Trong thời gian tới, phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ là một hướng đi tất yếu của các ngân hàng thương mại. Bởi vì dịch vụ ngân hàng bán lẻ mang lại nguồn thu ổn định cho các ngân hàng và phân tán rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Mặt khác, dịch vụ ngân hàng bán lẻ cũng mang lại nhiều tiện ích đối với khách hàng. Đồng thời, dịch vụ ngân hàng bán lẻ còn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát
triển kinh tế xã hội, tăng phương tiện thanh toán đối với nền kinh tế, giảm thiểu được giao dịch tiền mặt, giảm chi phí lưu thông tiền mặt trong tổng thể nền kinh tế, thúc đẩy xã hội phát triển.
Tuy nhiên, để các Ngân hàng thương mại có thể phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, bên cạnh sự ủng hộ của môi trường kinh tế xã hội, của khách hàng, còn cần phải có đủ điều kiện về môi trường pháp lý để phát triển các dịch vụ mới, đặc biệt là các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Để có đủ điều kiện môi trường pháp lý cho hoạt động cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ của các ngân hàng thương mại, đòi hỏi phải có sự đầu tư, sự quan tâm đúng đắn của Chính phủ, các cấp quản lý. Nhìn chung cần phát triển đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng một hành lang pháp lý đồng bộ, tạo điều kiện cho dịch vụ
bán lẻ phát triển. Liên quan đến dịch vụ bán lẻ tức là liên quan đến quan hệ dân sự giữa người đi vay và người cho vay. Quan hệ dân sự này cần được thể chế rõ ràng, minh bạch trong quy định, nghĩa vụ của người vay. Luật Dân sự, văn bản hướng dẫn Luật Dân sự, Luật Đất đai... cần có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi của người cho vay. Đồng thời, các cơ quan thực thi pháp luật cũng phải chú ý giải quyết các vụ tranh chấp, hỗ trợ, giúp ngân hàng thu hồi nợ đọng. Bên cạnh đó, về phía thị trường cần hình thành thị trường mua bán lại. Đó có thể là thị trường thứ cấp đối với những sản phẩm cho vay tiêu dùng. Ví dụ, thị trường bán lại ôtô, xe máy, căn hộ, chung cư. Để khi người vay không trả được nợ, các ngân hàng có thể thông qua thị trường này bán lại động sản và bất động sản nhanh chóng thu hồi nợ
Thứ hai, đẩy mạnh giáo dục, đào tạo. Cần tăng cường công tác đào tạo, huấn
luyện về công nghệ thông tin ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là công tác bảo mật an toàn. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tuyên truyền thói quen sử dụng tài khoản thanh toán qua ngân hàng. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần là người đi đầu trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng bán lẻ như các sản phẩm thẻ, trả lương qua tài khoản...
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Khuyến khích, đãi ngộ các
đối tượng là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính đầu tư kinh doanh buôn bán trên mạng, từ đó tạo nhu cầu kinh doanh, thanh toán, giao dịch, tạo
ra lượng khách hàng tiềm năng cho dịch vụ Ngân hàng điện tử.
Thứ tư, xây dựng chuẩn chung và cơ sở pháp lý cho văn bản điện tử, chữ kí
điện tử và chứng nhận điện tử. Để tạo điều kiện cho các chứng từ điện tử đi vào cuộc sống, cần xây dựng hệ thống các tổ chức, cơ quan quản lý, cung cấp, công chứng chữ kí điện tử và chứng nhận điện tử. Xây dựng một trung tâm quản lý dữ liệu trung ương để giúp cho việc xác nhận, chứng thực chứng từ điện tử được nhanh chóng và chính xác. Kiện toàn Bộ máy quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, tách chức năng quản lý ra khỏi kinh doanh.
Thứ năm, phát triển hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin và Internet. Thực hiện
tin học hoá các tổ chức kinh doanh dịch vụ, các Ngân hàng và tổ chức tín dụng, nâng cao tốc độ đường truyền Internet, giảm thiểu cước phí, tạo điều kiện cho toàn dân có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến cho sinh hoạt hằng ngày cũng như công việc kinh doanh. Xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông mạnh, tốc độ cao, không bị nghẽn mạch, giá cước phù hợp.
Thứ sáu, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp trong nền kinh tế nên chính quyền
địa phương các tỉnh thành tạo cần tạo điều kiện cho các Ngân hàng được ưu tiên thuê mua các mặt bằng tại các vị trí tốt, tạo điều kiện ưu đãi về thuế, hỗ trợ các Ngân hàng với chi phí thấp trong việc phổ biến, phổ cập, tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị sản phẩm và dịch vụ Ngân hàng đến cộng đồng. Ngoài ra, Chính phủ cần tạo ra những cơ chế mà tự nó có tác dụng hỗ trợ ngành Ngân hàng rất lớn, như việc ban hành quy định Doanh nghiệp và cá nhân giao dịch qua Ngân hàng, ưu đãi trong việc quản lý thuế cho các Doanh nghiệp có tỷ lệ giao dịch qua Ngân hàng cao, không chấp nhận những khoản chi phí hay những giao dịch lớn không thông qua Ngân hang...