Liên quan đến bệnh nhân có những yếu tố phát sinh ADR như tuổi, giới tính, bệnh mắc kèm, tiểu sử dị ứng hoặc phản ứng với thuốc.
Các ADR của thuốc có thể xảy ra ở bất kỳ bệnh nhân nào kể cả khi thuốc được kê đơn và được dùng đúng cách, ví dụ phản ứng dị ứng mới khởi phát không thể đoán trước hoặc phòng ngừa được. Tuy nhiên, một số đặc điểm về dược động học của người cao tuổi khiến họ dễ bị tổn thương hơn hay việc người cao tuổi thường sử dụng nhiều thuốc cũng ADR.
Ở người cao tuổi, sự già hóa của các cơ quan cơ thể sẽ dẫn tới những thay đổi trong các quá trình dược động học (hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ). Sự chuyển hóa và thải trừ của nhiều loại thuốc suy giảm, đòi hỏi phải có sự hiệu chỉnh liều lượng thuốc. Độc tính có thể phát triển chậm vì nồng độ thuốc trong cơ thể có thể kéo dài từ 5 – 6 lần thời gian bán thải, cho tới khi đạt được trạng thái ổn định.
Ở giai đoạn hấp thu, giảm diện tích bề mặt ruột non, làm chậm trống dạ dày và tăng pH dạ dày ở người cao tuổi dẫn đến sự giảm hấp thu thuốc. Tuổi càng cao, chất béo cơ thể thường tăng lên và tổng lượng nước trong cơ thể giảm. Chất béo gia tăng làm tăng tình trạng phân bố các thuốc gắn với lipid và có thể làm tăng thời gian bán thải. Sự chuyển hóa qua gan của nhiều loại thuốc thông qua hệ thống men CYP-450 giảm dần theo tuổi. Đối với những thuốc có sự chuyển
hóa gan giảm, độ thanh thải thường giảm từ 30-40%. Sự thải trừ thuốc qua thận giảm ở người cao tuổi do sự giảm nồng độ creatinin huyết thanh. Nồng độ creatinin huyết thanh ở giảm vì người cao tuổi thường có khối lượng cơ thấp hơn và thường ít hoạt động hơn người trẻ tuổi nên sản sinh creatinin ít hơn [41].
Về cơ bản không có sự khác biệt lớn về nguy cơ gặp ADR giữa hai giới tính. Tuy nhiên, một số ADR gay gặp ở phụ nữ hơn là nam giới. Phụ nữ có thể nhạy cảm hơn với độc tính của các thuốc điều trị tim mạch ( digoxin, heparin, captopril..). Triệu chứng thiếu máu bất sản ( rối loạn tế bào gốc tạo máu) do chloramphenicol gặp ở phụ nữ nhiều gấp 2 lần so với nam giới. Chứng mất bạch cầu hạt do thuốc kháng viêm phenylbutazon gặp ở nữ nhiều gấp 3 lần so với nam giới [42].
Đối với bệnh nhân mắc nhiều bệnh, bệnh mắc kèm có thể thay đổi đáp ứng của bệnh nhân đối với thuốc hay làm thay đổi dược động học của thuốc gây nên các ADR. Khi dược động học bị thay đổi, các tác dụng điều trị hay độc tính có thể tăng lên quá mức gây nên tác dụng phụ. Trong quá trình điều trị nhiều bệnh cùng lúc cũng có thể xảy ra các tương tác thuốc giữa thuốc điều trị bệnh này với thuốc điều trị bệnh khác gây nên các tác dụng phụ cho bệnh nhân. Ở bệnh nhân các ADR do dị ứng hay phản ứng với thuốc không liên quan đến liều và đã sử dụng thuốc trước đó mới xảy ra ADR. Dị ứng khởi phát khi một loại thuốc hoạt động như một kháng nguyên hoặc chất gây dị ứng. Sau khi bệnh nhân bị nhạy cảm, việc tiếp xúc với thuốc sau đó sẽ tạo ra một số kiểu phản ứng dị ứng. Hay việc sử dụng thuốc có cùng nhóm, tương tự về cấu trúc hoạt chất với thuốc bệnh nhân đó đã từng dị ứng cũng sẽ gây các tác dụng dị ứng từng mắc phải [43].