Sự hình thành yếu tố “giá trị” trong hoạt động sáng tạo

Một phần của tài liệu tailieuxanh_v_l2_01039_noi_dung_8382 (Trang 62 - 70)

Sự hình thành yếu tố “giá trị” trong hoạt động sáng tạo có nghĩa là sự hình thành “cái mới có giá trị”, yếu tố giá trị gắn liền với “cái mới”. Sự hình thành “cái mới có giá trị” là sự hình thành sản phẩm sáng tạo. Một vấn đề đặt ra liệu có quy tắc vạn năng của sáng tạo không, nói cách khác, liệu người ta có thể đi đến phát minh bằng qui tắc của sáng tạo. Lịch sử sáng tạo học cho thấy không có nguyên tắc vạn năng cho sáng tạo nhưng có thể nâng cao khả

năng sáng tạo cho chủ thể nếu như biết được bản chất, quy luật của sáng tạo. Trong quá trình hình thành sản phẩm sáng tạo có những nhân tố nào định hướng hoạt động của chủ thể hướng tới sản phẩm sáng tạo. Nhân tố định hướng tư duy tới sản phẩm sáng tạo chính là nhân tố mà nhờ đó tư duy tiến đến đối tượng là sản phẩm sáng tạo loại trừ, loại trừ dần những đối tượng không phải là sản phẩm sáng tạo; là cơ sở tư duy tiếp cận gần hơn đến sản phẩm sáng tạo.

Nhân tố định hướng tư duy tới sản phẩm sáng tạo là thông tin về đối tượng của vấn đề sáng tạo hoặc thông tin về sản phẩm sáng tạo (Có thể thay “sản phẩm sáng tạo” bằng “lời giải” điều này không làm thay đổi bản chất của vấn đề). Như ở phần trên đã trình bày vấn đề và đối tượng của vấn đề. Thông tin về đối tượng của vấn đề sáng tạo bao gồm thông tin về tính chất đặc điểm, bản chất, quy luật chi phối đối tượng của vấn đề; thông tin về mối quan hệ giữa đối tượng của vấn đề với các đối tượng khác đặc biệt là các mối quan hệ tất yếu.

Sản phẩm sáng tạo là cái đích của hoạt động sáng tạo, là cái chưa có trong hiện tại. Nhưng người ta vẫn có thể biết được những thông tin nhất định về sản phẩm sáng tạo (thông tin về lời giải) và những thông tin đó trở thành nhân tố định hướng tư duy. Thông tin về sản phẩm sáng tạo bao gồm thông tin về thuộc tính chung của sản phẩm sáng tạo. Những quy luật chi phối sản phẩm sáng tạo… Chẳng phải ngẫu nhiên mà tác giả Lê Huy Hoàng khi định nghĩa sáng tạo trong cuốn “Sáng tạo và những điều kiện chủ yếu để kích thích sự sáng tạo của con người Việt Nam hiện nay” đã coi nhận thức các quy luật khách quan là cơ sở của hoạt động sáng tạo: “sáng tạo là quá trình hoạt động của con người, trên cơ sở nhận thức được các quy luật của thế giới khách quan, tạo nên những giá trị tinh thần và vật chất mới về chất, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của xã hội” [14, tr.39]. Tuy nhiên, quy luật của thế giới khách quan chỉ

là một phần dù rất quan trọng trong việc định hướng tư duy của hoạt động sáng tạo.

Trong “Lý thuyết giải các bài tóan sáng chế” (TRIZ) của G.S. Altshuller thì các quy luật phát triển của hệ thống kỹ thuật được xác định là cơ chế định hướng của tư duy sáng tạo trong hoạt động sáng chế. G.S. Altshuller cho rằng hệ kỹ thuật bất kỳ có những quy luật sau: 1/ Quy luật về tính đầy đủ của các bộ phận cấu thành. 2/ Quy luật truyền năng lượng. 3/ Quy luật phối hợp nhịp điệu giữa các thành phần của hệ. 4/ Quy luật tăng mức độ lý tưởng của hệ thống. 5/ Quy luật phát triển không đồng đều giữa các thành phần của hệ. 6/ Quy luật chuyển vào hệ trên. 7/ Quy luật chuyển từ mức macro sang mức micro.

Ở TRIZ còn có 40 thủ thuật sáng tạo cơ bản. Đó là những thao tác tư duy đơn lẻ, chỉ ra hướng người giải cần suy nghĩ. Những thủ thuật này được A.S. Altshuller tìm ra trên cơ sở phân tích với số lượng rất lớn các thông tin sáng tạo sáng chế chọn lọc từ mức 3 trở lên thuộc những lĩnh vực kỹ thuật khác nhau, đang phát triển mạnh (thông tin của hơn 40.000 bản mô tả sáng chế). Các thủ thuật như: 1/ Nguyên tắc phân nhỏ; 2/ Nguyên tắc “tách khỏi”; 3/ Nguyên tắc phẩm chất cục bộ; 4/ Nguyên tắc phản (bất) đối xứng v.v. Như vậy 40 thủ thuật sáng tạo cơ bản của TRIZ xuất phát từ những đặc điểm chung của những sản phẩm sáng chế từ những đặc điểm chung này chuyển thành những thao tác đơn lẻ có tính định hướng tư duy tới lời giải.

Trong lĩnh vực sáng chế, những nhân tố định hướng của tư duy không chỉ là những quy luật phát triển hệ thống kỹ thuật mà còn bao gồm những quy luật chi phối các bộ phận cấu thành hệ kỹ thuật, những tính chất đặc điểm chung của sản phẩm kỹ thuật sáng chế (kết quả của sáng chế).

Trong nghệ thuật, nhân tố định hướng của tư duy nghệ thuật trước hết là những quy luật của “cái Đẹp”.

Có thể nói các tri thức khoa học của các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội v.v. là những nhân tố định hướng tư duy giải quyết vấn đề trong các lĩnh vực đó.

Các ví dụ biểu hiện:

Trong điều tra các vụ án hình sự bao giờ cảnh sát hình sự cũng khai thác những thông tin về vụ án (những thông tin về lời giải) ví dụ như: hiện trường vụ án giết người để lại cho thấy hung thủ là nam giới (như vậy sẽ loại trừ thủ phạm là nữ giới), giữa hung thủ và nạn nhân có quan hệ thân thiết (hướng vào những người hay liên lạc với nạn nhân),…và lời giải của vụ án này là tên Nguyễn Văn A, A vốn là tình nhân cũ của nạn nhân. Trong lời giải này, đã có những thông tin mà người ta đã biết (nam giới, quan hệ thân thiết với nạn nhân). Những thông tin này có tính định hướng tư duy trong việc tìm ra lời giải cuối cùng.

Trong một tam giác vuông, bài tóan đặt ra là tìm kích thước của cạnh huyền. Cạnh huyền có quan hệ chặt chẽ với 2 cạnh góc vuông còn lại. Căn cứ vào mối quan hệ này mà người ta đi đến lời giải. Người ta tìm thông tin về chiều dài của 2 cạnh góc vuông đó. Dựa vào định lý Pitagos người ta tính được chiều dài của cạnh huyền. Lời giải của bài tóan này: cạnh huyền có chiều dài 30 cm. Những thông tin về lời giải như: đối tượng cần tìm kích thước là cạnh huyền (cạnh huyền là yếu tố của lời giải); cạnh huyền có quan hệ mật thiết với các cạnh góc vuông (quan hệ giữa lời giải (đối tượng cho trước) với các đối tượng khác) và quan hệ này được diễn tả trong định lý Pitagos (Bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương các cạnh góc vuông). Như vậy là những thông tin trên có tính định hướng tư duy.

Trong việc tìm ra lời giải của bài tóan người ta thường yêu cầu phân tích đề bài, để có được những thông tin về lời giải. Trong các bài tóan về sáng chế người ta khuyến khích xem bài tóan đặt ra có gì tương tự với những bài tóan đã giải hay không (từ sự tương tự về bài tóan dẫn đến sự tương tự về lời giải, như vậy sẽ có thông tin về lời giải). Ví dụ trong Algôrit sáng chế hay lý

thuyết giải các bài tóan sáng chế, trong các bước tiến hành có yêu cầu người giải sử dụng các tài liệu sáng chế để chính xác hóa bài tóan: “a. Theo các tài liệu sáng chế, những bài tóan gần với bài tóan đã cho được giải như thế nào?

b. Những bài tóan giống bài tóan đã cho trong ngành kỹ thuật tiên tiến được giải như thế nào ?” [6, tr. 36]

Nhân tố định hướng mạnh tư duy hướng tới lời giải sáng tạo là những quy luật trực tiếp chi phối sự phát triển của đối tượng cho trước, những bộ phận, yếu tố cấu thành của đối tượng cho trước; bản chất của bộ phận, yếu tố cấu thành; mối quan hệ tất yếu giữa các yếu tố, bộ phận của đối tượng cho trước; mối quan hệ tất yếu giữa đối tượng cho trước với các đối tượng khác. Khoa học với nhiệm vụ tìm ra bản chất, quy luật của đối tượng nghiên cứu cho nên tri thức khoa học là nhân tố định hướng mạnh tư duy trong việc giải quyết các vấn đề. Có nhiều bài tóan người ta căn cứ vào mối quan hệ tất yếu giữa thông tin đã biết của lời giải với thông tin cần tìm của lời giải, căn cứ vào quan hệ tất yếu giữa đối tượng cho trước (lời giải) với đối tượng khác để giải bài tóan.

Những thông tin về lời giải có tính định hướng tư duy với điều kiện là những thông tin đó là chính xác. Cho nên, với những tri thức của con người về thế giới một mặt với sự đúng đắn nhất định của nó có tác dụng định hướng tư duy trong việc giải quyết vấn đề nào đó nhưng mặt khác những tri thức của con người chưa đạt tới chân lý tuyệt đối, có tính hạn chế nhất định nên là nhân tố cản trở tư duy định hướng tới lời giải trong việc giải quyết những vấn đề khác.

Phương pháp tương tự được trình bày trong cuốn “Hãy trở thành người thông minh sáng tạo” của tác giả Lê Nguyên Long biểu hiện sự định hướng tư duy. Phương pháp tương tự “dựa trên những biểu hiện giống nhau của các sự kiện, hiện tượng mà suy luận, dự đóan về những quy luật tương tự chi phối chúng.” [26, tr.132]Có thể mô hình hóa phương pháp tương tự như sau: Gọi A1 là thông tin đã biết về lời giải (đối tượng X), B1 là thông tin cần biết về

lời giải. Gọi A2 là thông tin của đối tượng khác (đối tượng Y) giống nhất định với thông tin A1 của đối tượng X , gọi B2 là thông tin của đối tượng Y mà có quan hệ chặt chẽ với thông tin A2. Thông tin B1 cần biết được tìm thấy trên cơ sở lập luận rằng A1 giống ở mức độ nhất định A2, mà A2 dẫn đến B2 cho nên vì A2 giống A1 nên tương tự từ A1 có thể dẫn đến B1. Vậy nhân tố định hướng tư duy hướng đến B1 là nhân tố liên hệ giữa A1 với A2 (A2 giống A1), liên hệ giữa A2 với B2 (A2 có quan hệ chặt chẽ với B2). Alexander Graham Bell đã dùng phương pháp tương tự để phát minh ra chiếc máy điện thoại đầu tiên. Ông tìm thấy nét tương đồng giữa những hoạt động bên trong của tai và khả năng di chuyển thép của lớp màng vững chắc nhờ đó đã hình thành nên ý tưởng về chiếc máy điện thoại. Hay nhà vật lí học người Pháp A.Coulomb đã nghiên cứu các hiện tượng hút nhau của vật tĩnh điện khác dấu và đã dự đóan phải có một quy luật tương tự với định luật Newton cho các hiện tượng tĩnh điện. Đó là cơ sở từ đó ông phát minh ra định luật sau này mang tên người phát minh ra nó – định luật Coulomb. Trong cuốn “Đột phá sức sáng tạo bí mật của những thiên tài sáng tạo” của tác giả Michael Michalko cũng đề cập đến phương pháp tương tự và coi những thiên tài là những người có khả năng thấy được sự tương đồng ở những sự vật hiện tượng khác: “Một nét nổi bật nữa của thiên tài là khả năng tưởng tượng những điểm giống nhau, những so sánh hay thậm chí cả những nét khác biệt tương đồng giữa các thực tế và các sự kiện tương đương trong những lĩnh vực hay trong “những thế giới khác” – Tại sao X giống Y? Nếu X hoạt động theo một cách nhất định thì tại sao Y lại không thể làm tương tự như vậy?” [27, tr.217]

Công nghệ là môn khoa học ứng dụng, nhằm vận dụng các quy luật tự nhiên và các nguyên lý khoa học, đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người cho nên công nghệ là sự biểu hiện tiêu biểu nhất vai trò của các tri thức khoa học đối với sự định hướng tư duy trong hoạt động sáng tạo.

KẾT LUẬN

Sáng tạo là hoạt động đặc trưng của con người so với loài vật, thể hiện năng lực đặc biệt của con người. Nhờ có năng lực sáng tạo mà con người vượt lên trên lòai vật, sáng tạo ra một thế giới mới, không ngừng làm chủ tự nhiên, xã hội và bản thân mình. Sáng tạo có bản chất là hoạt động tạo ra cái mới có giá trị, đây là hoạt động có mục đích có ý thức, là hoạt động tạo ra sự phát triển của đời sống xã hội, tạo ra sự phong phú đa dạng của nền văn minh nhân loại. Sáng tạo có quan hệ chặt chẽ với vấn đề. Sáng tạo là hoạt động giải quyết vấn đề sáng tạo. Nhờ có sáng tạo mà vấn đề đặt ra được giải quyết một cách hiệu quả. Giá trị của sáng tạo chính là ở chỗ, trước hết giải quyết vấn đề sáng tạo đặt ra. Việc đưa “vấn đề” vào sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc lý giải ý tưởng, ý tưởng sáng tạo, sáng kiến, trực giác. Tất cả chỉ nhằm giải quyết vấn đề. Sáng tạo có 4 yếu tố cấu thành: chủ thể sáng tạo, vấn đề sáng tạo, những điều kiện khách quan của sáng tạo và sản phẩm sáng tạo. Trong đó chủ thể sáng tạo với năng lực sáng tạo của mình là yếu tố cơ bản, đầu tiên và là trung tâm của sáng tạo. Sáng tạo chẳng qua chỉ là hiện thực hóa năng lực sáng tạo của chủ thể. Sản phẩm sáng tạo là yếu tố đích của sáng tạo, là kết quả biểu hiện của sáng tạo. Bất kỳ hoạt động sáng tạo nào cũng đều có 4 yếu tố trên, thiếu một trong bốn yếu tố trên thì không có hoạt động sáng tạo. Sáng tạo là hoạt động phong phú đa dạng diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bất kỳ một hoạt động nào trong đời sống xã hội cũng đều có sáng tạo, đều cần đến sáng tạo. Đặc biệt, có cấp độ sáng tạo cá nhân và cấp độ sáng tạo xã hội. Sáng tạo ở cấp độ sáng tạo xã hội mới đem lại giá trị xã hội đích thực, mới thể hiện được vai trò sức mạnh của sáng tạo. Do vậy, sáng tạo mà xã hội trân trọng, khuyến khích là sáng tạo ở cấp độ xã hội.

Có sự phân biệt giữa sáng tạo và hoạt động sáng tạo. Bản chất của hoạt động sáng tạo là hoạt động hình thành yếu tố “mới” và yếu tố “giá trị” để có được cái mới có giá trị giải quyết vấn đề sáng tạo đặt ra. Việc hình thành yếu tố “mới” trước hết là việc hình thành ý tưởng mới của chủ thể. Việc hình

thành yếu tố “giá trị” đồng nghĩa với việc hình thành “cái mới có giá trị” hay giải quyết được vấn đề sáng tạo đặt ra là hình thành yếu tố “giá trị”.

Việc đề xuất những khái niệm như tập hợp khả dĩ, vật liệu khả dĩ, hệ kín, hệ kín khả dĩ có tính chất xây dựng bộ công cụ cho tư duy sáng tạo. Những khái niệm này chỉ mang tính giả thuyết, chúng chưa được phân tích, triển khai cụ thể. Tác dụng của những khái niệm này chưa được bộc lộ rõ ràng. Nếu triển khai một cách đầy đủ những khái niệm này đặc biệt là hệ kín và hệ kín khả dĩ thì có ý nghĩa phương pháp luận rất quan trọng trong phương pháp sáng tạo.

Bên cạnh đó, quan niệm có tính giả thuyết về nhân tố định hướng của tư duy tới sản phẩm sáng tạo hay tới lời giải có ý nghĩa quan trọng đối với phương pháp luận sáng tạo. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được làm sáng tỏ, chưa được lập luận một cách chặt chẽ.

Nói tóm lại, sáng tạo và những vấn đề liên quan đến sáng tạo được trình bày một cách có hệ thống. Có những khái niệm, quan điểm nêu ra có tính giả thuyết, đề xuất nhưng việc đề xuất là điều cần thiết, thà có một ý tưởng còn hơn chẳng có ý tưởng nào.

Những ý tưởng trong luận văn này là cơ sở ban đầu quan trọng cho báo cáo viên tiếp tục nghiên cứu những vấn đề của khoa học sáng tạo đặt ra nhất là phương pháp sáng tạo.

Một phần của tài liệu tailieuxanh_v_l2_01039_noi_dung_8382 (Trang 62 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(73 trang)
w