1.3.1. Hệ thống văn bản pháp luật về hộ tịch hiện hành
Từ khi Luật Hộ tịch 2014 ra đời thì các quy phạm pháp luật về hộ tịch tập trung vào Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch và Thông tư số 15/2015/TT- BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch đã tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.
Có một số địa phương vẫn còn quy định trình tự, thủ tục đăng ký các việc hộ tịch theo quy định pháp luật hiện hành còn rườm rà, bất cập, nhiều quy định gây khó khăn cho người dân.
Hiện nay, trong các văn bản pháp luật (Bộ luật Dân sự 2015, Luật nuôi con nuôi năm 2010, Luật Hộ tịch và các Nghị định, Thông tư.., Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014) và các tài liệu sách báo pháp lý, thuật ngữ ‘’pháp lý về hộ tịch’’ được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên tùy từng trường hợp, nội hàm của nó được xác định theo nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp có sự khác nhau cơ bản. Theo những cách hiểu khác nhau đó việc xác định các quy phạm pháp luật và các quan hệ pháp luật về hộ tịch cũng có sự khác nhau.
Chủ thể thực hiện pháp luật về hộ tịch: gồm cơ quan Nhà nước gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao; cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự quán của Việt Nam ở nước ngoài; Ủy ban nhân dân các cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã), cá nhân, chủ yếu tập trung nghiên cứu hoạt động của Phòng Tư pháp và UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố Huế.
Thứ nhất, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hộ tịch và có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hộ tịch, hướng dẫn, chỉ đạo chung về thực hiện
pháp luật, quản lý cơ sở dữ liệu về hộ tịch trong lĩnh vực khai sinh, khai tử toàn quốc; thanh tra, kiểm tra trong việc thực hiện pháp luật về hộ tịch tại các địa phương, hợp tác quốc tế về hộ tịch.
Thứ hai, Bộ Ngoại giao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về việc thực hiện pháp luật về hộ tịch tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Cơ quan đại diện thực hiện quản lý nhà nước về hộ tịch của công dân Việt Nam ở nước ngoài, đăng ký hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài theo quy định; quản lý, sử dụng sổ sách, hồ sơ, biểu mẫu hộ tịch; quản lý, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo quy định ... Viên chức ngoại giao, lãnh sự làm công tác hộ tịch có trách nhiệm giúp Cơ quan đại diện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.
Thứ ba, Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành liên quan xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm việc kết nối giữa với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo yêu cầu của bộ, ngành, cơ quan Trung ương; xây dựng, quản lý, hướng dẫn việc cấp và sử dụng Số định danh cá nhân và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Thứ tư, UBND cấp tỉnh chủ yếu thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm tổ chức hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phương; bảo đảm nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động hoạt động thực hiện pháp luật về hộ tịch; quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo quy định; chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hộ tịch theo thẩm quyền; tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức Tư pháp – hộ tịch, công chức đảm nhiệm
công tác hộ tịch của Phòng Tư pháp. Sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước về hộ tịch.
Thứ năm, UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hộ tịch; thực hiện việc đăng ký hộ tịch trong lĩnh vực khai sinh, khai tử có yếu tố nước ngoài theo phân cấp; quản lý, lưu trữ, cập nhật, khai thác Sổ, hồ sơ hộ tịch trong lĩnh vực khai sinh, khai tử, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trong lĩnh vực khai sinh, khai tử theo quy định; ... Phòng Tư pháp giúp UBND thành phố thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước về hộ tịch trong việc thực hiện pháp luật của UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Huế .
Thứ sáu, UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố Huế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hộ tịch tại địa bàn của mình; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về hộ tịch, quản lý, lưu trữ, bảo quản sổ sách, hồ sơ hộ tịch, đăng ký các việc hộ tịch trong nước theo thẩm quyền; quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo quy định...
Thứ bảy, công chức Tư pháp – Hộ tịch các phường, xã trên địa bàn thành phố Huế giúp UBND phường, xã thực hiện đăng ký và quản lý nhà nước về hộ tịch. Thực hiện các nhiệm vụ mà được pháp luật quy định đối với công chức Tư pháp – Hộ tịch.
1.3.2. Ý thức của các chủ thể thực hiện pháp luật về hộ tịch
Ý thức của các chủ thể thực hiện pháp luật là hệ thống các quan niệm, quan điểm, tư tưởng về pháp luật, là sự đánh giá của con người đối với pháp luật và hành vi pháp luật của các chủ thể. Ý thức pháp luật được cấu thành bởi hai bộ phận là tâm lý pháp luật và hệ tư tưởng pháp luật. Để phát huy được hiệu quả của pháp luật thì ý thức của người dân chính là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện pháp luật về hộ tịch; trình độ tri thức, nhận thức nói chung và
nhận thức pháp luật nói riêng của người dân được nâng cao rõ rệt. Mỗi bộ phận cấu thành có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện pháp luật, cụ thể như sau:
- Tâm lý pháp luật: Tâm lý pháp luật là tổng thể những tình cảm, thói quen, thái độ đối với pháp luật của các chủ thể dưới ảnh hưởng và sự điều chỉnh của pháp luật. Nếu chủ thể nhận thức được sự cần thiết của pháp luật về hộ tịch, tin tưởng vào sự công bằng, công lý, lợi ích của việc điều chỉnh pháp luật về hộ tịch họ sẽ tự giác thực hiện pháp luật. Tâm lý pháp luật của mỗi chủ thể là khác nhau và có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện pháp luật về hộ tịch. Ngược lại, chủ thể miễn cưỡng chấp hành thì hiệu quả của việc thực hiện pháp luật sẽ không cao. Trong thực tế có những chủ thể do thiếu hiểu biết về pháp luật, không tôn trọng, bất chấp pháp luật nên dẫn đến vi phạm pháp luật. Do đó, để thực hiện pháp luật hiệu quả thì việc nâng cao ý thức pháp luật của chủ thể là điều vô cùng quan trọng.
- Hệ tư tưởng pháp luật: Hệ tư tưởng pháp luật là toàn bộ những quan điểm, tư tưởng, học thuyết, trường phái lý luận về pháp luật. Nếu hệ tư tưởng pháp lý khoa học, phản ánh sâu sắc, đúng đắn các mối quan hệ vật chất và các quy luật phát triển khách quan của xã hội thì sẽ tạo tiền đề cho việc thực hiện pháp luật được đúng đắn, tạo hành lang pháp lý để hiểu đúng và bổ sung thêm kiến thức pháp luật. Nếu hệ tư tưởng pháp lý phản khoa học, phản ánh sai lầm, xuyên tạc và thiếu tính khách quan các quan hệ vật chất, các quy luật phát triển của xã hội sẽ dẫn đến chủ thể thực hiện pháp luật hiểu sai lệch về kiến thức pháp luật, thực hiện sai các quy định của pháp luật.
1.3.3. Trình độ, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức
Là yếu tố đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện pháp luật trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ chính xác, đầy đủ. Khả năng thực hiện pháp luật chủ thể áp dụng pháp luật thể hiện sự thành thạo trong công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, tránh hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, gây khó
khăn phiền hà trong mọi thủ tục, làm việc theo kiểu hình thức, đối phó. Sự quan liêu, chậm trễ, thiếu tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, cơ quan đã gây nên sự bất bình cho người dân, dẫn đến sự việc đơn giản trở nên phức tạp.
1.3.4. Điều kiện vật chất – kỹ thuật
Hiện nay việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, áp dụng Chính phủ điện tử là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo việc thực hiện pháp luật hộ tịch. Do đó, kinh phí và cơ sở vật chất trang thiết bị cho hoạt động thực hiện và áp dụng pháp luật là một trong những điều kiện cần thiết để thực hiện pháp luật hộ tịch được hiệu quả. Việc thực hiện pháp luật về hộ tịch còn đòi hỏi sự quan tâm về điều kiện trang thiết bị vật chất – kỹ thuật cho công tác này được tốt hơn, nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu và hoàn trả hồ sơ hành chính cho người dân được tốt hơn.
1.3.5. Các yếu tố khác
* Yếu tố chính trị, kinh tế - xã hội
Là một trong những yếu tố đảm bảo cho việc thực hiện pháp luật hộ tịch của các chủ thể pháp luật, đặc biệt là cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng pháp luật. Một đất nước có môi trường chính trị ổn định là điều kiện thuận lợi đối với việc thực hiện pháp luật hộ tịch và ngược lại. Trong điều kiện xã hội có nền dân chủ rộng rãi, các tầng lớp xã hội có quyền thẳng thắn tham gia, bày tỏ nguyện vọng ý kiến quan điểm đối với các vấn đề trong hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật hộ tịch nói riêng. Ngoài ra, tính chất mức độ của nền dân chủ xã hội cũng là một yếu tố đảm bảo cho việc thực hiện pháp luật hộ tịch.
Việc thực hiện pháp luật về hộ tịch còn phụ thuộc vào môi trường mà trong đó pháp luật hộ tịch được thực hiện như chất lượng, đặc điểm dân cư, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật.
Nước ta là một nước đang phát triển, trình độ phát triển kinh tế xã hội ở mỗi vùng miền là khác nhau nên hiệu quả thực hiện pháp luật ở mỗi vùng miền cũng khác nhau. Sự phát triển kinh tế xã hội cũng là một yếu tố đảm bảo việc thực hiện pháp luật về hộ tịch. Kinh tế có phát triển nên đời sống vật chất mới được nâng cao thì pháp luật mới có điều kiện, khả năng được thực hiện, điều kiện kinh tế phát triển kéo theo sự phát triển về trình độ văn hóa, trình độ dân trí được cải thiện và nâng cao trong đó có tư duy pháp lý. Từ đó, người dân dễ dàng có điều kiện tiếp xúc với các nguồn thông tin về pháp luật hộ tịch, được giải thích và nắm rõ các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch thì việc thực hiện pháp luật sẽ có hiệu quả cao.
Như vậy, việc thực hiện pháp luật về hộ tịch chịu sự ảnh hưởng của rất nhiều các yếu tố, mỗi yếu tố có tầm ảnh hưởng khác nhau đối với quá trình thực hiện pháp luật. Kết quả của việc thực hiện pháp luật về hộ tịch có đạt được như mong muốn, quá trình thực hiện có đầy đủ, nghiêm minh hay gặp nhiều khó khăn vướng mắc phụ thuộc rất nhiều vào các nhân tố này. Vì vậy, trong quá trình thực hiện pháp luật Đảng và Nhà nước ta cần có những biện pháp phát huy những yếu tố có lợi và khắc phục khó khăn làm cho việc thực hiện pháp luật về hộ tịch ngày càng có hiệu quả hơn.
* Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hộ tịch
Công tác này có ảnh hưởng rất lớn đối với việc thực hiện pháp luật hộ tịch, thông qua công tác này giúp cho người dân nắm được các quy định của pháp luật, tự giác thực hiện nghiêm pháp luật. Ngược lại, nếu không làm tốt công tác này người dân sẽ bị hạn chế kiến thức pháp luật, hiểu sai hiểu không đầy đủ các quy định của pháp luật nên có nhiều người đang vi phạm pháp luật mà không hề biết hanh vi của mình là vi phạm pháp luật.Do vậy, nhà nước ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hộ tịch dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân để từ
đó người dân hiểu biết kĩ hơn về pháp luật hộ tịch khi đến giao dịch các thủ tục hành chính liên quan đến bản thân mình.
* Hoạt động giải thích pháp luật
Công tác này giúp cho người dân hiểu đúng, rõ, đầy đủ hơn về các quy định của pháp luật, vì hoạt động này có ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện pháp luật về hộ tịch. Nếu thiếu công tác giải thích pháp luật thì người dân sẽ không hiểu hoặc hiểu không đầy đủ các quy định của pháp luật, gây khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật. Do đó, để nhận thức đúng đắn, đầy đủ đòi hỏi phải giải thích tất cả các văn bản pháp luật, đồng thời nên đưa việc giải thích các thuật ngữ pháp lý vào nội dung của văn bản nhằm tạo sự nhận thức đúng đắn, tránh hiện tượng giải thích tùy tiện gây khó khăn cho việc thực hiện pháp luật.
* Sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật về hộ tịch.
Công tác này giúp cho giải quyết công việc một cách khoa học, phân công rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, tránh có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cán trở lẫn nhau. Đây là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện pháp luật, đặc biệt là áp dụng pháp luật về hộ tịch. Sự không thống nhất, không phân định rõ rang phạm vi, lĩnh vực hoạt động giữa các cơ quan dẫn đến tình trạng có nhiều vụ việc thì nhiều cơ quan tranh nhau giải quyết nhưng lại có những vụ việc thì đùn đẩy không cơ quan nào chịu giải quyết. Vì vậy, sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan nhằm giải quyết có hiệu quả các công việc.
Tiểu kết Chương 1
Tại Chương 1, luận văn đã làm rõ khái quát được những vấn đề lý luận của việc thực hiện pháp luật về hộ tịch; yêu cầu và các yếu tố bảo đảm thực hiện pháp luật về hộ tịch; quan niệm pháp luật về hộ tịch và thực hiện pháp luật về hộ tịch.
Để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống lý luận về hoạt động thực hiện pháp luật về hộ tịch, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ phù hợp với các văn bản pháp luật và những vấn đề lý luận nghiệp vụ chung của ngành.Trên cơ sở phân tích có căn cứ khoa học những vẫn đề lý luận của thực hiện pháp luật về hộ tịch nên luận văn đã tập trung nghiên cứu phân tích chỉ ra một số vấn đề về yêu cầu và các yếu tố bảo đảm thực hiện pháp luật về hộ tịch cần được bổ sung, hoàn thiện nhằm làm cơ sở và tạo điều kiện thuận lợi cho công chức tư pháp – hộ tịch trong quá trình công tác được tốt hơn.
Đây chính là những căn cứ khoa học để đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống lý luận thực hiện pháp luật về hộ tịch trong những năm tiếp theo; từ đó làm cơ sở lý luận là những tiêu chí để phân tích thực trạng của Chương 2.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ HỘ TỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HUẾ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ