: là các khoản chi cho nghiên

cứu, ứng dụng, phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nhằm hiện đại hóa khoa học, công nghệ từ đó giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường làm việc, tăng năng lực cạnh tranh cho mỗi quốc gia cả về kinh tế, cả về xã hội.

+ Chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình: là các khoản chi cho đảm bảo sức khỏe cộng đồng, khám chữa bệnh cho người dân. Trong khuôn khổ nhất định, chi tài chính công phải đáp ứng kinh phí cho hoạt động khám chữa bệnh của một số đối tượng như trẻ nhỏ, những người thuộc diện chính sách xã hội.

+ Chi cho hoạt động sự nghiệp văn hóa, thông tin, phát thanh, truyền hình, thông tấn, thể dục thể thao: là các khoản chi cho hoạt động văn hoá, nghệ thuật, bảo tàng, truyền thanh, truyền hình, thể dục, thể thao… khoản chi này không chỉ nhằm mục đích nâng cao trình độ dân trí, nâng cao sức khỏe về tinh thần

cho người dân mà còn góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần khẳng định và nâng cao hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

+ Chi cho hoạt động kinh tế: Các khoản chi này nhằm đảm bảo hoạt động cho các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ phục vụ trực tiếp cho các hoạt động kinh tế như đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; thủy lợi; khí tượng; thủy văn… mặc dù các đơn vị sự nghiệp kinh tế có tạo ra sản phẩm và chuyển giao được nhưng không phải là đơn vị kinh doanh nên các khoản chi tiêu được coi như chi ngân sách nhà nước.

+ Chi cho các hoạt động quản lý nhà nước (chi quản lý hành chính): là các khoản chi để đảm bảo hoạt động của hề thống các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương như chi cho hệ thống cơ quan quyền lực, cơ quan hành chính, cơ quan chuyên môn các cấp, viện kiểm sát và tòa án.

+ Chi khác: ngoài các khoản chi trên, một số khoản chi không phát sinh đều đặn và liên tục trong các tháng của năm nhưng vẫn thuộc về chi thường xuyên như chi trợ giá theo chính sách của nhà nước, chi trả lãi tiền vay do chính phủ vay, chi hỗ trợ quỹ bảo hiểm xã hội…

Một phần của tài liệu Quản lý chi ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố buôn ma thuột, tỉnh đắk lắk (Trang 25 - 28)