Trước những tác hại tới sức khỏe, kinh tế, văn hóa, xã hội… của tệ nạn ma túy, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống ma túy trên cả ba lĩnh vực: Giảm cung, giảm cầu và giảm hại.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện ma túy không ngừng được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện: Từ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995 đến Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, cho tới Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008… Năm 2013, Chính phủ ban hành Quyết định số 2596/QĐ- TTg, phê duyệt đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020”, mục đích thay đổi toàn diện về cai nghiện theo hướng tiếp cận, giải quyết vấn đề nghiện ma túy dựa vào bằng chứng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC). Đề án đưa ra quan điểm mới về vấn đề nghiện và cai nghiện ma túy, chú trọng vào đa dạng hóa các hình thức, biện pháp điều trị theo hướng tự nguyện, tiến tới chỉ điều trị bắt buộc đối với những người nghiện có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
Sau ba năm, đề án này về cơ bản đã được các địa phương triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, một số nơi còn lúng túng, có “độ trễ” trong công tác nhân rộng mô hình điều trị nghiện ma túy dựa vào cộng đồng, dẫn đến cảnh nhiều trung tâm cai nghiện không còn học viên, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực bị lãng phí, tỷ lệ tái nghiện vẫn còn ở mức cao. Kết quả, đề án đã không đạt được chỉ tiêu đề ra về tiến độ chuyển đổi trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội sang cơ sở điều trị nghiện tự nguyện. Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương binh - Xã hội), tính đến hết năm 2015, tổng số người trong chương trình điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai là 82.468, chỉ đạt 46% kế hoạch đề án đề ra.
Nguyên nhân là do nhận thức của một số ngành, địa phương về nghiện ma túy, điều trị nghiện ma túy chưa đầy đủ; chưa chủ động nghiên cứu, đưa ra mô hình chuyển đổi phù hợp. Bên cạnh đó, trong xã hội còn nhiều quan niệm khác nhau về việc điều trị cai nghiện ma túy. Nhiều người vẫn giữ ý kiến: Cai nghiện ma túy là phải điều trị bắt buộc tại các cơ sở tập trung, mà quên đi tầm quan trọng của những biện pháp hỗ trợ từ cộng đồng. Những người đi cai nghiện ở trung tâm thường có mặc cảm do bị cách ly trong thời gian dài, gia đình họ cũng không thể tham gia quy trình trị liệu tâm lý cho con em, dẫn đến sự thiếu tin tưởng vào các trung tâm. Thực tế này khiến tỷ lệ cai nghiện thành công thấp, có địa phương lên tới hơn 90%.
Trong khi đó, một số mô hình chuyển đổi từ cơ sở cai nghiện bắt buộc sang điều trị tự nguyện lại thu được kết quả đáng khích lệ. Hiện nay, cả nước đã có 28 trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội chuyển hoàn toàn sang cơ sở điều trị tự nguyện, với 1.298 người tham gia; 23 tỉnh, thành phố thành lập điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng, với 42 điểm thường trực. Nếu như trước đây, tại Hà Nội, hình thức cai nghiện tự nguyện chỉ chiếm 10%, thì sau 18 tháng triển khai thực hiện quy trình chuyển đổi nêu trên, con số này đã tăng lên 73%; lượng người được điều trị trên tổng số người nghiện tại Thủ đô hiện cũng đạt 50,2%.
Để có thể bảo đảm lộ trình giảm số người cai nghiện ma túy bắt buộc xuống còn 6% vào năm 2020, cần tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, qua đó thay đổi toàn diện, căn bản về tư duy, nhận thức của người dân. Theo đó, coi nghiện ma túy như một căn bệnh, người nghiện ma túy có thể điều trị tự nguyện trên cơ sở khuyến khích quyền được khám, chữa bệnh của người
31
dân; chuyển đổi các trung tâm cai nghiện thành những cơ sở đa chức năng, khuyến khích người có nhu cầu sử dụng dịch vụ tại đây. Để làm được điều này, các trung tâm phải có giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nhân viên theo hướng thân thiện với người nghiện, coi họ là khách hàng, thay vì kỳ thị, phân biệt đối xử.
Linh Phan
(nhandan.com.vn - Ngày 26/6/2016)