Tuần qua, dư luận xôn xao về mấy cái biệt thự ở Yên Bái. Nếu chỉ là biệt thự thì chẳng có gì đáng nói, ở nước ta hiện có ngàn vạn cái. Nhưng đây là mấy cái biệt thự của các cán bộ có cỡ của tỉnh này, những người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi “là đầy tớ của nhân dân” có sứ mệnh “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.
Không phải chỉ có ở Yên Bái, đâu đấy trong cả nước đều có chuyện “sếp” ở tỉnh xây biệt phủ hoành tráng, thậm chí là rất nguy nga. Có thể kể vài vụ việc gần đây như khu biệt thự của một số cán bộ chủ chốt Lào Cai ở vị trí đất “vàng”, hay nguyên một Trưởng phòng Sở Xây dựng Thanh Hóa mới chỉ công tác vài năm mà sở hữu biệt thự nhiều tỉ đồng, rồi gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỷ - Phó Trưởng ban Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk - bị phát hiện xây biệt thự hai tầng trái phép trên đất nông nghiệp...
Ở trung tâm hành chính các tỉnh, thành phố dân sở tại không khó để chỉ ra những khu nhà cán bộ, biệt thự của “đầy tớ” nguy nga, tráng lệ. Thậm chí, nếu điều tra, người ta sẽ thấy không ít “đầy tớ” có nhiều “căn hộ bỏ túi” tại những chung cư, khu đô thị cao cấp tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Tiền cán bộ lấy đâu ra?
Ông Dương Trung Quốc - đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam khi trả lời phỏng vấn VTC News cũng nhận định “... rõ ràng những khối tài sản này “có vấn đề”. Bởi một quan chức cấp tỉnh, với đồng lương dù có cao như thế nào đi nữa thì tôi tin chắc rằng đến cả trăm năm cũng chưa chắc đã đủ để làm những biệt thự hoành tráng như thế”.
Câu trả lời của nhân dân là “có vấn đề” còn “vấn đề” như thế nào còn phải chờ các cơ quan chức năng lục “bản kê khai tài sản” của quan chức để đối chiếu, không vội vã được.
Không ai cấm lãnh đạo giàu, thậm chí làm giàu qua sáng tạo ra của cải vật chất là góp phần làm giàu cho xã hội. Đáng tiếc quan chức, “đầy tớ” bây giờ giàu bất thường, ăn chơi bất thường, có mặt đầy đủ ở các gân golf, con cái du học mua nhà ở Anh, Mỹ không hiếm nhưng bằng những nguồn tài chính “bí hiểm”.
Khổng Tử nói: “Người mà không liêm thì không bằng súc vật”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ về đạo đức cách mạng, đúc kết nên bốn phẩm chất “Cần, kiệm, liêm, chính” của người cán bộ. Năm 1945 trước cảnh dân đói sau khi mới giành được độc lập Bác nói: “Nhân dân còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được, nhân dân còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi”.
Chúng ta đã qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đáng tiếc, có học nhưng quan chức chẳng chịu “làm theo”, dường như có tâm lý mọi người hãy cố học, cố làm, trừ mình?
Nhân câu chuyện “phát lộ” biệt thự khủng của cán bộ lãnh đạo nơi này, nơi khác, nhớ câu Mạnh Tử nói: “Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”. Đúng là nguy nếu như cán bộ lãnh đạo ngày càng mải mê lo vun vén cho mình, gia đình mình!
Dân giàu thì nước mạnh nhưng cán bộ giàu bất thường thì nước nguy!