Đây là các nhân tố tác động trực tiếp tới việc mở rộng cho vay tiêu dùng của ngân hàng. Việc cấp tín dụng cho hoạt động tiêu dùng phụ thuộc rất lớn vào chính sách tín dụng, năng lực tài chính của ngân hàng.cũng như trình độ của các cán bộ ngân hàng.
1.3.1.1 Năng lực tài chính của ngân hàng
Năng lực tài chính của ngân hàng được xác định dựa trên một số yếu tố như số lượng vốn chủ sở hữu, tỷ lệ phần trăm lợi nhuận năm sau so với năm trước, tỷ trọng nợ quá hạn trong tổng dư nợ, số lượng tài sản thanh khoản. Nếu ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn, tỷ lệ phần trăm lợi nhuận lớn, nợ quá hạn thấp và có số lượng tài sản thanh khoản lớn, khả năng huy động vốn lớn trong thời gian ngắn thì có thể coi là có sức mạnh tài chính. Khi ngân hàng có sức mạnh tài chính lớn thì sẽ có khả năng cung cấp nhiều sản phẩm đa dạng và các món vay có giá trị lớn.
1.3.1.2 Chính sách tín dụng của ngân hàng
Chính sách tín dụng là hệ thống các chủ trương, định hướng quy định chi phối hoạt động tín dụng do hội đồng quản trị đưa ra nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn để tài trợ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân. Toàn bộ các vấn đề có liên quan đến cấp tín dụng nói chung đều được xem xét và đưa ra trong chính sách tín dụng như các đối tượng có thể vay vốn, phương thức quản lý các hoạt động tín dụng, các loại sản phẩm tín dụng do ngân hàng cung cấp, nguồn vốn dùng để tài trợ, phương thức quản lý danh mục
cho vay, thời hạn và điều kiện áp dụng cho các sản phẩm tín dụng khác nhau.
Chính sách tín dụng phụ thuộc vào quy mô ngân hàng và chiến lược phát triển ngân hàng trong từng giai đoạn. Nếu như các ngân hàng lớn là các ngân hàng bán buôn, chủ yếu cung cấp các khoản tín dụng giá trị lớn cho các doanh nghiệp thì các ngân hàng nhỏ lại tập trung vào nghiệp vụ tín dụng bán lẻ dưới dạng các khoản cho vay cá nhân, cho vay trả góp... Các ngân hàng thường xác định vị trí cũng như ưu thế của mình trên thị trường và chiến lược phát triển trong tương lai để từ đó đưa ra một chính sách tín dụng phù hợp nhằm khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có. Và chỉ khi một ngân hàng thương mại xác định mở rộng cho vay tiêu dùng thì ngân hàng mới dồn nỗ lực và khả năng để tập trung phát triển lĩnh vực này. Chính vì vậy, nếu như có những hình thức cho vay tiêu dùng không nằm trong chính sách cho vay của Ngân hàng thương mại thì chắc chắn các cá nhân và hộ gia đình chẳng thể mong đợi vay được những khoản tiền từ ngân hàng để tài trợ cho nhu cầu chi tiêu của mình. Chẳng hạn như một ngân hàng không thực hiện cho vay theo thẻ tín dụng thì khách hàng dù có đủ điều kiện cũng không được cấp tín dụng.
Mặt khác khi một ngân hàng đã sẵn có các hình thức cho vay tiêu dùng đa dạng với chất lượng tốt thì việc mở rộng cũng dễ dàng và thuận lợi hơn là các ngân hàng mới chỉ có các sản phẩm đơn giản. Do tính chất của cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt, các ngân hàng luôn phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện đa dạng hoá sản phẩm nhằm củng cố và mở rộng thị phần, duy trì khả năng cạnh tranh.
1.3.1.3 Trình độ của cán bộ tín dụng
Trong bất cứ lĩnh vực nào nhân tố con người cũng luôn giữ vai trò quan trọng bậc nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm dịch
vụ như ngân hàng. Đội ngũ cán bộ tín dụng cùng với phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn của họ chính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp nhất tới hoạt động cho vay tiêu dùng. Họ là người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, thẩm định các hồ sơ, đưa ra các quyết định về cấp tín dụng, thu nợ và xử lý khi có các vấn đề nảy sinh do đó họ là người thực thi các chính sách tín dụng một cách tích cực nhất. Nếu ngân hàng xây dựng được một đội ngũ cán bộ tín dụng giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt thì sẽ nâng cao chất lượng và thuận lợi trong việc mở rộng các khoản cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, các cán bộ tín dụng cũng góp phần tạo dựng hình ảnh của ngân hàng, góp phần tăng tính cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ ngân hàng.