60. Năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực trên hầu hết mọi lĩnh vực dưới tác động của dịch Covid-19, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy sự chủ động, linh hoạt và quyết liệt với hàng loạt các biện pháp mạnh như giảm mạnh lãi suất điều hành, cung ứng tiền lớn ra nền kinh tế qua kênh mua vào ngoại tệ, ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến nay, sau 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 - 2,0%/năm lãi suất điều hành, trong đó lãi suất
tái cấp vốn đã giảm 2%/năm, lãi suất OMO giảm 1,5%/năm, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm 1%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm. Việt Nam trở thành một trong các ngân hàng trung ương (NHTW) có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực (Trung Quốc chỉ giảm 0,3%, Ấn độ (-1,15%); Thái Lan (-0,75%), Malaysia và Indonesia (- 1,25%). Về việc cơ cấu lại nợ, số liệu cập nhật đến ngày 25/12, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng, với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến 25/12 đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.
61. NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt theo hướng công bố tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày phù hợp diễn biến thị trường trong và ngoài nước, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT, hỗ trợ hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giúp nền kinh tế hấp thu tốt hơn các cú sốc từ bên ngoài. Giai đoạn cuối tháng 3/2020, trong bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới biến động nhanh, phức tạp do tác động của Covid-19, tâm lý trên thị trường có thời điểm bị tác động tiêu cực, NHNN đã linh hoạt điều chỉnh tỷ giá bán can thiệp, thực hiện truyền thông và sẵn sàng bán can thiệp thị trường ngoại tệ để bình ổn thị trường. Nhờ đó, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm dần về quanh mức giá mua của NHNN. Trong những giai đoạn nguồn cung dồi dào, NHNN đã điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ từ các TCTD và thực hiện mua ngoại tệ từ các TCTD giúp chuyển hoá thành tiền đồng để hỗ trợ phát triển kinh tế. Nhìn chung, thị trường ngoại tệ trong nước vẫn duy trì hoạt động ổn định, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước, giúp bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và củng cố mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.
62. NHNN đã chủ động nắm bắt tình hình, ban hành chính sách chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi
dịch Covid-19. Ngay khi xảy ra dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động ban hành các văn bản và tổ chức làm việc trực tiếp với các TCTD để yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Trong đó, văn bản quan trọng, mang tính đột phá là
Thông tư số 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/3/2020 cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng; Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 yêu cầu các TCTD đẩy mạnh hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; Thông tư 04/2020/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% phí dịch vụ thanh toán trong nước qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020; Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020 và Thông tư sửa đổi, bổ sung số 12/2020/TT-NHNN ngày 11/11/2020 về việc tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg,
tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỷ đồng, lãi suất 0%/năm, thời hạn NHNN giải ngân tái cấp vốn đến hết ngày 31/01/2021; Thông tư số 08/2020-TT-NHNN ngày 14/8/2020, lùi 01 năm lộ trình áp dụng đối với tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn, tạo điều kiện cho TCTD có thêm nguồn vốn cho vay trung dài hạn. Kết quả là đến 07/12/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270.046 khách hàng với dư nợ 348.494 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 585.332 khách hàng với dư nợ 1.037.736 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 2.235.229 tỷ đồng cho 386.365 khách hàng. Riêng NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ theo quy định hiện hành cho 167.554 khách hàng với dư nợ 4.179 tỷ đồng, cho vay mới đối với 1.968.039 khách hàng với số tiền 71.370 tỷ đồng; thực hiện giải ngân với tổng dư nợ là 20.721 tỷ đồng cho 137 người sử dụng lao động, số lao động được hỗ trợ là 5.200 người; 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí TCTD đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 ước tính khoảng 1.004 tỷ đồng.
63. NHNN cũng kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Trước tình hình mưa lũ đặc biệt lớn kéo dài trên diện rộng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các TCTD, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố bị bão lũ thống kê, rà soát thiệt hại, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hạ lãi suất vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay khôi phục sản xuất sau mưa lũ; hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ; hoàn thiện các thủ tục gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả là đến nay, các TCTD đang hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại thiên tai qua các giải pháp: cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 4.712 khách hàng với dư nợ 262 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 30.439 khách hàng với dư nợ 31.958 tỷ đồng; cho vay mới 40.077 khách hàng với số tiền cho vay mới 8.375 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã hỗ trợ cho các khách hàng hàng bị ảnh hưởng bởi đợt hạn mặn tại ĐBSCL như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.833 khách hàng với dư nợ trên 2.083 tỷ đồng; Miễn giảm lãi vay cho 627 khách hàng với số tiền gần 1,9 tỷ đồng; Cho vay mới để khôi phục sản xuất đối với 924 khách hàng với doanh số cho vay đạt trên 740 tỷ đồng; Riêng NHCSXH đã và đang thực hiện khoanh nợ cho 278 khách hàng với dư nợ trên 4.1 tỷ.
64. NHNN thực hiện điều hành linh hoạt tăng trưởng tín dụng, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế; chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh
nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng. Trong năm 2020, NHNN đã chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng
đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và cho vay bằng ngoại tệ, tăng cường quản lý rủi ro đối với tín dụng tiêu dùng. Để khuyến khích TCTD mở rộng tăng trưởng tín dụng hiệu quả, NHNN đã chủ động điều chỉnh tăng mức tăng trưởng tín dụng của nhiều TCTD có khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế; ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với TCTD tham gia hỗ trợ xử lý QTDND yếu kém, TCTD có tỷ lệ nợ xấu thấp, TCTD tích cực giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, TCTD tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và hạn chế tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD cải tiến quy trình nội bộ, giảm bớt hồ sơ thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ, tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, mở rộng các sản phẩm tín dụng phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng hiệu quả, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng vay vốn thuận lợi.
65. Trong năm 2020, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại
TCTD. Bám sát mục tiêu, định hướng nêu tại đề án 1058, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung triển khai, tăng cường giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt và theo dõi, kiểm tra kết quả xử lý nợ xấu cũng như kiểm soát chất lượng tín dụng của từng TCTD để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh và hỗ trợ các TCTD tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Trong đó: (i) Các NHTM do nhà nước nắm giữ từ trên 50% vốn điều lệ (NHTMNN) (không bao gồm 03 NHTM mua bắt buộc) tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các TCTD, tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các TCTD yếu kém. (ii) Tiếp tục giám sát các NHTMCP thực hiện Phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động. Đến tháng 10/2020, vốn điều lệ của NHTMCP đạt 300,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,57% toàn hệ thống; tổng tài sản đạt 5.612,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,57% toàn hệ thống. (iii) Tập trung chỉ đạo 03 NHTM mua bắt buộc và NHTMCP Đông Á (DAB) trên cơ sở chủ trương, định hướng của các cấp có thẩm quyền và căn cứ quy định pháp luật, xây dựng, hoàn thiện phương án cơ cấu lại/phương án phục hồi, chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ. (iv) Triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường củng cố hệ thống QTDND, nhất là xử lý QTDND yếu kém; chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các QTDND trên địa bàn. (v) Tiếp tục hoàn thiện các quy định về tổ chức tài chính vi mô (TCVM) để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho các chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động lành mạnh, hiệu quả.
66. Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, NHNN đã chỉ đạo các TCTD rà soát nợ xấu, kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2020 để bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời tiếp tục tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả
nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng
dự phòng rủi ro...Trong 10 tháng đầu năm 2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 101.01 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khách hàng trả nợ là 29.18 nghìn tỷ đồng; sử dụng dự phòng rủi ro là 56.31 nghìn tỷ đồng; và các hình thức còn lại ước tính là 15.52 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới 2%; tuy nhiên do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên 2,01% vào cuối tháng 8/2020, 2,14% vào cuối tháng 9/2020 và 2,09% vào cuối tháng 10/2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD giảm mạnh, từ mức 10,08% cuối năm 2016 xuống mức 4,36% (tính đến tháng 10/2020).
67. Các TCTD cũng tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Sau 3 năm triển khai, công tác xử lý nợ xấu của các TCTD đã đạt được những kết quả khá tích cực, chứng minh sự đúng đắn, hiệu quả của Nghị quyết 42; tỷ lệ nợ xấu giảm, chất lượng tín dụng được cải thiện, nhiều giải pháp tại Nghị quyết đã được áp dụng góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Lũy kế từ 15/08/2017 đến cuối tháng 10/2020, đã xử lý được 314.32 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.
68. Chính nhờ các biện pháp kịp thời và mạnh mẽ của NHNN, hoạt động tiền tệ tín dụng vẫn tương đối ổn định khi so sánh với giai đoạn suy giảm kinh tế 2012-2014. Tín dụng trong nền kinh tế mặc dù tăng trưởng chậm lại đáng kể so với năm 2019 trong giai đoạn nửa đầu năm nhưng bắt đầu hồi phục rõ nét kể từ giữa Quý III, sau khi Việt Nam kiểm soát thành công đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng và kinh tế trong nước và nước ngoài đồng loạt hồi phục tích cực sau khi chạm đáy trong Quý II. Tính đến hết tháng 9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 6,09% so với đầu năm, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 9,4% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính đến ngày 23/12/2020, tín dụng đã tăng 10,54% so với cuối năm 2020 và ước tính của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng năm 2020 có thể trên 11%, mức đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn hồi phục chậm. Tăng trưởng tín dụng vẫn tập trung các khoản cho vay bằng đồng Việt Nam (11%), trong khi tín dụng ngoại tệ tăng thấp (1,99% so với cuối năm 2020) trong bối cảnh hoạt động nhập khẩu chững lại và lãi suất bằng đồng VND đã thu hẹp mức chênh lệch với lãi suất bằng đồng USD. Tín dụng trung dài hạn cũng có xu hướng tăng cao hơn so với tín dụng ngắn hạn (11,1% so với 10%) gia tăng kỳ vọng tín dụng sẽ đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng trong thời gian tới.
69. Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm lại, huy động vốn lại ghi nhận mức tăng khá tích