VI. ĂN MÀY LỜI KHEN
Sống trật tự
1. Trong triết học kinh viện, người ta định nghĩa “trật tự” là đặt đúng chỗ các thành phần. Một danh nhân nọ cũng đã nói trật tự là luật của trời đất. Các thành phần trong vũ trụ đâu vào đó và hoạt động điều hòa. Trật tự chẳng những là luật của trời đất mà còn là luật của xã hội, của cá nhân. Ở đâu và thời nào vắng mặt trật tự là tai họa xảy ra.
2. Bạn có bực bội vì một chỗ nào bừa bãi, hỗn loạn không?
Nhìn vào một tủ sách của một người bạn, bạn thấy như cảnh mới dọn nhà. Tiểu thuyết của Jules Verne để gần từ điển Hán-Việt. Hamlet của Shakespeare xen giữa Iliad và Odyssey của Homère. Cuốn L’homme, cet inconnu của Carrel lạc lõng giữa đám Comédie dine của Dante và Comédie humaine của Balzac. Đi nhà vệ sinh ở nhà một người quen, bước qua nhà bếp, bạn thấy cảnh trời đất chưa phân sáng tối hiện ra: Bếp núc, nồi niêu xoong chảo, chén bát, hũ ghè13, dao thớt tha hồ giành nhau đất, đứng nằm ngổn ngang như cây bị bão. Vào một công sở nhân cách bày trí bàn ghế, quan sát bàn giấy của ông giám đốc nếu thấy như chợ mới vừa tan thì có cảm tưởng gì?
13 (Phương ngữ) chum nhỏ.
3. Tính tự nhiên ai cũng ưa trật tự cả. Ưa trật tự không có nghĩa là sống trật tự. Trong thực tế nếu không được huấn luyện, người ta hay có thói quen sống bừa bãi. Sống mất trật tự dễ hơn có ngăn nắp. Phải có đầu óc phương pháp và thường xuyên cố gắng người ta mới tổ chức được cuộc sống thứ tự, lớp lang.
4. Trật tự bên ngoài nói lên trật tự tâm linh. Một người mà tâm trí bấn loạn, tâm tưởng rối nùi như tơ xe lọn thường là một người khó có cuộc sống bên ngoài trật tự. Sự bừa bãi nơi ăn chốn ở tố cáo một tính tình yếu đuối, mập mờ, rối ren.
Hỗn độn nội tâm và ngoại cảnh là thù địch của sinh hoạt tâm linh vì phá hoại khí lực. Nó làm con người bận trí vào những chuyện rắc rối vô ích. Nó bắt con người bực dọc, nổi nóng tức là mất tự chủ, do đó hạ ngã thắng thế thượng ngã.
5. Từ những mất trật tự nhỏ nhoi bạn nghĩ đến những mất trật tự trong tổ chức kinh doanh, tổ chức chính quyền, tổ chức quân sự. Một người không được đào luyện về phương pháp làm lớn thì tổ chức dưới tay của họ hoạt động có phương pháp sao được? Muốn từ việc tư đến việc công có trật tự, sinh năng suất khả quan, nhất định phải luyện óc phương pháp. Hãy tự kỷ ám thị rằng mình có trật tự trong hết mọi việc, bất cứ ở đâu và mãi mãi.
6. Trật tự trong các vật dụng xung quanh. Nhà cửa, văn phòng sở làm của bạn, bàn ghế tủ kệ nhìn vào có nói lên bạn là người có óc tổ chức không. Các lưu ý mà bạn ghi chú bạn sắp xếp theo phương pháp nào? Phân loại thập phân hay phương pháp riêng của bạn. Phương pháp nào cũng được, miễn trật tự để khi hữu dụng tìm nhanh chóng.
7. Trật tự trên con người của mình. Từ cách ăn mặc, đi đứng giao tế từ lâu ta trật tự hay cẩu thả? Ta tổ chức đời tư của mình như thế nào? Có lập một chương trình sống, một thời khóa biểu để làm việc đúng giờ từ sáng đến tối không? Khi nói chuyện, ta có tập quán diễn đạt tư tưởng rành mạch, lời lẽ rõ ràng, giọng nói dễ nghe không? Ta có chịu nổi một người nói chuyện với ta mà vì họ nói lộn xộn như ong vỡ ổ, ta không hiểu gì hết?
8. Trật tự tạo cho ta một không khí thanh tĩnh, vui tươi. Trật tự còn làm ta đỡ tốn thời giờ và khỏi những bực dọc phi lý. Người trật tự dĩ nhiên dễ gây uy tín và thiện cảm. Vậy từ đây, bạn bắt đầu kiểm soát lại, nhà cửa, bàn giấy, thư viện của bạn. Các công việc và chính con người của bạn. Ở đâu hỗn loạn, hãy đem lại trật tự. Tư tưởng rằng nó là mật pháp để ta đắc lực và sống hạnh phúc.