Đặc điểm về dân số, xã hội của đối tượng nghiên cứu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình tăng acid uric máu và đánh giá hiệu quả can thiệp cộng đồng ở người từ 35 tuổi trở lên tại tỉnh Cà Mau (Trang 107 - 109)

Về phân bố nhóm tuổi, Bảng 3.1 cho kết quả: trong 2232 người dân tại tỉnh Cà Mau nghiên cứu, nhóm tuổi từ 55 đến 64 chiếm cao nhất (33,29%; 743/2232 người); kế đó là nhóm tuổi từ 45 đến 54 chiếm 26,79% (598/2232 người); nhóm tuổi từ 35 đến 44 chiếm 19,8% (442/2232 người) và nhóm tuổi từ 65 trở lên chiếm 20,12% (449/2232 người); cho thấy các nhóm tuổi phân bố phù hợp với thống kế dân số ở tỉnh Cà Mau; Tuổi trung bình của người dân tỉnh Cà Mau nghiên cứu là 55,4±11,57 (Bảng 3.7). Tương tự, về giới tính, trong 2232 người dân tỉnh Cà Mau nghiên cứu, có 1098 nam giới, chiếm 49,19% và 1134 nữ giới, chiếm 50,81% (Bảng 3.1), cho thấy số đối tượng nghiên cứu ở 2 giới gần tương đương nhau. Kết quả này phù hợp với kết quả của Phạm Thị Dung trong nghiên cứu về tình hình tăng acid uric máu trong cộng đồng người dân tại tỉnh Thái Bình, miền Bắc Việt Nam, với tỉ lệ nữ giới

là 51% (975/1910 người) và tỉ lệ nam giới là 49% (935/1910 người) [7]. So với nghiên cứu cùa Trịnh Kiến Trung năm 2012 về tình hình tăng acid uric máu, bệnh gút và hội chứng chuyển hóa trong cộng đồng người dân tại tỉnh Cần Thơ, tỉ lệ nữ giới tham gia trong nghiên cứu là 72,8%, cao hơn so với tỉ lệ nam giới là 27,2% [33]. Nghiên cứu của Phan Văn Hợp cũng có cùng kết quả này, với 37,3% nam giới tham gia nghiên cứu (193/518 người) và 62,7% nữ giới (325/518 người) [16]. Giải thích các kết quả này có thể do nữ giới thường có điều kiện tham gia trong nghiên cứu nhiều hơn nam giới, có lẽ do trong đời sống xã hội, nam giới thường là lao động chính trong gia đình, nên ít có thời gian có mặt tại nhà khi tiến hành các nghiên cứu công đồng hơn so với nữ giới. Về nơi cư trú, kết quả Bảng 3.1 cũng cho thấy, người dân cư trú ở nông thôn trong nghiên cứu là 1700/2232 người, chiếm 76,16%, trong khi đó, số người dân cư trú tại thành thị trong nghiên cứu là 532/2232 người, chỉ chiếm 23,84%. Theo niên giám thống kê dân số tỉnh Cà Mau năm 2017, tổng dân số tỉnh Cà Mau là 1.222.575 người, sống ở khu vực nông thôn là 945.555 người, chiếm 77,35% và sống ở khu vực thành thị là 277.020 người, chiếm 22,65% [5]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy, số đối tượng nghiên cứu được chúng tôi chọn theo nơi cư trú là phù hợp, có thể đại diện cho dân số tỉnh Cà Mau.

Về phân bố nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu, kết quả Bảng 3.1 cho thấy, người dân là nông dân chiếm đa số trong nghiên cứu, với 1512/2232 người, chiếm 67,74%, người dân là công chức, viên chức là 226/2232 người, chiếm 10,13%, nghề buôn bán là 218/2232 người, chiếm 9,77% và các nghề khác là 276 người, chiếm 12,37%. Kết quả này phản ánh đúng phân bố về thành phần lao động của người dân tỉnh Cà Mau. Theo cục thống kê tỉnh Cà Mau phân bố nghề nghiệp tỉnh Cà Mau là nông dân chiếm 61,53%, Công nhân viên chức 26,5%, buôn bán 3,5% [5].

Về trình độ học vấn của đối tượng nghiên cứu (Bảng 3.2), số đối tượng có học vấn cấp tiểu học là 1054/2232 người, chiếm 47,22%; cấp trung học cơ sở là 761/2232 người, chiếm 34,09%; cấp trung học phổ thông là 231/2232 người, chiếm 10,35%; Cấp từ trung học chuyên nghiệp trở lên là 186/2232 người, chiếm 8,33%. Về thành phần tôn giáo, trong nghiên cứu có 207/2232 người có ít nhất 1 tôn giáo, chiếm 9,27%, người dân không theo tôn giáo nào là 2025/2232 người, chiếm 90,73%. Về thành phần kinh tế, có 168/2232 người có sổ chứng nhận hộ nghèo, cận nghèo, chiếm 7,53%; Số người không thuộc hộ nghèo là 2064/2232 người, chiếm 92,47%. Số liệu này cũng phù hợp với thống kê thành phần kinh tế ở người dân của tỉnh Cà Mau, với tỉ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh (đến cuối năm 2019) là 7,96%. Về tình trạng mãn kinh ở nữ giới, trong nghiên cứu có 1134 nữ giới, trong đó, có 230/1134 người chưa mãn kinh, chiếm 20,28% và 904/1134 người đã mãn kinh, chiếm 79,72% (Bảng 3.3).

Tóm lại, sự phân bố về giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, nghề nghiệp của các đối tượng nghiên cứu phù hợp với các đặc điểm dân số Cà Mau đã được thống kê, cho thấy mẫu nghiên cứu của chúng tôi có thể đại diện được cho những người dân từ 35 tuổi trở lên tại tỉnh Cà Mau.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình tăng acid uric máu và đánh giá hiệu quả can thiệp cộng đồng ở người từ 35 tuổi trở lên tại tỉnh Cà Mau (Trang 107 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(199 trang)