Triệu chứng lâm sàng tiêu chảy khi nhập viện

Một phần của tài liệu nghiên cứu tình hình khám và điều trị tiêu chảy của trẻ dưới 5 tuổi tại khoa lây, bệnh viện huyện phú vang, tỉnh thừa thiên huế năm 2008 (Trang 50 - 51)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.1.2.Triệu chứng lâm sàng tiêu chảy khi nhập viện

- Tất cả 205 trẻ vào viện có dấu hiệu tiêu chảy chúng tôi nghiên cứu ở đây đều có các triệu chứng kèm theo cao nhất là triệu chứng sốt chiếm 40,98%, đau bụng chiếm 35,61%, nôn chiếm 20,98%. Thấp nhất là triệu chứng chướng bụng chiếm 16,10% (bảng 3.6).

- Khi phân tích triệu chứng tiêu chảy, chúng tôi nhận thấy trẻ có số lần tiêu chảy trong ngày < 6 ngày chiếm tỷ lệ 59,02%. Không có trẻ nào tiêu chảy > 10 lần trong ngày (bảng 3.7). Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu Nguyễn Gia Khánh và cộng sự với số lần tiêu chảy trung bình trong ngày là 11.5±5,3 lần [24].

Điều này được giải thích là trong cơ chế bệnh sinh của tiêu chảy cấp do Rotavirus, các Rotavirus nhân lên trong liên bào nhung mao ruột non gây phá hủy cấu trúc liên bào và làm cùn nhung mao, vì vậy dẫn đến quá trình hấp thu của ruột bị giảm. Áp lực thẩm thấu tăng, kéo nước ra ngoài gây tiêu chảy nhiều lần trong ngày và phân rất nhiều nước, hậu quả dẫn đến mất nước, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng. Nếu điều trị không kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

- Trong lần trẻ đến khám và điều trị lần này chủ yếu các trẻ có số lần tiêu chảy dưới 2 ngày chiếm tỷ lệ 89,27%, không có trẻ tiêu chảy trên 5 ngày. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của các bà mẹ trong qúa trình chăm sóc con cái khi trẻ bị tiêu chảy, (bảng 3.8).

- Khi phân tích tính chất của phân, chúng tôi nhận thấy phân trẻ bị tiêu chảy ở dạng nhầy lẫn máu chiếm tỷ lệ 47,32%, trong khi đó phân tóe nước 28,29% phù hợp với nghiên cứu của Phan Kim Ngân là 30,92% [37], phân lỏng 24,39%, không có phân dạng sệt. Điều này chỉ đánh giá được tỷ lệ phần trăm tính chất của phân chứ chưa nói lên được nguyên nhân do gì, (bảng 3.9).

- Nôn là triệu chứng khởi đầu của tiêu chảy cấp do Rotavrius chiếm tỷ lệ 84,4%. Khi phân tích triệu chứng nôn chúng tôi nhận thấy trong 205 trẻ bị tiêu chảy chỉ có 43 trẻ vừa tiêu chảy và nôn chiếm tỷ lệ 20,98% (43/205). Trong đó có 25 trường hợp nôn ≤ 2 lần trong ngày chiếm 12,20% và > 2 lần/ngày chiếm 8,78%, có 162 trẻ tiêu chảy không nôn mữa chiếm tỷ lệ 79,02%, (bảng 3.10). Theo nghiên cứu của các tác giả, chính vì nôn nhiều và tiêu chảy phân lỏng nhiều lần nên trẻ không uống được dung dịch Oresol và đa số dấn đến có mất nước và mất nước nặng. Vì trẻ không ăn uống được nên phải nhập viện để truyền dịch đã khiến tiêu chảy cấp do Rotavrius trở thành một gánh nặng bệnh tật và chiếm một khoảng chi phí đáng kể đối với gia đình, hệ thống y tế và xã hội [4].

- Thời gian nôn của 43 trẻ bị tiêu chảy và nôn, có 30 trẻ có thời gian nôn ≤ 2 ngày chiếm tỷ lệ 69,77%, (bảng 3.11).

Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy những trẻ nôn nhiều vẫn tiếp tục cho trẻ uống dung dịch Oresol và giải thích động viên cho bà mẹ giảm bớt lo lắng, không dùng thuốc chống nôn.

- Cũng như triệu chứng nôn, sốt thường khởi đầu của bệnh và đi kèm với tiêu chảy, nôn và kéo dài trong vòng 2 ngày đầu của bệnh tiêu chảy do Rotavrius. Khi phân tích tình trạng sốt, chúng tôi nhận thấy trong 205 trẻ bị tiêu chảy có 84 trẻ sốt chiếm tỷ lệ 40,98%, (Bảng 3.12). Phù hợp với nghiên cứu của Phan Kim Ngân sốt trong tiêu chảy cấp chiếm 40,99% [34].

Một phần của tài liệu nghiên cứu tình hình khám và điều trị tiêu chảy của trẻ dưới 5 tuổi tại khoa lây, bệnh viện huyện phú vang, tỉnh thừa thiên huế năm 2008 (Trang 50 - 51)