Thực trạng của vấn đề khảo sát

Một phần của tài liệu Thực trạng công tác chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật gãy kín 2 xương cẳng tay tại khoa phẫu thuật chi trên bệnh viện hữu nghị việt đức năm 2021 (Trang 28 - 32)

3.1.1. Đặc điểm của đối tượng khảo sát

Khảo sát được thực hiện trên 45 người bệnh sau phẫu thuật gãy kín hai xương cẳng tay điều trị tại Khoa Phẫu thuật chi trên – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Qua khảo sát tôi thu được kết quả như sau:

Đa số người bệnh thuộc nhóm tuổi từ 18 – 50 tuổi chiếm tỷ lệ 77,8%, người bệnh trên 50 tuổi là 13,3% và dưới 18 tuổi là 8,9%. Về giới tính: 80% người bệnh là nam và 20% là nữ. Kết quả này chứng tỏ nam giới là đối tượng lao động chính của xã hội và làm việc trong nhiều nghề nguy hiểm trong khi đó công việc của nữ giới thường là những việc ở văn phòng hoặc nội trợ. Do đó, nam giới sẽ là đối tượng có nguy cơ bị chấn thương cao hơn. Kết quả bảng 2.1 cũng cho thấy, số lượng người bệnh sinh sống ở thành thị cao hơn, chiếm tỷ lệ là 64,4% và nông thôn là 35,6%. Điều này có thể được lý giải là do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện tuyến Trung ương, nằm ở khu vực thành phố nên nhóm người bệnh ở khu vực thành phố khi bị chấn thương sẽ vào khám và điều trị tại đây.

Khi khai thác về trình độ học vấn và nghề nghiệp của người bệnh thì kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ người bệnh có trình độ học vấn là trung học cơ sở là cao nhất (55,6%) và nghề nghiệp chủ yếu của người bệnh là công nhân (48,9%). Kết quả chúng tỏ đây là những đối tượng có nguy cơ làm việc trong các môi trường nguy hiểm và có nguy cơ xảy ra chấn thương cao.

Kết quả bảng 2.2 cho thấy, lý do người bệnh bị gãy xương cẳng tay vào viện chủ yếu là do tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ là 53,3%, tiếp đến là nguyên nhân do tai nạn sinh hoạt là 31,1% và tai nạn lao động là 15,6%. Sở dĩ có tỷ lệ

23

này là do sự phát triển của các phương tiện giao thông cùng với ý thức của người dân khi tham gia giao thông chưa chấp hành tốt các luật lệ an toàn giao thông. Vì vậy, gãy xương là kết quả của tai nạn và thương tổn.

Về thời gian nhập viện, phần lớn người bệnh vào viện trước 24 giờ sau tai nạn chiếm tỷ lệ là 75,6%. Kết quả này được lý giải là do người bệnh bị gãy xương cẳng tay vào viện với lý do là tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt và tai nạn lao động thường trong thời điểm cấp cứu, không thể đưa người bệnh chậm trễ đến viện và ngoài ra người bệnh luôn được ưu tiên nhập viện sớm trước 24 giờ. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi giúp người bệnh hạn chế được các biến chứng.

3.1.2. Thực trạng công tác chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật

Hai xương cẳng tay có một chức năng quan trọng là sấp ngửa 1800, bao

gồm sấp 900 và ngửa 900, chứcnăng này rất cần thiết cho nhiều động tác chính xác. Bệnh rất hay gặp ở trẻ em. Gãy 2 xương cẳng tay nếu không điều trị và chăm sóc tốt dẫn đến mất nhiều chức năng vì hai xương cẳng tay có nhiều quan hệ khớp bên trên: quay cánh tay, trụ cánh tay, bên dưới quay cổ tay, giữa hai xương, quay trụ trên, quay trụ dưới, đặc biệt giữa 2 xương có màng liên cốt phải đủ rộng, nếu hẹp sẽ giảm hoặc mất chức năng sấp ngửa. Vì vậy, khi tiến hành khảo sát về các nhu cầu của người bệnh sau phẫu thuật thì kết quả chỉ ra rằng:

Thân nhiệt của người bệnh là những tiêu chuẩn để đánh giá người bệnh có nhiễm trùng hay không và khi người bệnh sốt thì điều dưỡng phải tiến hành hạ sốt bằng chườm ấm, dung thuốc hạ sốt và giải quyết nguyên nhân. Kết quả khảo sát đã cho thấy, đa số người bệnh sau phẫu thuật có thân nhiệt bình thường chiếm tỷ lệ 88,9% và có 11,1% người bệnh bị sốt trong đó có 2 người bệnh nhiễm trùng vết thương và 3 trường hợp người bệnh đến viện muộn. Về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh: có 82,2% người bệnh ăn uống bình thường và 17,8% người bệnh chán ăn, ăn uống kém hơn bình thường. Lý do người bệnh ăn

24

kém hơn là do đau vết thương và mệt mỏi. Đánh giá về tình trạng giấc ngủ của người bệnh, kết quả bảng 2.3 đã chỉ ra phần đông người bệnh bị mất ngủ sau phẫu thuật, chiếm tỷ lệ 73,3%. Người bệnh mất ngủ, ngủ không ngon giấc là do người bệnh còn đau nhiều đặc biệt là trong 3 ngày đầu sau phẫu thuật. Với kết quả này, người điều dưỡng cần phải có chế độ chăm sóc phù hợp người bệnh không mất ngủ như sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu, thực hiện y lệnh thuốc giảm đau và tạo một môi trường yên tĩnh giúp người bệnh ngủ sâu hơn để mau bình phục.

Trước phẫu thuật người bệnh cần được tư vấn đầy đủ về các biến chứng sau khi phẫu thuật, tuy nhiên vẫn còn không ít người bệnh chưa nhận được về các thông tin tư vấn từ nhân viên y tế chiếm tỷ lệ là 22,2%. Điều này có thể là do: điều trị gãy xương là một cấp cứu được thực hiện tại phòng mổ trước khi về phòng điều trị nên vẫn còn một số người bệnh chưa nhận được thông tin. Với kết quả này, tôi mong muốn trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện để người điều dưỡng có nhiều thời gian hơn để chăm sóc người bệnh, hướng đến kết quả điều trị tốt nhất.

Sau phẫu thuật, người điều dưỡng cần đánh giá vết mổ để quyết định số lần thay băng, nếu vết mổ sạch, không có dịch thấm băng thì không cần thay băng hàng ngày mà có thể thay băng cách nhật và ngược lại nếu vết mổ nhiễm trùng hoặc máu, dịch thấm băng nhiều thì phải thay băng nhiều lần trong ngày để đảm bảo cho vết mổ sạch. Qua khảo sát 45 người bệnh sau phẫu thuật gãy kín xương cẳng tay cho thấy: trong ngày đầu sau phẫu thuật có 84,4% người bệnh được thay băng vết mổ 1 lần và 15,6% người bệnh được thay băng ≥ 2 lần. Tuy nhiên, sau 5 ngày phẫu thuật thì tình trạng vết mổ của người bệnh đã tiến triển tốt, không có người bệnh nào thay băng vết mổ ≥ 2 lần và 100% người bệnh thay băng 1 lần, cách nhật. Kết quả này cho thấy, đội ngũ nhân viên y tế Khoa phẫu thuật chi trên – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng và nhân viên y tế

25

toàn bệnh viện nói chung luôn cố gắng để mang đến chất lượng điều trị và chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.

Về tình trạng vết mổ kết quả bảng 2.5 đã chỉ ra: người bệnh đã được chăm sóc vết mổ rất tốt sau phẫu thuật, đảm bảo các quy định do Bộ y tế ban hành nên sau 7 ngày 100% vết mổ của người bệnh tiến triển tốt, không nhiễm trùng.

Để đánh giá mức độ đau sau phẫu thuật, điều dưỡng đã sử dụng thang đo từ 0 đến 10 để đánh giá, 0 là không đau và 10 là đau nhiều. Kết quả cho thấy, trong ngày đầu sau phẫu thuật, 100% người bệnh đều cảm thấy đau, trong đó 26,7% người bệnh cảm thấy đau vừa và 73,3% người bệnh cảm thấy đau dữ dội. Tuy nhiên, sau 5 ngày phẫu thuật thì chỉ còn một số ít người bệnh cảm thấy đau vừa chiếm tỷ lệ là 11,1%, còn đa số người bệnh không cảm thấy đau hoặc đau nhẹ (88,9%). Điều này được lý giải là do sau phẫu thuật khi thuốc gây tê, mê hết tác dụng thì người bệnh sẽ cảm thấy rất đau do đó người điều dưỡng cần hướng dẫn người bệnh trước phẫu thuật cần chuẩn bị tâm lý tốt nhất, phải thực hiện y lệnh thuốc giảm đau kịp thời cho người bệnh và khuyến khích người bệnh tập vận động sớm để nhanh giảm đau hoặc có thể dung các biện pháp vật lý trị liệu, tâm lý điều trị giảm đau…

Khi người bệnh bị gãy kín xương cẳng tay có chỉ định phẫu thuật thì tùy thuộc vào tình trạng người bệnh mà có chỉ định đặt ống dẫn lưu. Khi người bệnh có đặt ống dẫn lưu thì thường được rút trong khoảng thời gian từ 24 – 48 giờ sau phẫu thuật, nếu dẫn lưu chảy dịch hoặc máu nhiều thì thời gian rút ống có thể muộn hơn. Tuy nhiên, không nên để ống dẫn lưu quá lâu vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ cho người bệnh. Kết quả bảng 2.8, có 72,4% người bệnh được rút ống dẫn lưu trong khoảng thời gian từ 24 – 48 giờ và chỉ có 27,6 người bệnh là rút ống dẫn lưu sau 48 giờ.

Vận động sớm sau phẫu thuật là một việc làm cần thiết giúp người bệnh nhanh chóng giảm đau và hạn chế các biến chứng. Tỷ lệ người bệnh tự vận động

26

hoặc người nhà giúp đõ chiếm tỷ lệ là 55,6% và điều dưỡng hướng dẫn vận động chiếm tỷ lệ là 44,4%.

Cuối cùng, tiến hành đánh giá sự hài lòng của người bệnh về quá trình điều trị và chăm sóc sau phẫu thuật cho thấy: Đa số người bệnh hài lòng chiếm tỷ lệ là 88,9%. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít người bệnh chưa hài hòng, chiếm tỷ lệ là 11,1%. Điều này có thể là do số lượng người bệnh đông trong khi số nhân viên y tế lại thiếu nên một số người bệnh vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu. Với kết quả này, tôi mong muốn trong thời gian tới toàn bộ đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thiện tốt hơn nữa để nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị tại bệnh viện để người bệnh luôn luôn hài lòng về bệnh viện.

Một phần của tài liệu Thực trạng công tác chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật gãy kín 2 xương cẳng tay tại khoa phẫu thuật chi trên bệnh viện hữu nghị việt đức năm 2021 (Trang 28 - 32)