VIII. Người niệm Phật nhất định phải đầy đủ ba tâm
YẾU NGHĨA KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ
I. Chủ ý thuyết kinh
Kinh Vô Lượng Thọ tuy nói việc tu nhân cảm quả của Đức A-di-đà chủ giáo hóa, nhưng chưa nói đến việc tu nhân, cảm quả của hành giả được giáo hóa. Kinh Vô Lượng Thọ tuy đã nói ba phẩm vãng sanh, nhưng chưa nói đến ý nghĩa chín phẩm. Kinh này chia ba phẩm thành chín phẩm, đó là chủ ý. Lại có rất nhiều ý khác, ở đây chỉ nêu một, hai ý như thế mà thôi.
II. Giải thích tên kinh
PHẬT THUYẾT QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ KINH, Phật là giáo chủ năng thuyết. Thuyết, tức là giáo pháp được giáo chủ nói ra, đó là Định thiện và Tán thiện. Để phân biệt không phải là các Bồ-tát, Thánh đệ tử và các ngoại đạo thuyết, cho nên mới nói “Phật thuyết”. Quán, tức là năng quán, gồm chung mười ba pháp quán. Vô Lượng Thọ, tức là cảnh sở quán, chỉ riêng cho cảnh quán thứ chín. Tuy có mười ba, nhưng chỉ nêu một danh hiệu Vô Lượng Thọ là đã gồm thâu tất cả. Vì sao? Vì Vô Lượng Thọ là thân chánh báo của Đức A-di-đà Như Lai, giáo chủ cõi ấy, đã có chánh báo tức có cây báu, ao báu… y báo. Cho nên chỉ nêu chánh báo mà gồm thâu cả y báo. Hơn nữa, Vô Lượng Thọ là giáo chủ cõi ấy, đã có giáo chủ ắt sẽ có các bồ-tát quyến thuộc Quán Thế Âm, Đại Thế Chí… Cho nên nêu chủ mà gồm thâu quyến thuộc. Kinh gồm các nghĩa: quán (xuyên suốt), tuyến (giữ gìn), thường (thường hằng), pháp (phép tắc sanh giải ngộ).
III. Phân biệt Định thiện và Tán thiện
Nhân của hành nghiệp vãng sanh tuy rất nhiều, nhưng không ngoài Định và Tán. Định tức bặt suy nghĩ để lắng tâm, Tán tức lìa ác tu thiện. Định thiện gồm có mười ba pháp quán, từ pháp quán mặt trời đến pháp tạp tưởng. Tán thiện gồm ba phước và hành nghiệp của chín phẩm.