B. NỘI DUNG
1.2.4. Nguyên tắc dạy học tích hợp giữa giáo dục kĩ năng sống và GDCD
- Nguyên tắc tiếp cận hoạt động và nhân cách trong giáo dục tích hợp KNS cho học sinh thông qua dạy học môn GDCD.
Nhân cách con người chỉ được hình thành thông qua hoạt động và bằng hoạt động. Vì vậy, kĩ năng sống của học sinh chỉ có thể được hình thành thông qua học tập
và giảng dạy cũng như các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường. Vì vậy trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học GDCD, giáo viên phải là người tạo ra động lực cho người học, làm cho người học tham gia tích cực vào quá trình hình thành kỹ năng sống nói chúng và kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quyết định, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thương lượng, kỹ năng tự nhận thức bản thân, kỹ năng ứng phó với cảm xúc, v.v… Phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động phải thực sự là phương pháp tổ chức và điều khiển hoạt động nhận thức, rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh làm cho hoạt động dạy học GDCD nói chung và hoạt động giáo dục tích hợp kĩ năng sống cho học sinh nói riêng trở thành hoạt động cùng nhau của cả giáo viên và học sinh trong nhà trường THPT.
- Giáo dục tích hợp kĩ năng sống cho học sinh THPT thông qua hoạt động dạy học môn GDCD phải đảm bảo xuất phát từ quyền và bổn phận học sinh.
Mọi phương pháp biện pháp và hình thức giáo dục kĩ năng sống cho học sinh THPT đều hướng tới thay đổi hành vi cho các em và phù hợp với khả năng tiếp nhận của các em, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh. Vì vậy phương pháp và hình thức tổ chức phải đa dạng và phong phú đều hướng tới người học:
+ Trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học, giáo viên cần phải phát huy tích cực, tính tự chủ của học sinh trong việc sử dụng quyền và bổn phận của trẻ em để giải quyết các nhiệm vụ của hoạt động, đồng thời giáo dục cho học sinh kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng kiên định, kỹ năng ứng phó với xúc cảm, kỹ năng giao tiếp, v.v….
+ Gắn nội dung dạy học GDCD với thực tế cuộc sống để học sinh kiểm nghiệm quyền và bổn phận của mình, từ đó giúp các em có nhận thức đúng, có thái độ hành vi phù hợp để thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, kỹ năng ra quyết định trong cuộc sống hàng ngày.
- Phát huy thế mạnh của môn GDCD để giáo dục tích hợp KNS cho học sinh THPT.
Hoạt động dạy học tích hợp vào môn GDCD là hoạt động được tổ chức theo mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục THPT dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm lớp hay nhà sư phạm. Thông qua đó, tạo cơ hội cho học sinh biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm tri thức, thái độ, quan điểm và hành vi ứng xử của mình trong một môi trường an toàn, thân thiện có định hướng giáo dục. Thông qua môn GDCD có thể giúp HS sống một cách an toàn, khoẻ mạnh có khả năng thích nghi với những biến đổi của cuộc sống hàng ngày bởi
nội dung hoạt động đa dạng, phong phú, hình thức và phương pháp thực hiện luôn luôn đổi mới.
Tóm lại, nguyên tắc trên là những tư tưởng, quan điểm có tính chỉ đạo xuyên suốt quá trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua hoạt động dạy học môn GDCD ở trường THPT. Chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau, bổ sung hỗ trợ lẫn nhau và được khoa học nói chung thừa nhận và có tính phổ biến.