Những hạn chế

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) tổ chức, hoạt động của các trung tâm y tế ở tỉnh thừa thiên huế (Trang 67 - 71)

7. Kết cấu của luận văn

2.4.2.Những hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, TTYT cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn những hạn chế sau:

+ Do kinh phí được giao của các TTYT hiện nay là rất thấp nên các chế độ, chính sách bồi dưỡng cho đội ngũ Y bác sĩ rất khó thực hiện theo quy định. Nhiều bác sĩ giỏi đã chuyển công tác ra ngoài làm cho các trung tâm Y tế tư nhân.

+ Về chế độ phụ cấp đối với lãnh đạo, y bác sĩ làm ngoài giờ chưa được quan tâm thỏa đáng, chế độ độc hại đối với một số vị trí còn thấp.

+ Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Trạm Y tế ở một số địa phương còn thiếu và xuống cấp. Nhân lực vừa thiếu về số lượng và chưa hợp lý về cơ cấu. Một số chỉ tiêu y tế tại cơ sở đạt thấp, như: Số Trạm Y tế xã đủ điều kiện khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế chỉ đạt 72%; dưới 70% số Trạm Y tế thực hiện danh mục dịch vụ kỹ thuật; tỷ lệ người dân được quản lý, theo dõi sức khỏe chỉ đạt 75%. Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Trung tâm Y tế chưa phù hợp.

+ Sở Y tế chưa quyết liệt đeo bám đến cùng việc tham mưu triển khai thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, dẫn đến việc đôn đốc, thanh tra, kiểm tra thực hiện đề án chưa thường xuyên, liên tục. Công tác phối hợp giữa Sở Y tế với các sở, ngành và UBND cấp huyện chưa chặt chẽ và hiệu quả.

+ Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ ở một số địa phương vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém. Hệ thống y tế chậm đổi mới, chưa thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật; chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân; điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; năng lực sản xuất và cung ứng thuốc còn yếu, giá thuốc chữa bệnh còn cao so với thu nhập của nhân dân. Tổ chức và hoạt động của y tế dự phòng còn nhiều bất cập. Một bộ phận nhân dân chưa hình thành được ý thức và thói quen tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ. Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Những việc làm vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ y tế chậm được khắc phục.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực bác sĩ tại các đơn vị y tế công lập tỉnh Thừa Thiên Huế tồn tại một số hạn chế và bất cập.

- Một số chiến lược, chính sách đối với bác sĩ y tế còn thiếu: chưa có cơ chế hiệu quả về chính sách điều tiết, phân bổ hợp lý nhân lực bác sĩ hợp lý.

- Quy hoạch tổng thể về phát triển nguồn nhân lực bác sĩ chưa đáp ứng với sự phát triển khoa học công nghệ y học.

- Công tác lập kế hoạch nhân lực bác sĩ chưa tốt, thiếu thông tin, chưa cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết cho quản lý và lập kế hoạch tổng thể của hệ thống y tế trong tỉnh.

Mặc dù nguồn nhân lực bác sĩ tại các Trung tâm y tế cấp huyện tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành tích nổi trội và có uy tín cao trong một số lĩnh vực, nhưng nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay vẫn còn mỏng, chưa theo kịp cả về số lượng lẫn chất lượng, mất cân đối về cơ cấu. Số lượng nhân lực có trình độ cao, chuyên sâu còn ít, chưa đáp ứng đủ ở một số chuyên ngành, chất lượng tăng chưa tương xứng với quy mô của một số đơn vị. Bên cạnh những lý do khách quan là do đặc thù riêng của từng chuyên ngành, có một số chuyên ngành như tâm thần, lao, truyền nhiễm, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh, PHCN không tuyển được nhân lực.

- Xu thế nguồn nhân lực bác sĩ chất lượng cao chuyển đến hai thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ngày càng nhiều do đó nguồn nhân lực bác sĩ tuyển dụng vào các Trung tâm y tế cấp huyện tỉnh Thừa Thiên Huế chất lượng không được cao.

- Công tác tuyển dụng hằng năm chưa được phổ biến rộng rãi, chỉ khi nào có đợt thi tuyển biên chế (2 năm/lần) các đơn vị mới thông báo các chỉ tiêu, tiêu chuẩn rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nên đã hạn chế trong việc tuyển chọn được người tài, người giỏi.

- Chính sách tiền lương chưa tương xứng với thời gian học tập, công sức lao động. Ngành y thu đầu vào khó, học lâu (6 năm), khi ra trường cũng hưởng mức lương khởi điểm như các ngành khác.

- Các đơn vị vẫn chưa xây dựng được chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ giỏi, giàu kinh nghiệm từ các nơi về đơn vị công tác, đời sống của cán bộ được cải thiện đáng kể nhưng mức lương và thu nhập vẫn còn thấp hơn nhiều so với các bệnh viện khác, điều này dẫn đến một bộ phận bác sĩ chưa an tâm với vị trí công tác hiện nay.

- Mặc dù tranh thủ nhiều dự án để phát triển, nhưng vẫn chưa đủ để phát triển đồng bộ, cơ sở hạ tầng nhiều khu vực đã xuống cấp nghiêm trọng, cần xây dựng mới. Trang thiết bị và điều kiện làm việc cho bác sĩ một số khoa, phòng còn thiếu, bị hạn chế và không thuận lợi.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bác sĩ, đặc biệt là nguồn nhân lực bác sĩ chất lượng cao chưa theo kịp với nhu cầu nguồn nhân lực của các đơn vị.

- Các đơn vị chưa có chế độ hỗ trợ, chính sách khuyến khích trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho bác sĩ phải tự trang trải mọi chi phí học tập. Các bác sĩ học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài chủ yếu là thông qua các dự án viện trợ, tự tìm kiếm nguồn tài trợ, nguồn học bổng hoặc thư mời thông qua các mối quan hệ.

- Kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng thấp, hình thức bồi dưỡng, nâng cao năng lực chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là các lớp ngắn hạn tập trung vào một số mũi nhọn về chuyên môn.

- Việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp chưa đạt kết quả cao. Một số viên chức ứng xử kém, chưa có trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh chưa tích cực.

Công tác kiểm tra, đánh giá bác sĩ, cơ sở vật chất vẫn còn nhiều hạn chế: còn mang tính hình thức nên chất lượng công tác của mỗi bác sĩ hầu như chưa được phản ánh đúng thực tế; chưa có bản mô tả công việc, khó định lượng công việc đối với bác sĩ khi thực hiện nhiệm vụ do vậy hiệu quả đánh giá thiếu chính xác; công tác đánh giá còn mang nặng tính chủ quan, còn xen

lẫn tình cảm cá nhân, nể nang. Lãnh đạo chưa sâu sát với việc của bác sĩ hoặc không thẳng thắn phê hoặc tự phê, thiếu hướng dẫn của cơ quan chức năng về tiêu chí đánh giá phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể, do đó kết quả đánh giá hằng năm của bác sĩ đa số đều được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

+ Nguyên nhân chính của những yếu kém trên là do quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế còn nhiều bất cập, một số chính sách về y tế không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi hoặc bổ sung; việc quản lý hoạt động khám, chữa bệnh và hành nghề y dược tư nhân chưa chặt chẽ; đầu tư của Nhà nước cho y tế còn thấp, phân bổ và sử dụng nguồn lực chưa hợp lý, kém hiệu quả. Chưa có những giải pháp hữu hiệu để huy động các nguồn lực từ cộng đồng và xã hội cho công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu và yếu, cơ cấu chưa hợp lý, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Một số cấp uỷ đảng và chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhiều nơi còn trông chờ vào bao cấp của Nhà nước.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) tổ chức, hoạt động của các trung tâm y tế ở tỉnh thừa thiên huế (Trang 67 - 71)