Một số môn đồ đã thuận duyên được Ngài hướng dẫn tu thiền Đại Viên Mãn Dzogchen trong những buổi giảng kín và giới hạn. Trong những dịp này, Ngài thường dùng phương tiện thiện xảo thị hiện qua nhiều sắc tướng, hình tướng và thử thách đột ngột để giúp đệ tử phá vỡ vô minh, chướng căn cho sự tu tập. Theo huấn thị của Ngài, rất nhiều các vị Hóa Thân thuộc tu viện Golog hoặc từ những nơi khác đổ về, các vị hành giả Kim Cang Du Già cao cấp liên tục nhập thất, hạ thủ công phu. Dưới sự hướng dẫn và gia trì đặc biệt của Ngài, họ đều đạt được kết quả tốt đẹp. Lòng từ bi, thương yêu của Ngài với các môn đồ thật không thể nào kể xiết.
Với đại chúng, trong những năm sau cùng, Ngài thường giảng pháp Bardo “Thân Trung Ấm”: cho người hữu duyên ở khắp mọi nơi. Theo lời Ngài, qua linh kiến, Ngài đã thấy do nghiệp lực sâu dày đã tới lúc chín mùi, loài người phải trải qua chướng nạn rất dữ dội, và do cộng nghiệp sẽ xảy ra rất nhiều tai nạn lớn khiến nhiều sinh linh bị chết bất đắc kỳ tử. Vì đột ngột mất mạng, nên các thần thức này rất hoảng sợ, hoang mang, dễ bị gió nghiệp kéo vào đầu thai nơi khổ đau không thể nghĩ bàn. Chính vì vậy mà pháp Bardo được Ngài ban truyền sẽ tạo điều kiện cho con người khi giáp mặt tử thần có thể ứng dụng và nhờ lực gia trì của chư Phật và dòng truyền chư Thánh Tổ mà được siêu sinh về Tịnh Độ.
Mùa đông năm 2007, trong cái lạnh cắt da cắt thịt, hàng chục ngàn người đã đổ về núi tuyết Golog để được Ngài hướng dẫn pháp Bardo.
41
Giúp Đỡ Dân Du Mục (Nomad) Tây Tạng
Ngài đặc biệt chú trọng đến việc dạy dỗ cho những làng mạc du mục rất nghèo khổ của người Tây Tạng nơi xa các tu viện Phật giáo, nơi ít có người chú ý đến. Khắp vùng Golog, ai cũng biết đến uy lực và công đức của Đại Thánh Khai Mật Tạng Vương Orgyen Kusum Lingpa. Gót ngựa của Ngài đã tung hoàng trên bao núi đồi thiêng liêng, hùng vĩ, mang pháp ngữ nhiệm màu khai thị cho những người dân du mục hoang dã, cùng khổ nhất.
Ngài giải thích rằng trong những thập niên trước vì hoàn cảnh khắc nghiệt của đất nước, dân Tây Tạng không được phép hành đạo và tu học Phật Pháp. Tuy vậy họ vẫn giữ niềm tin tuyệt đối nơi Tam Bảo. Đáng tiếc thay, vì không được hướng dẫn nên phần đông chỉ biết lễ Phật, nhiễu tháp, niệm chú Lục Tự Đại Minh Om Ma Ni Pad Me Hum v.v… Với chính sách mở rộng của chính quyền trong những thập niên gần đây, sự truyền bá Phật Giáo được cởi mở, dễ dàng hơn nên Ngài quyết tâm giúp họ không bỏ phí cơ hội hiếm hoi có được thân người quý báu này.
Hình ảnh bậc Thầy uy nghi, kỳ vĩ, tiêu dao trên lưng ngựa, vai đeo hộp đựng Kinh hay Mật Điển (Vajra Prayer Box, còn lại là Gau), lưng dắt dao găm thiêng Phổ Ba Phurba; hay khi Ngài đang dạy Pháp cho dân du mục lúc trên đồng cỏ, khi trong lều vải đơn sơ với hàng chục, hàng trăm người từ vùng phụ cận đổ về chen chúc dưới chân Ngài cạnh lò than hồng nhỏ đốt bằng phân trâu Yak giữa lúc bên ngoài tuyết đổ mênh mông, trắng xóa khung trời; đó là kỷ niệm, ký ức linh diệu muôn đời với sự dạt dào, rung động đã khiến nhiều người chỉ cần nhìn thấy những hình ảnh này đã cảm khái, phát tâm quy y Tam Bảo, cầu nguyện xin được gặp và thọ học với Ngài.
Trên bàn thờ của hầu hết các gia đình du mục và nhiều người Tây Tạng trong vùng Golog đều để chân dung của Ngài. Họ tin rằng nơi nào thờ phượng hình Lama Sang (ngay từ khi Ngài còn trẻ) thì nơi đó quỷ ma, các ác thần không thể gây tác hại.