Từ kết quả nghiên cứu và kết luận đã trình bày ở trên, tác giả đưa ra một số giải pháp cho từng yếu tố như sau:
Đối với yếu tố giới tinh: đây là yếu tố tương đối quan trọng khi thẩm định cho vay KHCN. CBTD cần đánh giá khả năng hiểu biết về thị trường, ngành nghề, kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, đồng thời cần cẩn trọng hơn khi cho vay các khách hàng nữ. Ngoài ra, trong quá trình thẩm định có thể xem xét ưu tiên cho các khách hàng nam. Hiện tại, xét về góc độ số lượng thì tại Chi nhánh khách hàng nam có ưu thế hơn khách hàng nữ. Tuy nhiên mức độ chênh lệch so với mức cân bằng không nhiều (khoảng 6%), do đó có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng khách hàng nam cao hơn nữa bằng một số cách như có chính sách ưu đãi cho khách hàng nam đã từng vay tại Chi nhánh khi có nhu cầu vay lại, hoặc các ưu đãi cho vay đối với khách hàng nam trong những khoảng thời gian có các ngày lễ, ngày kỉ niệm liên quan đến nam giới hay vận động nam giới đại diện vay cho các khoản vay của gia đình…
Đối với yếu tố nghề nghiệp: khi thẩm định cho vay thì nghề nghiệp của khách hàng cần được xem xét, đánh giá một cách thận trọng và khách quan, tìm hiểu khách hàng có kinh doanh ngành nào khác nữa không… Đặc biệt, cần chú trọng đến tính ổn định của nghề nghiệp khách hàng, nếu khách hàng là nhân viên văn phòng thì sẽ có thu nhập ổn định hơn những khách hàng làm việc trong những ngành nghề thiếu ổn định, có mức độ rủi ro cao (ví dụ như công nhân…) do đó khả năng trả nợ cũng cao hơn. Tuy nhiên, cần sâu sát, khách quan nhiều khía cạnh để tránh bỏ qua khách hàng tiềm năng. Hiện tại, cơ cấu thành phần khách hàng của Chi nhánh vẫn còn tập trung nhiều vào đối tượng nông dân, do đó cần có những chính sách tăng cường tiếp cận các đối tượng khách hàng khác nhất là các nhóm lao động áo trắng (nhân viên văn phòng, bác sĩ…) có nghề nghiệp ổn định như các ưu đãi về chính sách chăm sóc
khách hàng trước, trong và sau khi vay để tạo thiện cảm về chất lượng dịch vụ. Đối với nhóm khách hàng công nhân dù khả năng trả nợ còn nhiều hạn chế nhưng ngân hàng vẫn cần thu hút nhóm này vì số lượng công nhân trong địa bàn là rất lớn do xung quanh rất nhiều khu công nghiệp. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thị xã Bến Cát có 08 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.030 ha, 01 khu sản xuất tập trung 47,7 ha tại phường Tân Định với 180 ngàn lao động. Vì thế, có thể tiếp thị đến các công ty, xí nghiệp trong địa bàn và yêu cầu các đơn vị này bảo lãnh cho các công nhân của họ vay vốn tại Chi nhánh, khi đó không những có thể thu hút được lượng lớn khách hàng, tăng thu nhập cho ngân hàng mà còn hạn chế được rủi ro cho vay khách hàng là công nhân.
Đối với yếu tố thu nhập: đây chính là nguồn trả nợ chủ yếu, tác động mạnh mẽ đến khả năng trả nợ có và có liên quan đến tính ổn định của nghề nghiệp. Nghề nghiệp có tính ổn định sẽ tạo ra thu nhập thường xuyên đều đặn, đó là nền tảng để khách hàng thanh toán khoản vay đúng hạn. Vì vậy, khi thẩm định cho vay, CBTD cần đánh giá khách quan thu nhập của khách hàng, tính ổn định của dòng tiền hiện tại và tương lai, cơ cấu lịch trả nợ phù hợp với thu nhập của khách hàng, kịp thời phát hiện biến động và điều chỉnh. Hiện tại, thu nhập của người dân trong địa bàn Thị xã Bến Cát nói riêng, Tỉnh Bình Dương nói chung ngày càng tăng, theo thống kê mới nhất thì thu nhập bình quân đầu người Bình Dương cao nhất cả nước. Đó là cơ hội để Chi nhánh đẩy mạnh hoạt động cho vay khách hàng cá nhân, nhất là hoạt động cho vay tiêu dùng. Do đó, Chi nhánh có thể xây dựng khung thu nhập để thu hút thêm khách hàng, chẳng hạn như: ưu đãi lãi suất đối với các khách hàng có thu nhập rõ ràng, minh bạch, dễ dàng giám sát… Đồng thời, quy định khung lãi suất ưu tiên và cạnh tranh đối với nhóm khách hàng có thu nhập từ 20 triệu trở lên.
Đối với yếu tố lịch sử tin dụng: đây là yếu tố có thể tìm hiểu tương đối dễ dàng thông qua Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), tuy nhiên để khách quan và chính xác thì CBTD khi thẩm định cho vay cần tìm hiểu nguyên nhân phát sinh nợ quá hạn của khách hàng (nếu có) để tránh bỏ qua khách hàng tiềm năng. Các nguyên nhân có thể là chủ quan như ý thức của trả nợ của vay, “sức khoẻ” tài chính, làm ăn không
tốt… hoặc khách quan như dịch bệnh, thiên tai, mất mùa, suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến công việc. Đồng thời, có thể xem xét cho vay các khách hàng đã từng phát sinh nợ quá hạn với lãi suất cao hơn bình thường để phù hợp với rủi ro tuy nhiên mức bù rủi ro này cần hợp lý, nhân văn vì lãi suất cũng có tác động đến khả năng trả nợ, ít nhất là trong nghiên cứu này. Hiện tại, Chi nhánh áp dụng mức bù lãi suất này dao động từ 1 – 1,5%. Thực tế, đây chưa phải là mức lãi suất quá cạnh tranh! Do đó, trong thời gian tới Chi nhánh nên xem xét điều chỉnh giảm mức bù lãi suất này đối với các khách hàng thiện chí, có nguyên nhân trễ hạn khách quan nhằm giảm áp lực tài chính, nâng cao khả năng trả nợ của khách hàng. Để xác định được nguyên nhân cốt lõi của khách hàng, không chỉ kiểm tra CIC mà cần xây dựng một hệ thống thông tin nội bộ từ người thân, các đối tác, các TCTD khác… có quan hệ với khách hàng để thu thập thêm thông tin và có đánh giá khách quan hơn.
Đối với yếu tố quy mô khoản vay: khoản vay lớn sẽ giúp khách hàng có đủ nguồn vốn để thực hiện phương án tốt nhất đồng thời cũng mang lại lợi nhuận cao hơn cho ngân hàng. Khoản vay lớn thường đi kèm với TSĐB có giá trị lớn tương ứng vì vậy sẽ nâng cao trách nhiệm trả nợ của khách hàng, khách hàng sẽ chí thú làm ăn và hạn chế được việc sử dụng tiền vay sai mục đích. Bên cạnh đó, những khách hàng lớn (những khách hàng có các khoản vay lớn) ngoài nhu cầu vốn lớn thì họ cũng có những yêu cầu khắt khe đối với thái độ phục vụ của nhân viên ngân hàng. Do đó, CBTD cần chú ý những khách hàng lớn để kịp thời phục vụ, thường xuyên thăm hỏi, có những ưu đãi nhằm giữ chân khách hàng và qua đó cập nhật được tình hình sử dụng vốn của khách hàng để kịp thời hỗ trợ, điều chỉnh. Mặt khác, CBTD phải đánh giá tính trung thực của khách hàng cũng như của chính mình, tránh tình trạng luôn cấp tín dụng theo yêu cầu của khách hàng, không vì chỉ tiêu mà chấp nhận rủi ro dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Đối với yếu tố lãi suất: đây là yếu tố quan trọng tác động đến tâm lý của người vay. Lãi suất quá cao dễ gây chán nản, buông xuôi cho khách hàng, lãi suất quá thấp dễ gây tâm lý chủ quan, lơ là đồng thời cũng ảnh hưởng tính hiệu quả của khoản vay xét về mặt tài chính của ngân hàng. Do đó, mức lãi suất cần được xác định phù hợp
để tạo động lực cho khách hàng cũng như giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng. Hiện tại, Chi nhánh đã xây dựng khung lãi suất dao động từ 5,5% đến 11,5% tuỳ vào mục đích vay và quy mô khoản vay. Tuy nhiên, có thể cân nhắc xây dựng thêm khung lãi suất theo uy tín của khách hàng. Khung lãi suất này được xây dựng dựa trên lịch sử tín dụng và khả năng theo khoản vay đến đáo hạn của khách hàng, từ khung lãi suất đó sẽ đối chiếu qua khung lãi suất theo mục đích vay và quy mô khoản vay để đánh giá xem liệu khách hàng có đủ khả năng vay theo nhu cầu mong muốn không hay phải cân nhắc lại quy mô khoản vay để hạn chế rủi ro. Vì thế, CBTD cần tính toán, thông báo đầy đủ, chính xác chi phí của khoản vay, số tiền phải trả để khách hàng nắm bắt thông tin về khoản vay của mình. Tuy nhiên, việc xây dựng khung lãi suất cho vay cũng phải đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại, mức lãi suất cho vay của Agribank Bến Cát là tương đối cạnh tranh so với các TCTD khác trong địa bàn vì vậy cần phát huy điểm mạnh này để đưa ra mức lãi suất phù hợp và cạnh tranh hơn nữa.