MỐI QUAN HỆ GIỮA GIÁO DỤC HỌC VÀ CÁC KHOA HỌC KHÁC
1.Hệ thống các ngành thuộc khoa học giáo dục
Khoa học giáo dục là một hệ thống các bộ môn khoa học có đối tượng nghiên cứu chung là quá trình giáo dục, có nhiệm vụ vạch ra bản chất và cấu trúc của quá trình giáo dục, vạch ra các mối liên hệ và quan hệ có tính qui luật chi phối sự vận động của quá trình giáo dục, từ đó xây dựng cơ sở khoa học để tổ chức và điều khiển quá trình giáo dục một cách tối ưu.
Hệ thống các ngành thuộc khoa học giáo dục hình thành do tác động của ba nhân tố khách quan sau:
- Những đòi hỏi mới của đời sống xã hội và thực tiễn giáo dục.
- Logic phát triển của khoa học giáo dục (sự phát hiện những khía cạnh mới cần nghiên
cứu).
- Tác động qua lại giữa khoa học giáo dục và các khoa học khác.
Khoa học giáo dục là một lĩnh vực lý luận tương đối độc lập đang trong quá trình vừa tự phân hóa thành những bộ môn khoa học giáo dục riêng biệt, vừa hội nhập với các bộ môn khoa học khác để tạo thành hệ thống phát triển các bộ môn khoa học giáo dục. Các bộ môn khoa học giáo dục được chia thành 6 nhóm theo các tiêu chuẩn phân loại khác nhau:
- Nghiên cứu ở thể hoàn chỉnh về mặt cấu trúc, vận hành và phát triển cũng như về không gian và thời gian, có nhóm các bộ môn khoa học giáo dục:
+ Cơ sở lý luận và phương pháp luận của Giáo dục học + Lý luận giáo dục
+ Lý luận dạy học
+ Lý luận tổ chức và quản lý giáo dục và nhà trường + Giáo dục học so sánh
+ Lịch sử giáo dục.
- Nghiên cứu thông qua việc chiếm lĩnh các lĩnh vực văn hóa khác nhau và việc tham gia các loại hình hoạt động khác nhau:
+ Giáo học pháp bộ môn (lý luận dạy học bộ môn): khoa học về các quy luật giảng dạy và nghiên cứu từng môn học cụ thể
+ Phương pháp tổ chức và hướng dẫn các hoạt động (trò chơi, thể thao, nghiên cứu khoa học, lao động kỹ thuật...)
- Nghiên cứu trong mối liên hệ và tác động qua lại giữa giáo dục với các quá trình khác như quá trình phát triển tâm sinh lý con người, quá trình phát triển kinh tế - xã hội:
+ Tâm lý học giáo dục + Kinh tế học giáo dục + Xã hội học giáo dục + Vệ sinh trường học
+ Lý luận về cơ sở vật chất - kỹ thuật trường học
- Nghiên cứu quá trình giáo dục ở những lứa tuổi khác nhau, các thiết chế và bậc học khác nhau: Giáo dục học mầm non, giáo dục học phổ thông, giáo dục học chuyên nghiệp, giáo dục học đại học, giáo dục học người lớn.
- Nghiên cứu trong các môi trường, phạm vi khác nhau: giáo dục học gia đình, giáo dục học nhà trường, giáo dục học chuyên ngành: giáo dục học y học, giáo dục học quân sự, giáo
dục học thể dục - thể thao, giáo dục học sản xuất, giáo dục học cải tạo....
- Nghiên cứu quá trình giáo dục đối với trẻ khuyết tật:
+ Giáo dục học chuyên biệt: chuyên nghiên cứu đặc điểm dạy học, giáo dục và chuẩn bị lao động cho trẻ em khuyết tật. Hiện nay Giáo dục học chuyên biệt đang nghiên cứu và tổ chức hoạt động giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.
2. Mối quan hệ giữa Giáo dục học và các khoa học khác
Giáo dục học nghiên cứu giáo dục như một hiện tượng xã hội nên nó liên quan đến mọi khoa học về xã hội.
+ Triết học Mác Lênin: Khoa học về các quy luật phổ biến nhất của sự phát triển tự nhiên, xã hội và tư duy con người, là nền tảng khoa học cung cấp các quan điểm phương pháp luận cho việc xây dựng Giáo dục học.
+ Xã hội học: nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường xã hội tới con người và tới quan hệ giữa mọi người, nghiên cứu các đặc điểm của sự phát triển kinh tế, văn hóa và ảnh hưởng của chúng tới sự hình thành và phát triển nhân cách con người; nó giúp Giáo dục học giải quyết nhiều nhiệm vụ xây dựng nhà trường, cũng như tác động qua lại giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục trẻ em.
+ Kinh tế học:
Đối tượng dạy học và giáo dục là con người, bởi vậy giáo dục học liên quan chặt chẽ đến những khoa học nghiên cứu con người như sinh lý học và tâm lý học.
+ Sinh lý học: được coi là nền tảng khoa học tự nhiên của cả Tâm lý học và Giáo dục học.
Giáo dục học dựa trên tài liệu của sinh lý học về sự phát triển của hoạt động thần kinh cao cấp và các đặc điểm loại hình của hệ thần kinh, của hệ thống tín hiệu thứ nhất và thứ hai, về sự phát triển và vận hành của các giác quan, các cơ quan nội tạng.
Hiểu biết cơ sở sinh lý học của các hiện tượng tâm lý sẽ giúp các nhà giáo hình dung rõ hơn một số cơ chế dạy học và giáo dục để nâng cao hiệu quả tác động.
+ Tâm lý học: trang bị cho Giáo dục học tri thức về nhiều điều kiện và cơ chế diễn biến của quá trình hình thành nhân cách con người. Chẳng hạn Tâm lý học lứa tuổi và sư phạm có vai trò rất quan trọng đối với việc nghiên cứu và ứng dụng Giáo dục học vì trang bị cơ sở để ứng dụng hợp lý các phương pháp dạy học và giáo dục, còn Tâm lý học xã hội lại cần thiết cho việc nghiên cứu các vấn đề giáo dục đạo đức, nhân cách...
Như vậy Giáo dục học tuy có đối tượng và lĩnh vực nghiên cứu riêng nhưng vẫn liên quan chặt chẽ với nhiều khoa học khác cùng nghiên cứu về con người. Sự liên quan thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng: cùng nghiên cứu những vấn đề chung; Giáo dục học sử dụng những tài liệu, sự kiện của các khoa học khác, sử dụng những thuật ngữ và luận điểm; vận dụng phương pháp của các khoa học khác trong các công trình nghiên cứu giáo dục.