3. Những quan điểm và phương pháp nghiên cứu
2.4.1. Ảnh hưởng từ tự nhiên
Tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng có dấu hiệu ảnh hưởng rõ rệt và TP.HCM cũng là một trong những TP chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của vấn đề này. Theo đó, việc biến đổi khí hậu sẽ làm cho mực nước biển dâng cao, mùa khô kéo dài hơn và gây ra mưa lớn trong ngày hè. Điều này gây tác động lớn đến tài nguyên nước ở TP như gây ra tình trạng ngập lụt đô thị trong mùa mưa, gây nhiễm mặn các nguồn nước và suy thoái nguồn nước ngầm.
Đối với việc nhiễm mặn các nguồn nước, nguyên nhân là do hạn hán kéo dài làm giảm lưu lượng trong mùa khô và mực nước biển dâng cao làm cho “nút ngăn mặn” di chuyển sâu hơn vào đất liền gây nhiễm mặn.
Tình trạng ngập lụt trong đô thị ngày càng xảy ra nghiêm trọng là do việc biến đổi khí hậu gây mưa lớn hơn trong mùa hè, mực nước biển dâng cao dẫn đến tình trạng ngập lụt tại TP trong
mùa mưa. Ngoài ra, tình trạng mùa khô kéo dài hơn cũng gây nên suy thoái nguồn nước ngầm trong TP.
Hiện tượng số trận mưa lớn xuất hiện với tần suất tăng dần theo thời gian đã được giải thích bởi hiệu ứng đảo nhiệt (Heat Island Effect), mặc dù cho đến nay vẫn chưa thể tái hiện lại một mô hình vật lý đủ tin cậy cho vấn đề này. Tình trạng nhiệt độ gia tăng liên tục và ngày càng nhanh dần kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước trùng khớp với lý thuyết của hiệu ứng đảo nhiệt và góp phần lý giải hiện tượng mưa lớn xuất hiện ngày càng thường xuyên ở các khu vực đô thị hoá. Đây không phải là vấn đề cá biệt của TP.HCM mà đã được tổng kết trên khắp thế giới từ nhiều thập niên.
Tình trạng gia tăng liên tục của mực nước trên sông Sài Gòn cùng với những trận mưa có vũ lượng lớn xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn, trong khi hệ thống thoát nước và kiểm soát triều vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng đã làm cho tình trạng ngập lụt đô thị ở TP.HCM ngày càng trở nên trầm trọng. Hơn 70 vị trí ngập xuất hiện ở TP.HCM sau những cơn mưa có vũ lượng từ 40 mm trở lên ngay cả khi thủy triều đang ở mức thấp cho thấy dòng chảy tràn đô thị do mưa lớn vượt quá khả năng thoát nước của cống đang là tác nhân gây ngập chủ yếu hiện nay.
Theo tính toán của các nhà khoa học, BĐKH và việc trái đất nóng lên có khả năng gây ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô và tạo điều kiện cho xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền. Đối với TPHCM, điều này sẽ đặc biệt nguy hiểm vì nếu độ mặn của sông Sài Gòn tăng lên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất cũng như chất lượng nước sạch của Nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức (vì đây là nguyên liệu để sản xuất của hai nhà máy này). Trong mùa mưa, tình trạng BĐKH có khả năng gây ra những cơn mưa lớn hơn, dữ dội hơn trước và TPHCM đã được “kiểm nghiệm” điều này trong nhiều mùa mưa gần đây. Ngập tại TPHCM do nhiều nguyên nhân nhưng một trong số đó là do… mưa nhiều.
Hiện nay, trong kế hoạch thích ứng với BĐKH của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TPHCM, đã có kế hoạch giải quyết tình trạng ngập ở TPHCM như là một trong những giải pháp thích ứng với BĐKH của đơn vị.