ta e sợ, không dám dùng vì sợ độc thì nay nấm lim xanh đang được người dân huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang khai thác và phát triển thành sản phẩm có giá trị.
LOÀI NẤM MỌC TRONG RỪNG GỖ QUÝ
Theo những người dân bản địa vùng núi rừng Sơn Động, cây nấm lim đã có từ rất lâu. Khoảng năm 1986, do có đợt lũ lụt lớn, người dân phá rừng lim làm nhà nên trên rừng có nhiều gỗ mục hơn, từ đó nấm linh mọc nhiều hơn.
Ngày xưa, mọi người không biết dùng, thấy màu sắc đẹp nên sợ có độc tố, chỉ thu về bán cho vài thương lái nhưng cũng rất cẩn thận khi hái nấm. Đến sau này, nhờ sách báo mới biết đây là nấm quý thuộc dòng linh chi đỏ. Nấm này chỉ mọc ở trong rừng lim, dưới gốc cây hoặc vùng có gỗ lim mục.
Ở huyện Sơn Động, nấm lim mọc tập trung nhiều ở Gốc Gạo, núi Dộc Nẫy… Tháng 1 âm lịch nấm bắt đầu mọc và sau 2 tháng sẽ cho nấm trưởng thành. Người dân có thể thu hái nấm đến hết tháng 8 âm lịch.
Theo kinh nghiệm dân gian của người dân thì nấm lim xanh có tác dụng thanh lọc cơ thể, hạ men gan, hỗ trợ điều trị hạ đường huyết,…
NGHỀ HÁI NẤM LIM XANH
Đến khoảng năm 2000, thương lái Trung Quốc bắt đầu mua mạnh hơn, người dân đua nhau đi nhặt nấm. Có hai loại nấm lim chủ yếu là nấm lim xanh (bụng nấm có màu xanh) và nấm lim trắng (bụng nấm màu trắng). Loại nấm lim trắng giá rẻ và không dược ưa chuộng như nấm lim xanh. Giá bán nấm lim xanh có thể đạt tới 4 triệu đồng/kg nấm khô cho loại đẹp nhất. Cứ 2-3kg nấm tươi sẽ cho 1kg nấm khô. Một cây nấm lim xanh đảm bảo chất lượng tốt phải có đường kính từ 12cm trở lên, màu đỏ sẫm, không quá già, không quá non.
Gặp gỡ anh Nguyễn Văn Lộc, một người dân ở xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động, chuyên đi lấy nấm từ rừng gỗ, anh cho biết: Để lấy được nhiều nấm lim xanh phải tìm nơi có cây to, tán cây rộng sẽ có nhiều nấm. Mỗi lần đi chỉ cần mang theo mhương muỗi và túi lấy nấm.
Thông thường, mỗi ngày anh Lộc thu được 5-7kg nấm lim xanh bao gồm cả nấm trưởng thành và nụ nấm chưa có mũ. Thu nhập bình quân của anh Lộc dao động từ 200.000-2.000.000 đồng/ngày và khoảng 5.000.000 đồng/tháng.
Nấm mọc tự nhiên trong rừng được ưa chuộng và có giá trị cao hơn nhiều khi trồng trong lán. Nấm tự nhiên có chân nấm dài hơn, mũ dày hơn, nấm có nhiều hình thù khác nhau chứ không tròn trịa như nấm trồng lán.
“Càng thua càng cay, càng cay thì càng muốn làm bằng được…” Đó là lời khẳng định của ông Bế Văn Sáu, ở thôn Gốc Gạo, xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Tuy năm nay đã 60 tuổi nhưng ông Sáu vẫn đam mê công việc trồng nấm lim xanh. Vừa đến nhà, ông Sáu đã đưa ngay một ấm nước cùng bình rượu nấm lim xanh ra đon đả mời khách. Nấm lim xanh có vị khá đắng gần giống với nấm linh chi cùng mùi thơm nhẹ.
Theo ông Sáu và những người trong HTX Nấm Lim Xanh, tôi đi vào cánh rừng lim 2ha xem nấm. Rừng lim này đã dược tái sinh cách đây từ 30 năm trước và hiện đang có khoảng 100 cây. Mặc dù thời điểm này đã là cuối mùa thu hoạch nhưng nấm lim vẫn mọc khá nhiều, có những cây non mới nhú trắng tinh đến những cây nấm đã thu hoạch được.
Cầm một cây nấm trưởng thành trên tay, ông Bế Văn Sáu kể lại: Cách đây 20 năm, khi nghe tin mang nấm sang Trung Quốc bán được nên tôi đã mua 500 đồng nấm của bà con được khoảng 50kg. Tôi đi ô tô lên Lục Bình, đến cửa khẩu Chi Ma và tắt qua rừng để bán. Đoạn đường này tôi gánh bộ gần 20km, phải ngủ một đêm ở rừng, từ 500 đồng bán được tận 9.000 đồng.
Thời điểm đó, tuy bán sinh lời cao nhưng do gánh bộ xa, quá vất vả nên ông Sáu cũng không có ý định bán tiếp như vậy nữa. Sau này, khi Trung Quốc thu mua nhiều hơn, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm thì ông mới bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về loại nấm này.
Năm 2013, ông Sáu mua 1kg nấm lim xanh ở rừng gửi xuống Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Sau quá trình nghiên cứu, Viện đã nhân giống thành công và cấp giống cho gia đình bắt đầu nuôi cấy trong lán. Bào tử nấm lim xanh được cấy vào bầu thân gỗ keo cùng một phần nhỏ mùn gỗ lim và mùn gỗ khác.
Nấm sinh trưởng tốt và đem lại nhiều tín hiệu vui mừng cho bà con. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định, kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế nên có nhiều người từ bỏ nghề trồng nấm lim xanh.
ĐƯA NẤM VỀ RỪNG
Đến năm 2019, ông Bế Văn Sáu cùng 2 người khác đã hợp tác, thành lập HTX Nấm Lim Xanh và
trở thành những người đi đầu trong triển khai mô hình trồng nấm lim xanh dưới tán rừng để làm dược liệu tại huyện Sơn Động.
Ban đầu, do gặp khó khăn về kỹ thuật thanh trùng bầu nấm nên HTX gặp khó khăn khá lớn. Do đó, HTX đã quyết định tự thực hiện quy trình mới chính xác và hiệu quả hơn. Hai khâu cần chú trọng nhất để trồng nấm lim xanh thành công là làm bầu nấm và làm đất trên rừng.
Đối với bầu trồng nấm, bước đầu tiên cần thực hiện là đóng bầu làm sao không được rách túi. Tiếp đến là thanh trùng bầu, phải hấp bầu trong 24-36 tiếng ở nhiệt độ cao để loại bỏ mầm bệnh. Tiếp theo là tiến hành cấy giống, người thực hiện phải mặc quần áo sạch và khử khuẩn bằng cồn.
Qua 25 ngày, nấm bắt đầu mọc nhú ra cổ nút là bầu nấm đã thành công và có thể đưa lên rừng lim. Dưới tán cây, rừng được phát sạch, đào rãnh, đánh luống, khử trùng vôi cho hết các loại sâu, ốc sên,… Đặt bầu nấm vào đất và tiến hành tưới phun sương những ngày trời khô. Thành quả sau những ngày nỗ lực là 6.000 bịch nấm được đưa lên rừng lim.
Trong năm nay, ông Sáu dự kiến tiếp tục đưa lên rừng hơn 4.000 bầu nấm. Hiện HTX chưa có nhiều doanh thu và đang tập trung để duy trì và phát triển sản phẩm.
Ông Bế Văn Sáu hy vọng rằng việc trồng nấm ở rừng sẽ sớm được mở rộng, đưa nấm thích ứng với tự nhiên. Nấm được trồng ở rừng sẽ phát tán báo tử bám vào cây lim. Khi bào tử nhiều thì người dân không cần cấy giống nữa mà nấm sẽ mọc lên tự nhiên.
Huyện Sơn Động vẫn đang là một trong những huyện nghèo của cả nước, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Nếu làm tốt việc phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương sẽ là động lực lớn để địa phương phát triển. Mô hình phát triển nấm lim xanh dưới tán rừng sẽ góp phần mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân, nâng tầm sản phẩm thiên nhiên của Việt Nam. Quan trọng hơn là vừa giữ được rừng gỗ lim quý giá vừa có nguồn lâm sản mang lại thu nhập cho người dân.
Hiện nấm lim xanh đang được huyện Sơn Động xây dựng để trở thành một sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Tuy nhiên, để nấm lim xanh thực sự phát triển thì cần có nhiều nghiên cứu hơn về tác dụng của nấm lim xanh với sức khỏe con người.
Thúy Vi
Ông Bế Văn Sáu lên rừng xem nấm lim xanh
Nấm lim xanh mọc trên rừng lim ở huyện Sơn Động