George Gordon Byron là nhà văn lãng mạn tiêu biểu của nước Anh.
Sinh ngày 22.1.1788 ở London, bố người Anh, mẹ Scotland, đều dòng dõi quí tộc. Tiêu xài hết tài sản, người cha bỏ gia đình đi sang Pháp và chết ở Pháp khi Byron 3 tuổi. Thuở nhỏ Byron sống với mẹ ở Scotland trong nghèo nàn. Lên 10 tuổi, Byron được thừa kế một người ông bên nội tước hiệu Lord (thượng nghị sĩ) và một gia sản lớn. Hai mẹ con chuyển đến sống ở lâu đài gần Nottingham một thành phố công nghiệp lớn, nơi đang dấy
lên phong trào công nhân. Sau đó học trường đại học Cambridge, nghiên cứu triết học, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, say mê văn chương, nhất là văn học Ánh sáng Pháp…Khi 19 tuổi anh xuất bản tập thơ “Những giờ nhàn rỗi” bộc lộ tài năng châm biếm, phê phán xã hội Anh, ước mơ tự do, ngay cả hình thức thơ cũng đổi mới…Byron còn phải chống lại những bài báo phê bình đả kích của giới văn học bảo thủ, phản động…
Gần hai năm ông đi qua nhiều nước, chứng kiến cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Tây Ban Nha chống xâm lược Pháp và Napoleon, tìm hiểu đất nước Hi lạp và Anbani chống quân xâm lược Thổ nhĩ kỳ. . .và tìm được cảm hứng và chất liệu cho sáng tác tiến bộ sau này. Trở về Anh, ông xuất bản 2 khúc ca đầu tiên cho tập thơ “Cuộc hành hương của Sider Harol “ (1821). Ông còn hoạt động chính trị, ở thượng nghị viện, ông đọc diễn văn lên án chính sách phản động phản nhân dân của đảng Tori cầm quyền ở Anh, bênh vực người lao động, phản đối luật tử hình công nhân phá máy…bênh vực quyền độc lập tự chủ của Ireland…Sáng tác một số truyện thơ chính trị phê phán thực dân Anh, Pháp chà đạp thành quả cách mạng tư sản, cổ vũ nhân dân đấu tranh…dựa trên những đề tài hư cấu, tượng trưng…Uy tín Byron ngày càng lớn, giới cầm quyền lo sợ…Lợi dụng quan hệ tình ái khá rộng của ông chúng tìm cách bôi nhọ danh dự ông, ông ly hôn và bỏ đi nước ngoài. Đó là một cái án lưu đày biệt xứ không chính thức…
Ông lại đi sang Italia, sáng tác những vở kịch trữ tình và truyện thơ “Don Juan” dang dở ... Byron tham gia đấu tranh cách mạng ở Italia, bị cảnh sát theo dõi…Ông đi sang Hi lạp, tham gia khởi nghĩa, bỏ tiền mua vũ khí, chỉ huy nghĩa quân. Không may Byron lâm bệnh chết ngày 19.4.1824 năm ấy 36 tuổi. Hi Lạp tuyên bố quốc tang. Ngày nay Hi Lạp vẫn coi ông như anh hùng dân tộc của đất nước họ. Trái tim ông được an táng tại Hi lạp, thi thể đưa về Anh hỏa thiêu và mai táng gần lâu đài tổ tiên…Cái chết của ông ở chiến trường Hi Lạp gây xúc động và ảnh hưởng lớn đến nhân dân Anh
Ông đã hình thành một “chủ nghiã Byron” qua các tác phẩm thơ- kịch- tiểu thuyết của mình. Đó là một “chủ nghĩa cá nhân” kiêu kỳ, vô hạn, cực đoan.Nhân vật của Byron hành động theo một động lực nội tại, theo dục vọng mãnh liệt không chế ngự. Đó là nhận định của Langson về nội dung tiêu cực trong tác phẩm Byron.
Bielinski nhà lí luận phê bình của văn học Nga thì ca ngợi nhà thơ cách mạng Byron là “nhà thơ Byron chiến đấu cho tự do ở bất cứ nơi nào có thể chiến đấu được”. Những vở kịch không phải để diễn
Byron là một nhà thơ trữ tình, các vở kịch thơ của ông (Manfred, Cain…) cũng mang tính chất những bản trường ca nhiều hơn. Đó là những tác phẩm trữ tình viết ra để đọc chứ không phải để cho nghệ thuật sân khấu. Puskin nhận xét: “Byron chỉ sáng tạo có mỗi một tích cách…, phân chia cho các nhân vật của mình những nét tính cách riêng biệt của bản thân mình và như vậy đó, từ một tính cách toàn vẹn, u ám và kiên nghị, tạo ra một số tính cách vô nghĩa lí, đây hoàn toàn không phải là bi kịch”. Về thể loại, những tác phẩm này là những “đram tư tưởng”, một thể loại phổ biến ở châu Âu vào cuối TK XIX, đầu TK XX.
Các vở kịch này gắn liền với một giai đoạn khủng hoảng sâu sắc trong đời sống riêng của nhà thơ và phản ánh cái không khí tuyệt vọng chung của giới trí thức châu Âu phản ứng trước thực tại xã hội và các biến cố chính trị diễn ra sau Cách mạng tư sản Pháp, những điều này chứng tỏ sự sụp đổ của những lí tưởng của thời đại Ánh sáng.
Nhân vật kịch thường là một tính cách kì vĩ, có ý chí tự do mãnh liệt, dũng cảm nổi dậy đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm, chống lại số phận độc ác hay một thế giới thù địch, khinh khi quyền lực của mọi tên độc tài dù ở trên trời hay dưới đất…
Manfret trong vở kịch cùng tên (1817, vở kịch đầu tiên của Byron), một kẻ siêu phàm có khả năng gọi dậy và điều khiển cả những lực lượng siêu nhiên bằng sức mạnh của trí tuệ. Đó là một tâm hồn vĩ đại, ôm ấp những lí tưởng tốt đẹp, những hoài bão to lớn. Byron tập trung vào mô tả suy tư và tâm trạng của nhân vật. Qua việc phơi bày thế giới bên trong của Manfret với cuộc đấu tranh với chính mình, Byron muốn thể hiện cái xung đột cơ bản giữa nhân vật và toàn bộ thế giới, cái thế giới đang bị thống trị bởi thói ích kỉ, sự ngu dốt, tính vụ lợi , sự đê tiện, tệ giả dối, sự mê hoặc tôn giáo. Trí tuệ hùng vĩ và quyền lực to lớn của Manfret không cứu vớt được ông, không tạo ra được sự hài hòa trong tâm hồn cần cho hạnh phúc con người. Cuối cùng, Manfret chết trong cô đơn tuyệt đối, trên núi cao. Vở kịch chính là sự chối bỏ kịch liệt cái thực tại xã hội hình thành ở châu Âu mấy chục năm đầu thế kỷ XIX, sự khẳng định tầm vóc vĩ đại của con người và tấn bi kịch đau thương của nó khi lịch sử chưa cho cho phép những lí tưởng tiến bộ thắng thế.
Cain trong vở kịch “Cain” (1821) là một người nổi loạn đầu tiên trên trái đất chống lai quyền độc đoán của Chúa trời đã bắt loài người phải sống trong cảnh nô lệ và đau khổ (Cain là con của Adam và Eva, những con người đầu tiên trên trái đất). Đó là một vị Chúa có đủ các nét tính cách của một tên độc tài: ham quyền lực, kiêu ngạo, tham lam, hay nghi ngờ, ưa nịnh hót, thích trả thù. Khác với Manfret, Cain không là một kẻ nổi loạn cô đơn mà là một nhà nhân bản đấu tranh chống lại cường quyền vì hạnh phúc của những người khác, vì số phận của loài người.
Giữa lúc “Liên minh thần thánh” của các chính phủ phong kiến phản động đang thắng lợi ở châu Âu, vở “Cain” của Byron vang lên như một lời thách thức, nổ ra như một cuộc nổi dậy chống lại cái trật tự xã hội mà nhiều nước đang muốn tái lập dựa vào uy quyền của tôn giáo để thủ tiêu mọi thành quả của Cách mạng tư sản Pháp.
“Don Juan” cuộc tìm kiếm chân lí cuối cùng
Don Juan, một tiểu thuyết bằng thơ chưa hoàn thành, là đỉnh cao sáng tác của Byron. Ông bắt đầu viết Don Juan từ năm 1917 trên đất Italia và dự tính sẽ có 25 khúc ca. Rất tiếc, ông chỉ viết được 16 khúc ca và 14 khổ thơ của khúc ca 17 thì cái chết đã đột ngột đến với nhà thơ.
Toàn bộ xã hội đương thời với Byron được phản ánh ở trong đó một cách sâu sắc, chân thực và đa dạng: tâm hồn con người được khảo sát, mô tả ở nhiều khía cạnh khác nhau; nội dung tư tưởng rộng lớn, phong phú tiến bộ; những đổi mới về nghệ thuật của một nghệ sĩ canh tân; tất cả những cái đó làm cho tác phẩm này xứng đáng là sự kết thúc tuyệt đẹp cho cả quá trình sáng tạo trước đó. Puskin đã từng nói đến “tính đa dạng thực sự theo kiểu Shakespeare của Don Juan”
Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của Don Juan, một thanh niên quý tộc Tây Ban Nha. Đây là một cái tên quen thuộc trong văn học châu Âu (xem vở kịch cùng tên của Molier). Nhưng nếu như trong truyền thuyết dân gian, Don Juan là một kẻ đàng điếm ăn chơi, chuyên quyến rũ đàn bà con gái để lợi dụng họ và hưởng lạc, thì ở Byron tình hình sẽ ngược lại. Don Juan sinh ra trong một gia đình quyền quý sống theo tinh thần tôn giáo khắc nghiệt nhưng giả dối. Từ nhỏ, Don Juan đã chán ngấy các thứ giáo lí khô khan mà người ta cố ấn vào người và sẵn sàng buông thả mình theo tiếng gọi chân thực của trái
tim. Thường sang chơi bên gia đình Anfonce cùng mẹ, chàng quen với Julia, cô vợ trẻ của Anfonce, hơn chàng 7 tuổi, rồi một ngày kia nảy nở giữa hai người một tình yêu tha thiết. Mối quan hệ vụng trộm cuối cùng bị phát giác. Để tránh tiếng, bà mẹ bố trí cho Don Juan một cuộc du lịch dài ngày ở châu Âu.
Trong cách mô tả châm biếm cuộc sống của giới quý tộc Tây Ban Nha, dễ dàng nhận ra những phong tục tập quán, và thói đạo đức giả của xã hội thượng lưu Anh.
Bị đắm tàu ngoài biển khơi, Don Juan một mình được cứu thoát bởi một cô gái tuyệt vời, Haidet, con gái của tên tướng cướp Lumbro. Haidet bí mật chăm sóc Don Juan trong một cái hang đá gần bờ biển và cả hai người đã sống một bản tình ca tuyệt đẹp. Nhưng rồi hạnh phúc không kéo dài. Tên tướng cướp, khi phát hiện ra, đem chàng bán ở chợ nô lệ, còn Haidet thì đau buồn mà chết.
Từ chợ nô lệ, Don Juan được mua về cung vua Thổ, nhưng không phải để hầu hạ mà để làm một việc đặc biệt: ăn mặc giả gái để đi lại trong hậu cung của hoàng hậu, nhưng thực chất để làm tình nhân cho hoàng hậu. Không chịu được hoàn cảnh ấy, và suýt bị nhà vua phát giác, Don Juan bỏ chạy, vượt biển trốn sang nước khác, đến gần Ixmain, nơi quân đội Nga dưới quyền của tướng Xuvorov đang vây thành. Don Juan sung vào cuộc chiến đấu và lập được nhiều thành tích. Xuvorov phái anh về Petersburg để trình báo lên nữ hoàng Ecaterina.
Vì trẻ và đẹp, Don Juan nhanh chóng trở thành sủng thần, được nữ hoàng ưu ái, nhưng trước sự ghen tuông dị nghị của triều đình, nữ hoàng buộc phải cử chàng làm đại sứ của nước Nga tại Anh. Ở đây, Don Juan cũng có nhiều cuộc phiêu lưu kì lạ, bộc lộ tính chất hư hỏng sa đoạ của xã hội quý tộc Anh.
Theo dự định của tác giả, sau nước Anh, Don Juan còn đi qua một số nước khác, rồi cuối cùng đến đất Pháp tham gia vào cuộc Cách mạng tư sản và chết trên chiến luỹ Pari.
Khác hẳn với các nhân vật trước đây của chính Byron, Don Juan là một con người bình thường chứ không phải một người anh hùng phi thường được lí tưởng hoá. Tác giả phơi bày cuộc sống bên trong của nhân vật, không hề che giấu những nhược điểm, những tật xấu của anh. Các nét tích cực trong tính cách của Don Juan rất rõ: sự trung thực, lòng yêu tự do, sự căm ghét giả dối, tính kiên quyết, sự dũng cảm…Anh say mê không hạn độ, không chung thủy trong tình cảm, có khi tỏ ra ích kỉ - về điều này tác giả luôn luôn cười cợt anh ta- nhưng lại ghê tởm sự sa đọa trắng trợn, từ chối mối quan hệ với hoàng hậu vua Thổ trong cung cấm, mặc dầu suýt vì vậy mà mất đầu. Anh không có lí tưởng chính trị rõ ràng, nhưng căm ghét tất cả những kẻ áp bức. Anh đấu tranh kiên quyết, dũng cảm cho tự do của bản thân mình, và theo ý đồ của tác giả, ở cuối tác phẩm, khi đã chín muồi về chính trị, Don Juan sẽ cầm vũ khí chiến đấu cho quyền lợi của nhân dân. Sự phát triển tính cách của Don Juan, từ một con người bình thường đến một chiến sĩ, cho phép nói đến sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện thực trong phương pháp sáng tác của Byron.
Trong Don Juan, sự phản kháng của nhà thơ đối với mọi sự áp bức về chính trị, mọi chế độ độc tài cũng sâu sắc và cụ thể hơn trong các tác phẩm trước kia. Việc Don Juan phải sống ở nhiều nước trong cuộc đời phiêu bạt của mình là dịp tốt để tác giả phê phán các chế độ xã hội ở châu Âu hồi bấy giờ. Sự châm biếm hiện thực đạt đến đỉnh cao ở các khúc ca X – XVI, khi tác giả nói đến hiện thực xã hội Anh: bản chất phản nhân dân của chính phủ, sự giả dối, sa đọa và trống rỗng của tầng lớp thượng lưu, trò hề của những cuộc đấu tranh ở nghị viện, tính hẹp hòi vụ lợi của bọn tư sản, bọn chủ nhà băng, những người chủ thực sự của đất nước.
Là ngọn cờ của chủ nghĩa lãng mạn cách mạng ở đầu thế kỉ XIX, với Don Juan, Byron đã khẳng định bước đi hợp quy luật của nghệ thuật tiến bộ thế giới hồi bấy giờ: sự hình thành và sự thắng thế dần dần của chủ nghĩa hiện thực.
Sáng tác của Byron có tác động mạnh mẽ lên nhiều nền văn học dân tộc châu Âu hồi bấy giờ. Đánh giá sự đóng góp của nhà thơ Anh, Bielinxki nhận xét: “Thơ của Byron là một trang trong lịch sử của loài người. Xé bỏ nó đi thì tính toàn vẹn của lịch sử sẽ biến mất. Còn lại một chỗ trống mà không có gì thay thế được”.
1.3 VĂN HỌC ĐỨC – KHÁI QUÁT