3. Đánh giá chất lượng
3.4. Báo cáo tự đánh giá
Hoạt động TĐG thường kéo dài từ 09 tháng đến 01 năm. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành phụ thuộc vào giai đoạn phát triển, mức độ sẵn sàng của dữ liệu/thông tin, và bề dày lịch sử của CSGD, khoa hay bộ môn. Một yêu cầu quan trọng khi bắt đầu triển khai công tác này là đơn vị quản lý, nhóm công tác và cán bộ, GV phải hiểu rõ và có cùng cách nhìn về tài liệu hướng dẫn và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng. Để đảm bảo điều này, CSGD cần tổ chức tập huấn và phổ biến thông tin. Báo cáo TĐG là sản phẩm của hoạt động TĐG. Báo cáo cần được viết một cách khách quan, trung thực và đầy đủ theo Bảng điểm tự đánh giá (xem Phụ lục A).
Báo cáo TĐG là sản phẩm cuối của quá trình TĐG. Để viết được một báo cáo TĐG tốt đòi hỏi nhiều thời gian và kỹ năng. Sau đây là một số hướng dẫn để có thể viết được một báo cáo TĐG tốt:
Báo cáo TĐG trình bày hoạt động TĐG của đơn vị. Vì thế, báo cáo không chỉ mô tả mà còn cần phân tích. Báo cáo đưa ra đánh giá về những vấn đề còn tồn tại, đồng thời trình bày những giải pháp để giải quyết những tồn tại này. Nên sử dụng bộ câu hỏi chẩn đoán được trình bày trong Bộ tiêu chuẩn AUN-QA khi viết phần này.
Vì là hoạt động TĐG nên báo cáo TĐG là tài liệu rất quan trọng đối với đoàn đánh giá ngoài. Cấu trúc của báo cáo nên dựa trên Bộ tiêu chuẩn và Danh mục tiêu chí đánh giá của AUN-QA.
Cần làm rõ những công cụ và cơ chế BĐCL được triển khai và quản lý như thế nào, đồng thời đề cập đến thời gian, địa điểm và người chịu trách nhiệm triển khai/quản lý
các công cụ và cơ chế này, nhằm đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chuẩn. Điều này sẽ giúp kết nối các thông tin liên quan lại với nhau.
Chú trọng vào các thông tin và dữ liệu (minh chứng khách quan) liên quan trực tiếp đến bộ tiêu chuẩn. Báo cáo phải chính xác và trung thực. Những xu hướng và thống kê cho thấy thành quả và thực trạng hoạt động của đơn vị cần được thể hiện trong báo cáo. Cần đặc biệt chú trọng các dữ liệu định lượng. Cách thức trình bày dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người đọc hiểu đúng các dữ liệu. Cần chuẩn hóa các dữ liệu như số lượng người học, GV, tỷ lệ người học/GV, tỷ lệ đậu-rớt,…
Báo cáo TĐG là khởi điểm cho hoạt động phối hợp cải tiến chất lượng giữa ban rà soát và khoa. Đây cũng là tài liệu phục vụ cho hoạt động đánh giá liên trường. Khi tiến hành TĐG, CSGD nên tự xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng, tuy nhiên cũng phải xem xét những tiêu chuẩn bên ngoài – ví dụ như của một tổ chức kiểm định. Khi phân tích chất lượng của CSGD, cần tìm kiếm các minh chứng cho thấy mức độ đáp ứng của CSGD đối với yêu cầu của bộ tiêu chuẩn. Nếu trong nước hay khu vực không có bộ tiêu chuẩn chính thức thì có thể tham khảo và đối sánh Bộ tiêu chuẩn AUN-QA được đề cập trong tài liệu này.
Báo cáo TĐG nên được viết hoặc dịch sang ngôn ngữ mà các đánh giá viên có thể hiểu được (Nghĩa là tiếng Anh). Nên cung cấp một bảng danh mục các thuật ngữ và từ viết tắt được sử dụng trong báo cáo.
Báo cáo TĐG là tài liệu cuối cùng, sử dụng để xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng trong những năm tiếp theo. Báo cáo cũng có thể được sử dụng làm tài liệu phục vụ cho hoạt động kiểm định hoặc đánh giá liên trường.
Phần 1: Giới thiệu
Tóm lược báo cáo TĐG.
Quá trình thực hiện TĐG: cách thức thực hiện và những người tham gia.
Mô tả tổng quan về CSGD, khoa và bộ môn: tóm tắt quá trình BĐCL, sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu và chính sách chất lượng của CSGD; mô tả sơ lược về khoa và bộ môn.
Phần 2: Bộ tiêu chuẩn AUN-QA
Ở phần này, CSGD, khoa hay bộ môn mô tả mức độ đáp ứng của đơn vị so với yêu cầu của bộ tiêu chuẩn AUN-QA. Cấu trúc của phần này nên xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn được trình bày trong Danh mục các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cấp chương trình theo AUN-QA.
Phần 3: Phân tích điểm mạnh, điểm tồn tại
Tóm tắt các điểm mạnh: tóm tắt các yếu tố mà chương trình tự đánh giá là điểm mạnh của mình và nhấn mạnh vào những điểm mà đơn vị tự hào.
Tóm tắt các điểm tồn tại: trình bày những yếu tố mà đơn vị cho là điểm tồn tại và cần cải tiến.
● Hoàn tất Bảng điểm TĐG, được trình bày ở Phụ lục A.
● Kế hoạch cải tiến: các khuyến nghị để rút ngắn khoảng cách được phát hiện trong hoạt động tự đánh giá và kế hoạch hành động để thực hiện các khuyến nghị này.
Phần 4: Phụ lục