Phức chất là loại hợp chất được ứng dụng rộng rãi và ngày càng đa dạng trong hầu hết các lĩnh vực khác nhau như hóa học, sinh học, y học, dược học, nông nghiệp, phân tích môi trường, điều tra nhằm khai thác các nguồn tài nguyên, khoáng sản của đất nước. Sự phát triển của ngành hóa học phức chất đã có những đóng góp to lớn và quan trọng trong nhiều ngành khoa học, kỹ thuật và kinh tế. Trong phân tích và điều chế các loại vật liệu, những chất siêu tinh khiết, phức chất đóng vai trò cực kì quan trọng trong các phương pháp tách, phân chia và làm sạch các chất, hợp chất.
Phức chất được sử dụng trong lĩnh vực y học. Điển hình Phức chất của Pt(II) thường được sử dụng trong việc điều trị các bệnh ung thư như sau:
Cho đến nay đã có ba thế hệ thuốc với hoạt chất là phức chất của Pt(II) được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị nhiều bệnh ung thư khác nhau ở người với tên thương phẩm là Cisplatin, Cacboplatin và Oxaliplatin. Tuy nhiên, do chúng có độc tính cao và chưa đáp ứng được sự gia tăng của các loại ung thư. Nhưng gần đây phức chất [PtCl2(Meug)(p-ClC6H4NH2)] và [PtCl(Meug-1H)(pClC6H4NH2)] đã được nghiên cứu tổng hợp với mong muốn chúng sẽ có hoạt tính kháng TB ung thư cao, độc tính thấp, và được ứng dụng trong việc điều trị các TB ung thư [23].
Các phức chất cis-dicloroanilinaminplatin(II) đã được tác giả tổng hợp được 14 phức chất. Nhưng trong số 14 phức chất đó chỉ có 5 phức có chứa anilin trong cầu phối trí thể hiện hoạt tính kháng ung thư tốt trên bốn dòng TB ung thư (ung thư màng tử cung, ung thư gan, ung thư màng tim và ung thư tiền thận khỉ). Phức cis- [Pt(C6H5NH2)(C6H11NH2)Cl2] và cis-[Pt(C6H5NH2)(C4H8NHO)Cl2] có hoạt tính kháng mạnh trên cả bốn dòng TB ung thư. Bên cạnh đó, phức cis-[Pt(C6H5NH2)(C5H10NH)Cl2] có hoạt tính trên ba dòng TB ung thư là ung thư màng tử cung, ung thư màng tim và ung thư tiền thận khỉ. Tuy nhiên phức cis-[Pt(C6H5NH2)(C5H5N)Cl2] có hoạt tính trên hai
dòng TB ung thư là ung thư màng tử cung và ung thư màng tim. Cuối cùng, phức cis- [Pt(C6H5NH2)(C9H7N)Cl2] lại chỉ có hoạt tính trên một dòng TB ung thư tiền thận khỉ [24]. Nhờ sự thử hoạt tính kháng sinh và hoạt tính độc TB cho thấy hầu hết các phức chất trong tài liệu được thử có khả năng ức chế sự phát triển của vi sinh vật. Phức chất [PtCl(C14H17O4)(C5H5N)] có khả năng ức chế sự phát triển của ba dòng TB ung thư là ung thư biểu mô, ung thư gan và ung thư phổi. Phức chất [PtCl(C14H17O4)(C9H7N)] có khả năng ức chế sự phát triển của hai dòng TB ung thư là ung thư mô và ung thư gan. Các phức [PtCl(C14H17O4)(C5H10NH)] và [Pt(C14H17O4)(C9H6ON)] có khả năng ức chế bốn dòng TB ung thư như ung thư biểu mô, ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú [25]. Phức chất cũng được sử dụng trong lĩnh vực sinh học. Phức chất của các kim loại chuyển tiếp với các amino axit được nghiên cứu đã tạo ra phức chất có hoạt tính sinh học cao và được hấp thụ dễ dàng. Việc sử dụng các phức chất của kim loại với các amino axit thiết yếu nhờ chất phụ gia bổ sung vào thức ăn trong chăn nuôi, đem lại năng suất cao, nhiều lợi ích kinh tế. Do đó lĩnh vực tổng hợp các loại phức chất này ngày càng được quan tâm và phát triển hơn [26].
Lê Hữu Thiềng đã chỉ ra hoạt tính của một số phức chất đến sự phát triển của mầm hạt đỗ và của chủng nấm mốc Asp.flavus và một số vi khuẩn như sau:
Tác giả đã chỉ ra hoạt tính ức chế sự phát triển của mầm hạt đỗ xanh của các phức chất H3[La(Phe)3(NO3)3].2H2O, H3[Eu(Phe)3(NO3)3].3H2O và H3[Dy(Phe)3(NO3)3].3H2O. Trong khoảng nồng độ khảo sát 25 ÷ 250 ppm, phức chất H3[Eu(Phe)3(NO3)3].3H2O có tác dụng ức chế rõ rệt từ nồng độ 100 ppm, sự ức chế tăng theo nồng độ. Phức chất H3[La(Phe)3(NO3)3].2H2O có tác dụng ức chế sự phát triển của chủng nấm mốc Asp- flavus. Trong khoảng nồng độ khảo sát 15 ÷ 90 ppm, phức chất có tác dụng ức chế rõ rệt ở nồng độ 45 ppm, sự ức chế tăng theo nồng độ. Còn đối với các phức chất H3[La(Phe)3(NO3)3].2H2O, H3[Sm(Phe)3(NO3)3].3H2O và H3[Eu(Phe)3(NO3)3].3H2O đã có tác dụng làm tăng một số chỉ tiêu sinh hoá như protein, proteaza và amilaza của chủng nấm mốc Asp-flavus. Các phức chất có tác dụng tốt hơn so với ion kim loại và phối tử [27]. Tác giả cũng đã thử hoạt tính kháng khuẩn của các phức H3[La(Phe)3(NO3)3].2H2O, H3[Eu(Phe)3(NO3)3].3H2O và các cấu tử thành phần La(NO3)3, Eu(NO3)3, HPhe đối với 9 loại vi khuẩn. Kết quả cho thấy phối tử không có hoạt tính kháng khuẩn, các phức chất có hoạt tính kháng khuẩn thấp hơn so với các muối nitrat tương ứng. Phức chất H3[La(Phe)3(NO3)3].2H2O có hoạt tính kháng khuẩn đối với vi khuẩn Sta và Ec ở nồng độ tối thiểu tương ứng là 1,25% và 2,5% còn đối với phức chất H3[Eu(Phe)3(NO3)3].3H2O là 2,5% và 5% [27].
Các phức chất của kim loại chuyển tiếp nói chung và phức đồng oxalat nói riêng có thể dùng làm chế phẩm thấm tan tạo màu cho granit nhân tạo theo công nghệ in lưới. Lê Thị Hồng Hải đã khảo sát các yếu tố ảnh hường đến khả năng phát màu và độ thấm sâu của các chế phẩm trên xương gốm đã tìm ra được điều kiện thích hợp để pha chế được các chế phẩm màu có khả năng phát màu đẹp và độ thấm sâu đạt tiêu chuẩn, thích hợp để tạo màu trang trí cho gạch ốp lát. Đã tạo ra nhiều gam màu phong phứ như xanh, xám đen, vàng rơm, nâu tím [16].
Các phức chất có màu được sử dụng trong hóa học phân tích, dùng làm chất màu. Ví dụ, chất xanh Beclin (xanh phổ) là phức chất Fe4[Fe(CN)6]3, một chất bột màu xanh đậm, được sử dụng trong ngành in hay trong công nghệ sơn để điều chế ra các loại sơn có màu xanh, màu lam tươi và lam đậm, xanh da trời và lục [3].
Lê Phi Thúy đã ngiên cứu và thử ứng dụng của các phức của kim loại chuyển tiếp với các axit hữu cơ. Nhờ vậy, 25 phức chất đã được điều chế với hiệu suất và có độ tinh khiết cao. Nên khi khảo sát khả năng phát màu của các chế phẩm, kết quả cho thấy: các chế phẩm của phức chất crôm phát ra màu rêu, phức sắt phát màu nâu đỏ, phức mangan phát màu nâu xám và coban phát màu xanh dương [4].
2.1.Hóa chất