4. Ý nghĩa của luận văn
1.5.2.3. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
“Cánh đồng mẫu lớn” là khái niệm ở Việt Nam ban đầu được hiểu là làm mẫu những cánh đồng lớn. Đó là những cánh đồng có thể một hoặc nhiều chủ, nhưng có cùng qui trình sản xuất, cùng kế hoạch tiêu thụ sản phẩm, cung ứng đồng đều và ổn định về số lượng và chất lượng theo yêu cầu thị trường dưới một thương hiệu nhất định. Mô hình cánh đồng mẫu lớn là bước phát triển mới của mô hình liên kết bốn nhà, cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng tại Quyết định 80/2002/QĐ- TTg và Chỉ thị 24/2003/CT-TTg về xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ.
Những năm gần đây, mô hình “cách đồng mẫu lớn” đã được người dân biết đến như một thành công đột phá của ngành sản xuất lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với việc áp dụng tất cả các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến nhất trong sản xuất nhằm tăng sản lượng, năng suất, giảm chi phí và tăng thu nhập, mô hình này đã đem lại hiệu quả tích cực và mang lại niềm vui cho những người tham gia, bao gồm người nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và cả chính quyền địa phương, cán bộ quản lý nông nghiệp.
Mô hình này được khởi xướng tại tỉnh An Giang, nơi có lợi thế về sản xuất lúa với sản lượng hàng năm lên đến hơn 3,6 triệu tấn, xuất khẩu từ 500.000 đến 600.000 tấn gạo. Trong đó nổi bật là mô hình cánh đồng mẫu lớn của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang. Vụ Đông Xuân 2010 – 2011, 1200 ha của hơn 400 hộ
nông dân ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã trở thành vùng sản xuất lúa nguyên liệu cho nhà máy chế biến của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang. Theo mô hình này, các hộ nông dân trồng lúa hưởng ứng chương trình “Cùng nông dân ra đồng” do tỉnh khởi xướng, liên kết lại với nhau, hình thành một cánh đồng rộng lớn theo nguyên tắc: cùng xuống giống một ngày, chăm sóc theo cùng quy trình “sạch”… Nông dân tham gia sẽđược Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đầu tư ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… không tính lãi và cử cán bộ kỹ thuật xuống trực tiếp cùng bám ruộng với nông dân. Khi thu hoạch nông dân được hỗ trợ chi phí vận chuyển, lưu kho và được công ty thu mua với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Nhờ được tư vấn kỹ thuật trồng lúa, thu hoạch, phơi phóng, đặc biệt là ghi chép quy trình sản xuất và chi phí vào sổ theo tiêu chuẩn VietGap, lần đầu tiên nhà nông đã tính toán được giá thành mỗi vụ. Tất cả các chi phí cho nguyên vật liệu sản xuất đầu vào, nông dân đều được mua với giá gốc, ngoài ra họ còn được mượn kho trữ gạo trong vòng một tháng mà không trả phí và thanh toán không tính lãi sau khi bán lúa. Cách làm này đã tránh được tình trạng người nông dân không kiếm được tiền để tái sản xuất vì nhiều lý do như lúa không bán được hay mua vật tư thiếu lãi cao… Ngoài năng suất bình quân tăng khoảng 1 tấn/ha, chi phí đầu tư cũng giảm từ 1 - 2 triệu đồng/ha góp phần tăng thêm lợi nhuận từ 2 đến 4 triệu đồng/ha.
Nhờđem lại tính hiệu quả cao như vậy, mô hình liên kết sản xuất lúa “Cánh đồng mẫu lớn” đã được nhân rộng ra các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưĐồng Tháp, Long An, Trà Vinh… Mô hình đang nhận được sựđồng thuận cao trong xã hội, đặc biệt là người nông dân và sẽ là hướng phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai.
Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” cũng đã được áp dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác. Trong thủy sản, mô hình này đã được nhiều công ty áp dụng trong liên kết với nông dân trong sản xuất, cung ứng và quản lý chất lượng sản phẩm. Trong chăn nuôi, những nguyên tắc của cánh đồng mẫu lớn cũng được áp dụng để các chủ trang trại cùng chăn nuôi theo một qui trình sản xuất chung, có kế hoạch bán sản phẩm, chất lượng sản phẩm đồng đều,…
Theo kinh nghiệm được rút ra từ mô hình cánh đồng mẫu lớn, để tăng cường sự liên kết giữa nông dân với các chủ thể khác và đảm bảo sự tham gia vào thị trường của tác nhân nhỏ trong chuỗi giá trị, chính sách của nhà nước nên tập trung vào các việc sau: (i) khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mua hàng từ nông dân nhỏ;
(ii) cung cấp dịch vụ hỗ trợ nông dân nhỏ như kỹ thuật, tiếp cận hệ thống chứng chỉ…; (iii) cung cấp tài chính trực tiếp hoặc hỗ trợ tiếp cận với dịch vụ tài chính; (iv) điều chỉnh các tiêu chuẩn chất lượng tư nhân để sao cho nông dân nhỏ có thể tham gia với chi phí vừa phải; (v) hỗ trợ quy hoạch sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sản xuất nhưđường giao thông, thủy lợi, hệ thống kho chứa, nhà máy chế biến...