YẾU NGHĨA KINH VÔ LƯỢNG THỌ

Một phần của tài liệu ChanhHanhVangSanhNiemPhat-THN (Trang 60 - 62)

VIII. Người niệm Phật nhất định phải đầy đủ ba tâm

YẾU NGHĨA KINH VÔ LƯỢNG THỌ

I. Đại ý kinh

Sở dĩ Đức Phật Thích-ca bỏ cõi Tịnh mà về trụ nơi cõi uế, là vì muốn nói giáo pháp Tịnh độ khuyến dụ chúng sanh sanh về cõi Tịnh. Đức A-di-đà lìa cõi Uế đến cõi Tịnh, là muốn tiếp dẫn chúng sanh sanh về cõi Tịnh. Đó chính là bản ý nhiếp thủ Tịnh độ, xuất hưng Uế độ của các Đức Phật. Hoà- thượng Thiện Đạo nói rằng: “Đức Thích-ca ở phương này đưa tiễn, Đức A- di-đà tại cõi kia đến đón tiếp. Nơi kia kêu gọi, nơi đây tiễn đưa”. Đây chính là đại ý của kinh.

II. Lập giáo khai tông

Các tông phái lập giáo khác nhau. Trong đó tông Pháp Tướng lập ba thời, tông Tam Luận lập hai tạng, tông Thiên Thai lập bốn giáo năm thời, tông Hoa Nghiêm lập năm giáo mười tông, tông Chân Ngôn lập hai giáo và mười trụ tâm. Riêng việc lập giáo của tông này, thiền sư Đạo Xước lập hai giáo để phán định giáo pháp trong một đời của Đức Phật, đó là Thánh đạo môn và Tịnh độ môn. Thánh đạo môn gồm Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo. Tịnh độ môn, gồm những kinh điển nói về pháp vãng sanh Tịnh độ trong Đại thừa, còn trong giáo Tiểu thừa hoàn toàn không nói đến Tịnh độ môn. Kinh này thuộc về giáo Tịnh Độ. Theo Thánh đạo Tam thừa, Tứ thừa thì nay đúng vào thời kì Chánh và Tượng đã qua, Mạt pháp đang đến, chỉ có giáo pháp suông mà không có người tu hành chứng ngộ. Cho nên chúng sanh thời Mạt pháp mà mong cầu đoạn phiền não, chứng đắc chân lí, nhập thánh đạo, chứng quả, hẳn thật khó. Thế thì chúng sanh thời ác trược lấy gì để xa lìa sanh tử? Tu tập pháp môn Vãng sanh tịnh độ, dù

chưa đoạn sạch vô minh phiền não, nhưng chỉ cần nương theo nguyện lực của Đức Phật A-di-đà, nhất định sẽ vượt khỏi ba cõi, vĩnh viễn xa lìa sanh tử. Về sự tích vãng sanh được ghi chép rất nhiều trong các bộ truyện kí. Cho nên biết, Vãng sanh tịnh độ là pháp môn chưa đoạn phiền não mà có thể vượt ba cõi. Vào thời Mạt pháp, ngoài môn Vãng sanh tịnh độ ra, không có pháp môn nào có thể giúp người thoát sanh tử. Cho nên muốn chóng thoát cảnh ma năm trược, vượt hai loại tử khổ, thì cần phải trở về Tịnh độ môn. Thiền sư Đạo Xước giải thích kinh này là cắt ngang năm đường. An Lạc Tập quyển hạ ghi: “Nếu căn cứ theo việc tu tập đối trị, đoạn trừ ở cõi này thì trước phải đoạn Kiến hoặc[170], lìa nhân ba đường, dứt quả ba đường. Sau đó mới đoạn Tu hoặc[171], lìa nhân trời người, dứt quả trời người. Đó là theo thứ tự đoạn trừ, không phải là cắt ngang năm đường ác. Nếu được sanh về cõi Tịnh của Đức A-di-đà, thì tức thời lìa bỏ năm đường, đó gọi là cắt ngang. Cắt ngang năm đường ác tức đoạn quả, năm đường tự nhiên đóng tức đoạn nhân”.

Các tông Thiên Thai, Chân Ngôn đều cho mình là đốn giáo, nhưng phải đoạn phiền não mới chứng chân lí, cho nên cũng còn là tiệm. Chỉ có giáo này mới nói về phàm phu chưa đoạn phiền não mà ra khỏi đêm dài sanh tử. Cho nên giáo này là đốn trong đốn vậy.

III. Bản-Mạt của giáo Tịnh độ

Giáo Vãng sanh có căn bản và chi mạt. Như tông Chân Ngôn có kinh Tì-lô- giá-na là bộ kinh căn bản, Tạp bộ là chi mạt. Giáo Tịnh độ cũng như vậy, kinh này là căn bản, các kinh khác phụ nói về giáo vãng sanh đều là chi mạt. Kinh này là giáo chánh vãng sanh, các kinh khác là giáo phụ vãng sanh. Kinh này là giáo Hữu công vãng sanh, các kinh khác là giáo Vô công vãng sanh. Kinh này là giáo Cụ túc vãng sanh, các kinh khác là giáo Bất cụ túc vãng sanh…

IV. Giải thích tên kinh

PHẬT THUYẾT VÔ LƯỢNG THỌ KINH, Phật là âm Phạn, Trung Quốc dịch là Giác. Vì tự giác, giác tha, giác hạnh đã viên mãn, nên gọi là Phật. Ở đây chính là Đức Thích-ca năng thuyết, cũng là nêu hiệu chung để hiển rõ thể riêng. Thuyết tức là dùng miệng trình bày, lấy danh cú làm thể. Vô Lượng Thọ tức là tên của Đức Phật sở thuyết, tiếng Phạn là A-di-đà, Trung Quốc dịch là Vô Lượng Thọ. Kinh, tiếng Phạn là Tu-đa-la, Trung Quốc dịch là tuyến (sợi chỉ dọc). Lời của bậc thánh xuyên suốt các pháp giống như sợi chỉ xâu giữ các đóa hoa, không để cho rơi rớt mất. Đây chính là dùng dụ để lập danh. Tuyến có công năng xâu hoa, kinh có công năng giữ sợi chỉ ngang, công dụng như nhau, cho nên cũng gọi là kinh. Kinh này nói về công đức nguyện nhân và chứng quả của Đức Phật A-di-đà, cho nên gọi là kinh Vô Lượng Thọ.

Một phần của tài liệu ChanhHanhVangSanhNiemPhat-THN (Trang 60 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)