Nhóm gen liên quan đến kháng nhóm quinolon

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tính kháng kháng sinh ở mức độ phân tử của Salmonella spp. phân lập từ thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trang 109 - 111)

Cơ chế kháng quinolone đã được mô tả và đặc trưng ở nhiều loại vi khuẩn (Hooper, 1999). Những đột biến này chủ yếu liên quan đến thay đổi axit amin tại các vùng xác định kháng quinolon QRDR trong các tiểu đơn vị cấu thành topoisomerase II (gyrA, gyrB) và IV (parC, parE), có liên quan đến quá trình sao chép DNA, tái tổ hợp, phiên mã và phân chia của nhiễm sắc thể đã sao chép (Hooper, 1999). Hầu hết các vi khuẩn kháng quinolon đều có đột biến tại QRDRs của cả gyrA và parC. Ngoài

ra, một cơ chế mới kháng quinolon là qua trung gian plasmid PMQR đã được báo cáo liên quan đến việc bảo vệ DNA gyrase. Các công bố nhấn mạnh tầm quan trọng của PMQR giữa các vi khuẩn gây bệnh khác nhau có nguồn gốc từ thực phẩm (Martinez-

Martinez và ctv, 2003). Ngoài ra, sự tham gia của nhiều cơ chế bơm thải và sự hiện diện của gen mới, aac (6’)-Ib-cr mã hóa một enzym điều chỉnh fluoroquinolne (aminoglycoside acetyltransferase) đã được phát hiện trong nhiều vi khuẩn đường ruột (Machado và ctv, 2006). Chúng tôi ghi nhận tỷ lệ serovar có kiểu hình kháng cao nhất là các kháng sinh thuộc nhóm quinolon. Điều này hoàn toàn trái ngược với các serovar được phân lập từ phía Bắc của nhóm tác giả Nguyễn Thanh Việt và ctv (2018). Nhóm này cho biết CIP là kháng sinh ít bị kháng nhất, chỉ có duy nhất một serovar là kháng CIP. Chúng tôi đã phát hiện các gen kháng phổ biến là gyrA, gyrB, parC và parE hiện diện 100% ở các serovar. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với kết quả PCR đã khảo sát ở các phần trước. Quan trọng hơn, kết quả của luận án còn phát hiện có đột biến ở gyrA và parC ở cả 4 serovar. Cụ thể, đột biến trên gen gyrA tại codon 83 có sự thay thế Ser thành Phe (Ser83Phe) và codon 87 thay thế Asp thành Asn (Asp87Asn). Đối với parC phát hiện đột biến tại codon 57, 80, 395, 469 và 620 sự thay thế lần lượt như sau Thr57Ser, Ser80Ile, Ser395Asn, Ala469Ser, Thr620Ala. Không có đột biến nào được tìm thấy trong các gen gyrB và parE. Theo công bố của Park và ctv (2019), tất cả 10 serovar S. Kentucky phân lập có kiểu hình kháng CIP được phát hiện có đột biến ở gyrA và parC. Tám chủng đều có đột biến kép giống hệt nhau ở gyrA và parC (Ser83Phe; Asp87Asn ở gyrA và Thr57Ser; Ser80Ile ở parC). Ngoại trừ hai chủng có sự thay thế Tyr thành Asp trong gyrA tại codon 87 (Tyr87Asp). Một nghiên cứu khác cũng phát hiện đột biến kép tại gyrA (Ser83Phe và Asp87Gly) và parC (Ser80Arg) của serovar S. Kentucky (Song và ctv, 2018). Qua đó, cho thấy đột biến tại gyrA và parC xuất hiện với tần suất cao hơn

gyrB và parE. Đối với gyrA đột biến thường xảy tại hai vị trí 83 và 87, tuy nhiên loại axit amin được thay thế của các serovar là rất đa dạng do bởi vị trí, địa lý và nguồn phân lập khác nhau. Đối với parC các serovar của luận án có số điểm đột biến nhiều hơn so với các công trình đã được công bố. Điều này, minh chứng cho việc vì sao tỷ lệ kháng kháng sinh thuộc nhóm quinolon rất cao của các chủng

Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện gen mdtK liên quan đến kênh bơm ngược thải kháng sinh MdtK/NorM thuộc họ MATE, biểu hiện ở 3/4 (75,0%) số lượng serovar. Như vậy, các gen này có thể tham gia vào cơ chế kháng kháng sinh thuộc nhóm quinolon ở bốn serovar. Hiện tượng kháng kháng sinh thuộc nhóm quinolon còn được các công trình nghiên cứu khác chỉ ra vai trò của gen qnr mã hóa các đoạn pentapeptide lặp lại có nhiệm vụ bảo vệ các enzyme DNA gyrase và topoisomerase IV kháng quinolone và nằm trên plasmid. Tuy nhiên, kết quả thu được trong luận án này hoàn toàn không phát hiện các gen qnr có vai trò kháng kháng sinh thuộc nhóm quinolon. Điều này cho thấy các serovar Salmonella phân lập được trong luận án này mang gen kháng quinolone thuộc nhóm khác. Vì vậy, việc tìm hiểu sâu hơn về cơ chế kháng kháng sinh nhóm quinolon bởi gen qnr của Salmonella phân lập từ thực phẩm, đặc biệt là serovar Kentucky là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tính kháng kháng sinh ở mức độ phân tử của Salmonella spp. phân lập từ thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trang 109 - 111)