Kiếp sau nếu có ta là của nhau

Một phần của tài liệu 1608025347so 37+38 tap chi lang nghe viet nam mau1 (Trang 29 - 30)

KINH TẾ - XÃ HỘI

Tây Nam bộ là vùng đất có nhiều sông rạch chằng chịt với nhiều cửa sông ngày đêm chảy ra biển Đông, đem phù sa về bồi đất mẹ. Qua thời gian hàng nghìn năm lắng đọng, phù sa đã bồi dắp nên những khoảng đất, xung quanh mọc sum suê những cây bần, cây mắm nhìn như những phần đảo nhỏ nổi trên mặt nước, được gọi là cù lao (cù lao là từ có nguồn gốc ở vùng Nam đảo - Mã Lai, từ gốc là “Pulau” có nghĩa là đảo). Dần dần, sau những cuộc khai hoang mở đất của ông cha, các cù lao được mở rộng đón người dân di cư ra sinh sống, trở thành đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện. Có thể kể tên một số cù lao ở miền Tây như cù lao Tân Phong (Tiền Giang), cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt – Cần Thơ), cù lao Dung (Sóc Trăng), cù lao Giêng (An Giang), cù lao An Bình (Vĩnh Long)…Tuy nhiên, với

người dân miền Tây, không chỉ đơn thuần để chỉ một địa danh, “cù lao” còn được dùng để gọi tên cho một món lẩu thơm ngon.

Lẩu cù lao, hay gọi tắt cù lao, là món lẩu đặc trưng của miền Tây sông nước. Sở dĩ món ăn có tên như vậy là vì gọi theo tên của dụng cụ đựng lẩu: Cù lao. Theo “Việt Nam Tự điển”, tác giả Lê Văn Đức có định nghĩa “Cù lao là loại lẩu dùng để đựng thức ăn có nước, ở giữa có ống lửa đựng than để làm nóng thức ăn xung quanh, chân đế dùng để đựng than”. Cụ thể, cù lao dùng cho bữa ăn được làm bằng thau, sau này người ta dùng nhôm thay thế. Hình dáng của nó rất độc đáo, bề ngoài giống tựa cái chân đèn trên bàn thờ ông bà, nhưng phức tạp hơn. Phía trên là hình vòng tròn lớn mở miệng dùng để đựng thức ăn; Ở giữa là thân hình trụ tròn nối liền phần đế, làm nơi chứa tro, than; Phía trên cùng có nắp đậy và phần quai để dễ cầm và tránh tro than bay vào... Than sẽ được cho vào rốn trụ ở giữa thân, khi than cháy đỏ cũng là lúc thức ăn chứa ở xung quanh sôi ùng ục. Hình tượng này tựa như dải đất cù lao nổi lên giữa bốn bề sông nước, thể hiện sự sáng tạo của người dân, hình thành nên món ăn mang đậm dấu ấn bản địa, không thể nhầm lẫn.

Món cù lao thường xuất hiện khi nhà có đám tiệc hay lễ, Tết quan trọng, bởi món này dễ ăn, phù hợp mọi độ tuổi, lại có sự ngọt

ngào, thanh tao. Món ăn được chuẩn bị đơn giản, không dùng nhiều gia vị, nước dùng được nấu từ xương ống ngọt thanh, thêm tôm khô hoặc khô mực, nấu với bắp cải, cà rốt hoặc củ sắn nên có vị ngọt tự nhiên, đặc biệt là nước trong, không có màu sắc. Thành phần của món ăn gồm: Da heo khô ăn giòn giòn, thịt, tim, gan, mề, chả cá thát lát, bao quản (trứng vịt cuộn tàu hủ ky), thịt bằm cuộn bắp cải... Cù lao không có đĩa rau ăn kèm như các món lẩu khác mà tất cả để sẵn trong cù lao, đợi than hồng làm cho sôi là chan ăn với bún hoặc cơm, mì. Khi ăn, trong không khí ấm cúng, tất cả mọi người ngồi quây quần bên nhau, cùng thưởng thức vị ngọt thanh của nước dùng cùng sự tươi mới của nguyên liệu đi kèm tạo nên hương vị thơm ngon, ngọt ngào tình đất, tình người mà chỉ cần nếm thử một lần sẽ nhớ mãi không quên.

Ngày nay, trong thời đại công nghệ 4.0, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, món Cù lao đã không còn phổ biến như xưa mà nhường chỗ cho những món lẩu nhiều gia vị và có thể chế biến nhanh. Dù vậy, tại một số vùng quê thanh bình ở miền Tây, người ta vẫn còn thấy đâu đó lấp ló hơi khói của món lẩu Cù lao bốc lên nghi ngút trong những buổi tiệc tùng. Hương vị ngọt ngào, thanh mát và gần gũi với mỗi người con vùng đất phương Nam vẫn còn lưu giữ lại, không hề mờ phai.

Một phần của tài liệu 1608025347so 37+38 tap chi lang nghe viet nam mau1 (Trang 29 - 30)