- Nâng cao ch ất lượng cán bộ tín dụng
Con người luôn là nhân tố có tính chất quyết định trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội nói chung và trong hoạt động cho vay nói riêng. Toàn bộ những quyết định cho vay, tiến trình thực hiện cho vay, thu hồi nợ không có máy móc hay một công cụ nào khác ngoài cán bộ tín dụng đảm nhiệm. Vì vậy, kết quả cho vay phụ thuộc rất lớn vào trình độ nghiệp vụ, tính năng động sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng. Ngân hàng TMCP Bắc Á - Chi nhánh Hà Thành có đại đa số đội ngũ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học đã được đào tạo về chuyên môn. Tuy nhiên, trong thực tế do tính chất đa dạng của nền kinh tế thị trường, sự phức tạp và đầy khó khăn
trong công tác cho vay thì với đội ngũ cán bộ như hiện nay chưa thể đáp ứng kịp thời. Thực tế đòi hỏi cán bộ tín dụng luôn phải học hỏi, trau dồi kiến thức nghiệp vụ và cả những kiến thức tổng hợp khác một cách thường xuyên. Mục tiêu cuối cùng là có được đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng năng động, bản lĩnh, có các kỹ năng giao tiếp, tiếp thị và phục vụ khách hàng; xử lý nghiệp vụ một cách vững vàng, có khả năng khai thác thông tin nhanh chóng, chính xác và đầy đủ; kỹ năng tư vấn, đàm phán với khách hàng nhằm bảo vệ quyền lợi của Ngân hàng cũng như nâng cao giá trị dịch vụ cho khách hàng; kỹ năng phân tích tổng hợp và suy đoán, nhìn nhận một cách lôgic, đánh giá và chọn lựa khách hàng trong suốt quá trình mở rộng và phát triển quan hệ tín dụng. Để có được một đội ngũ cán bộ có tiêu chuẩn như vậy, Ngân hàng cần đề ra các chính sách phát triển nguồn nhân lực và chăm lo việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ với một số biện pháp như:
+ Thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt chú trọng về khả năng thẩm định, phân tích kết quả kinh doanh và tình hình sử dụng vốn vay, các buổi học về sản phẩm, chính sách mới của Ngân hàng hay các bộ luật có liên quan mới được ban hành. Ngân hàng có thể cử cán bộ sang tham quan, học hỏi kinh nghiệm của các Ngân hàng khác trên các lĩnh vực có liên quan đến tín dụng. Ngoài những kiến thức về chuyên môn, CBTD cũng phải am hiểu về luật pháp, ngoại ngữ để phục vụ cho công việc của mình, Ngân hàng cần tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên được đi học thêm để nâng cao kiến thức, tổ chức nghiên cứu các Nghị định, Quyết định của Chính phủ và văn bản của NHNN. Bên cạnh đó, có thể thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện về đạo đức nghề nghiệp, về trách nhiệm công việc và những rủi ro trong thực tế đã xảy ra cho các cán bộ tín dụng để tuyên truyền, giáo dục đạo đức nhân viên. Định kì có các đợt kiểm tra hoặc tổ chức các hội thi cho các cán bộ tín dụng nhằm
giúp ban lãnh đạo đánh giá năng lực nhân viên và là cơ hội để các cán bộ tín dụng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nâng cao kiến thức cũng như kĩ năng trong công việc.
+ Thực hiện điều chuyển cán bộ giữa các phòng ban và các đơn vị kinh doanh để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau cũng như tăng cường kiểm tra chéo, phát hiện được những sơ suất, thói quen nghề nghiệp không tốt hay những sai phạm của các cán bộ khác.
+ Có chế độ khuyến khích thưởng phạt vật chất đối với cán bộ làm công tác tín dụng: cần có chế độ lương, thưởng khác nhau đối với những nhiệm vụ quan trọng khác nhau, tránh hiện tượng bình quân chủ nghĩa vì công tác tín dụng thực sự nặng nề, nhiều rủi ro. Một sự đãi ngộ như nhau ở những vị trí khác nhau với năng lực và cường độ làm việc khác nhau sẽ làm triệt tiêu mọi nỗ lực, sáng tạo. Vì thế, cần nghiên cứu áp dụng chế độ lương, thưởng ưu đãi đối với những người làm tốt công tác tín dụng như mở rộng, chiếm lĩnh thị phần tín dụng tốt trên địa bàn,... Những người với chất lượng trả nợ tín dụng cao như nợ quá hạn không có hoặc có tỷ lệ thấp, chỉ mạng tính tạm thời,... Bên cạnh đó, cần phải xử phạt nghiêm minh những hành vi cố tình vi phạm quy định, lừa đảo, cương quyết xử lý thích đáng để làm gương và có tác dụng giáo dục, răn đe với người khác.