5. Kết cấu của luận văn
2.3.2 Những vướng mắc, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý rủi ro tín dụng tại chi nhánh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Thứ nhất, mô hình tổ chức quy trình tín dụng còn bất cập
Hiện nay tại Chi nhánh phân chia ra các phòng nghiệp vụ, tiêu thức phân định các Phòng được thực hiện theo loại hình nghiệp vụ (Trong khi ở các ngân hàng tiên tiến, các hoạt động tín dụng được phân theo tiêu thức đối tượng khách hàng - sản phẩm, nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và hạn chế rủi ro). Hiện nay tại phòng tín dụng của chi nhánh vẫn duy trì mô hình tín dụng truyền thống, cán bộ tín dụng giải quyết cho vay cả doanh nghiệp và khách hàng cá nhân và cho vay theo dự án đầu tư, do đó sự chuyên môn hoá trong thẩm định khách hàng của cán bộ tín dụng là không cao, cán bộ tín dụng rất khó có thể am hiểu hết các đối tượng khách hàng này, hơn nữa việc thẩm định các đối tượng khách hàng khác nhau cũng cần phải có những kỹ năng khác nhau.
Hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại chi nhánh chưa thực sự hiệu quả, công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra tác nghiệp là
chủ yếu, chưa chú trọng vào phân tích tình hình môi trường, đưa ra những cảnh báo về những dấu hiệu rủi ro có thể xảy ra trong tương lai cũng như những ngành và lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Thứ hai, các cơ chế chính sách của Chi nhánh còn chưa rõ ràng
Trong quy chế cho vay của Ngân hàng chưa có quy định hạn mức tín dụng cho từng ngành kinh doanh khác nhau. Điều này có thể gây ra những rủi ro tiềm ẩn cho hoạt động kinh doanh của Ngân hàng vì nếu tập đầu tư quá nhiề u cho cùng một lĩnh vực ngành nghề thì nếu có rủi ro xẩy ra thì đó sẽ là rủi ro rất lớn. Chính sách cho vay của Chi nhánh Láng Hạ chưa có sự phân tích rõ ràng và công bố công khai về danh mục cho vay, hay thị trường mục tiêu phù hợp với tình hình thực tế tại chi nhánh, do đó với tỷ trọng dư nợ hiện nay chủ yếu tập trung vào một nhóm khách hàng lớn. Điều này sẽ không thuận lợi cho tình hình tài chính của chi nhánh khi các khách hàng đó không duy trì dư nợ tại chi nhánh, tuy nhiên nếu có rủi ro cho các khách hàng này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tín dụng tại chi nhánh.
Về định giá tiền vay: hiện tại hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam và chi nhánh Láng Hạ chưa thực hiện định giá tiền vay theo nguyên tắc thương mại và thị trường, nghĩa là những khoản vay có rủi ro cao hơn thì lãi suất cho vay cao hơn và ngược lại, mà vẫn cho vay với một mức lãi suất chung phân theo loại cho vay như: ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, cho vay tiêu dùng...
Thứ ba, chất lượng của công tác thu thập thông tin phòng ngừa rủi ro chưa cao
Hiện tại, Ngân hàng vẫn chủ yếu dựa vào thông tin từ trung tâm thông tin tín dụng, trong khi các nguồn tin này rất không đầy đủ và sơ lược. Số liệu để thẩm định khách hàng hầu như do bản thân khách hàng cung cấp, Chi nhánh Láng Hạ cũng tự thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau nhưng hoạt động
này còn hạn chế, tự phát, do mỗi cán bộ tự thu thập thông tin theo kinh nghiệm của mình.
Thứ tư, quy trình nghiệp vụ còn sơ sài
Hiện tại quy trình tín dụng của Ngân hàng nông nghiệp còn tồn tại nhiều khe hở. Mọi quyết định xét duyệt cho vay đều do bộ phận tín dụng thực hiện. Theo quy trình này, bộ phận thẩm định cho vay và bộ phận giải ngân, thu nợ là một, đều do cán bộ tín dụng trực tiếp làm, do vậy nhiều khi sẽ không bảo đảm được tính khách quan trong các quyết định cho vay. Ngoài ra, việc cho vay, thu nợ có thể sẽ không lường hết được những rủi ro có thể xảy ra (cán bộ cố ý làm sai quy trình, cán bộ đi thu nợ từ khách hàng nhưng không nộp vào ngân hàng...). Để phù hợp và đảm bảo theo thông lệ quốc tế thì mô hình phải có sự tách bạch 3 bộ phận là: bộ phận tiếp xúc khách hàng (front office); bộ phận quản trị rủi ro (middle office) và bộ phận tác nghiệp (back office).
Các khâu tiếp cận, lập hồ sơ, thu thập thông tin của khách hàng chủ yếu dựa trên thông tin của khách hàng cung cấp, nguồn thông tin từ các kênh khác để thẩm định là rất ít, nên việc quyết định cấp tín dụng có nhiều tiềm ẩn rủi ro.
Công tác kiểm tra kiểm soát tín dụng hiện nay chủ yếu thực hiện kiểm tra sau khi cho vay, do vậy nó không mang tính chất phòng ngừa.
Chi nhánh đã thành lập tổ xử lý nợ đọng, tuy nhiên các thành viên trong tổ đều là những cán bộ tín dụng thẩm định và giải quyết cho vay hàng ngày nên thời gian dành cho việc xử lý nợ đọng là rất ít. Do đó hiệu quả từ mô hình thành lập tổ xử lý nợ tại chi nhánh chưa đạt hiệu quả cao, chưa tách bạch chức năng quyết định cho vay và chức năng quản lý tín dụng.
Thứ năm, công tác Phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro thực hiện chưa đầy đủ
Chi nhánh Láng Hạ mặc dù đã có sự quan tâm sâu sát đến công tác trích lập song việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng về cơ bản dựa vào các nhóm nợ của khách hàng, tuy nhiên do áp lực hoàn thành kế hoạch trích lập dự phòng do NHNo&PTNT Việt Nam giao nên kết quả phân loại nợ và trích lập dự phòng chưa phản ánh đúng chất lượng tín dụng tại chi nhánh.
Việc xử lý nợ xấu tại chi nhánh chủ yếu là từ việc sử dụng quỹ dự phòng rủi ro, việc thu hồi nợ xấu do tổ xử lý nợ có trách nhiệm nhưng đến nay chưa thực sự phát huy hiệu quả. Việc xử lý nợ xấu vẫn còn chưa kiên quyết, chưa đề ra các biện pháp triệt để, tích cực, do đó kết quả thu hồi các khoản nợ được xử lý còn thấp. NHNo&PTNT Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn quy trình xử lý tài sản bảo đảm nhưng thực tế triển khai còn hạn chế, nên việc thu hồi nợ xấu vẫn chủ yếu dùng biện pháp động viên, đôn đốc khách hàng trả nợ.
Thứ sáu, đội ngũ nhân lực chưa đủ mạnh trong thời kỳ hội nhập
Trước tình hình hội nhập hiện nay, ở Chi nhánh Láng Hạ vẫn có một số cán bộ chưa đảm bảo trình độ ngoại ngữ hay khả năng sử dụng công nghệ thông tin để có thể nghiên cứu, hiểu biết cụ thể về hoạt động của các ngân hàng trong nước và trên thế giới; chưa hình dung được những dịch vụ ngân hàng tiên tiến trên thế giới được giới thiệu qua các phương tiện truyền thông; số cán bộ nhân viên hiểu biết luật trong nước và quốc tế, các quy định chung của các định chế tài chính - tiền tệ trên thế giới liên quan hoạt động ngân hàng không nhiều.
Do không phân biệt và áp dụng chi tiết kênh tín dụng, nên quy trình tín dụng hiện tại chưa khai thác tính khác biệt của thị trường, khách hàng, ngành nghề để bố trí cán bộ phù hợp. Cán bộ tín dụng hiện tại có thể được thực hiện việc cho vay và thực tế đã cho vay tất cả các thành phần khách hàng, đối tượng đầu tư, tự thẩm định tài sản bảo đảm, tự thẩm định phương án cho vay đối với các đối tượng đầu tư... nhưng chưa có kiến thức chuyên sâu trong từng lĩnh vực,
dễ dẫn đến sai lệch trong thẩm định, đề xuất cho lãnh đạo trong quyết định đầu tư.