Quy trình cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại.

Một phần của tài liệu Đề tài “Giải pháp mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại NHNo&PTNT chi nhánh Nam Hà Nội ” ppt (Trang 27 - 31)

Quy trình cho vay tiêu dùng của Ngân hàng thương mại gồm các bước sau đây: Tiếp nhận hồ sơ tín dụng và kiểm tra các thông tin khách hàng đưa ra trên hồ sơ, Thẩm định tín dụng, Xét duyệt và quyết định cho vay, Hoàn tất các thủ tục pháp lý trước khi giải ngân, Kiểm tra sau khi giải ngân và phát hiện nhu cầu mới của khách hàng, Thu nợ và xử lý nợ quá hạn.

Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ tín dụng và kiểm tra sơ bộ các thông tin khách hàng đưa ra trên hồ sơ.

Cán bộ tín dụng hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ cho vay đầy đủ và đúng quy định theo mẫu của ngân hàng (nếu thiếu thì yêu cầu khách hàng bổ sung), bao gồm: giấy đề nghị vay vốn; phương án vay vốn và trả nợ; danh mục các tài sản cầm cố, thế chấp và giấy tờ liên quan, hợp đồng lao động có xác nhận của thủ trưởng đơn vị (với các đối tượng vay thế chấp lương ); các giấy tờ chứng minh nguồn thu nhập nếu có; hộ khẩu, chứng minh nhân dân và các giấy tờ liên quan khác.

Bước 2: Thẩm định tín dụng. Đây là khâu quan trọng nhất trong quy trình cho vay tiêu dùng, quyết định chất lượng tín dụng, thường bao gồm các nội dung sau:

Thẩm định tư cách đạo đức người đi vay. Cán bộ tín dụng phải đảm bảo khách hàng vay vốn có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, đủ tư cách pháp lý vay vốn ngân hàng. Đồng thời đảm bảo khách hàng vay vốn có ý thức rõ ràng về trách nhiệm phải hoàn trả đầy đủ và đúng hạn các khoản nợ.

Thẩm định mục đích sử dụng tiền vay. Đây là một trong những nguyên tắc khi cho vay của ngân hàng, ngân hàng cho vay đúng mục đích. Khách hàng được phép vay để tiêu dùng những tài sản, hàng hoá mà pháp luật không cấm và phù hợp với chính sách tín dụng của từng ngân hàng.

Thẩm định tình hình tài chính và khả năng thanh toán. Nội dung này bao gồm: Xác định mức thu nhập, việc làm, số dư các tài khoản tiền gửi và nơi cư trú. Việc xác định nguồn thu nhập ổn định hàng tháng của khách hàng có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là nguồn trả nợ cho ngân hàng. Những khách hàng có thu nhập ổn định và thu nhập còn lại sau khi trừ các khoản chi phí sinh hoạt cần thiết cao sẽ được đánh giá cao. Cán bộ tín dụng cũng

đồng thời xác minh lại thông tin ở cơ quan nơi khách hàng làm việc để đánh giá độ chính xác của mức thu nhập, độ dài thời gian làm việc, nơi cư trú và số sổ bảo hiểm xã hội ghi trên đơn xin vay. Cán bộ tín dụng cũng kiểm tra số dư các tài khoản tiền gửi của khách ( nếu có ) qua các ngân hàng có liên quan. Thời gian sống tại nơi cư trú hiện tại cũng thường được coi trọng vì nếu khoảng thời gian một người sống tại một nơi càng lâu thì có thể tin rằng cuộc sống của người đó càng ổn định. Còn nếu một người thường xuyên thay đổi chỗ ở thì sẽ là một yếu tốt bất lợi cho ngân hàng khi quyết định cho vay.

Thẩm định tài sản đảm bảo. Trước hết, cán bộ tín dụng sẽ kiểm tra quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp tài sản của khách hàng, khả năng chuyển nhượng của tài sản. Đối với tài sản đảm bảo cán bộ tín dụng thường chú ý triển vọng của thị trường bất động sản cũng như sự ổn định giá trị của tài sản trong trường hợp phải phát mại tài sản đảm bảo. Định giá tài sản đảm bảo cũng là một việc rất quan trọng trong khi thẩm định. Cuối cùng ngân hàng xem xét khả năng bảo quản tài sản của người đi vay, hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp vay thế chấp. Nếu tài sản thế chấp không được duy trì tốt, hoặc không được mua bảo hiểm ngân hàng có thể không lấy lại được toàn bộ số tiền đã cho vay khi chẳng may tài sản bị hỏng, giảm giá trị.

Lập báo cáo thẩm định. Sau khi thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng, cán bộ tín dụng lập báo cáo thẩm định trong đó ghi vắn tắt nhưng tổng quát về tình hình của khách hàng: nhân thân, mục đích vay, số tiền vay, khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo. Cán bộ tín dụng đưa ra những đánh giá về khách hàng và ý kiến cho vay hay không cho vay đối với khách hàng. Nếu cho vay thì phải ghi rõ số tiền, thời hạn, lãi suất, các điều kiện kèm theo.

Bước 3: Xét duyệt và quyết định cho vay. Khi nhận báo cáo thẩm định kèm theo hồ sơ vay vốn liên quan, Trưởng phòng tín dụng xem xét lại

và yêu cầu cán bộ tín dụng giải thích bổ sung hoặc chỉnh sửa nếu có thiếu sót. Sau đó báo cáo được trình Hội đồng tín dụng xét duyệt. Khâu quyết định cho vay do Hội đồng tín dụng thực hiện và chịu trách nhiệm về quyết định cho vay hay không cho vay. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng tín dụng có thể yêu cầu một phận khác tái thẩm định hồ sơ vay ( chẳng hạn như phòng thẩm định ).

Bước 4: Hoàn tất các thủ tục pháp lý trước khi giải ngân. Cán bộ tín dụng và các bộ phận liên quan hoàn tất các thủ tục pháp lý trước khi giải ngân như: ký Hợp đồng đảm bảo tiền vay, thoả thuận phương thức cho vay, trả nợ, Ký Hợp đồng tín dụng, đăng ký các giao dịch bảo đảm.

Bước 5: Kiểm tra sau khi giải ngân và phát hiện nhu cầu mới của khách hàng. Sau khi giải ngân tiền vay cho khách hàng, cán bộ tín dụng sẽ phải thường xuyên kiểm tra mục đích sử dụng tiền vay,tài sản thế chấp và đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, đôn đốc khách hàng trả nợ. Việc kiểm tra thường xuyên sẽ giúp ngân hàng sớm phát hiện ra các khoản nợ có vấn đề để có biện pháp can thiệp kịp thời. Đồng thời phát hiện nhu cầu mới của khách hàng để phục vụ. Kiểm soát tín dụng cũng giúp các nhà quản lý ngân hàng trong việc đánh giá toàn bộ rủi ro tiềm tàng của ngân hàng và nhu cầu vốn của nó trong tương lai.

Bước 6: Thu nợ và xử lý nợ quá hạn. Đây là bước cuối cùng của quy trình tín dụng. Cán bộ tín dụng theo dõi việc trả nợ của khách hàng, quá trình này giúp ngân hàng thu vốn và lãi đồng thời bổ sung thêm thông tin về khách hàng. Khi phát hiện các khoản nợ có dấu hiệu xấu cán bộ tín dụng xem xét việc gia hạn nợ, tăng cường kiểm tra, bổ sung các điều kiện hoặc cam kết, chuyển nợ quá hạn. Đối với những khoản nợ đã quá hạn, khách hàng không có khả năng trả nợ, ngân hàng tiến hành phát mại tài sản theo các quy định hiện hành.

Một phần của tài liệu Đề tài “Giải pháp mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại NHNo&PTNT chi nhánh Nam Hà Nội ” ppt (Trang 27 - 31)