Ngoài các nhân tố chủ quan thuộc về bản thân ngân hàng thì còn có các nhân tố khách quan ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay khách hàng nói chung và khách hàng cá nhân nói riêng như: môi trường kinh tế, luật pháp, môi trường văn hóa xã hội, sự phát triển của khoa học công nghệ, đối thủ cạnh tranh và trình độ học vấn, năng lực tài chính của khách hàng vay vốn.
Thứ nhất, môi trường kinh tế.
Môi trường kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến các ngân hàng và khách hàng vay tiền. Khi nền kinh tế mở cửa, các hoạt động kinh doanh phát triển thì khách hàng đến vay ngân hàng nhiều hơn, hoạt động kinh doanh của khách hàng cũng thuận lợi dẫn đến rủi ro không trả được nợ do kinh doanh thua lỗ giảm đáng kể. Khi khách hàng tin tưởng vào sự phát triển của nền kinh tế thì họ sẽ thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn, vì vậy các khoản cho vay tiêu dùng cũng phát triển theo. Còn trong điều kiện nền kinh tế đang vào giai đoạn suy thoái, các hoạt động kinh doanh gặp khó khăn người dân tiết kiệm chi tiêu làm cho hoạt động cho vay của ngân hàng không đạt được hiệu quả như mong muốn. Một nhân tố quan trọng nữa là lạm phát của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến lãi thu được của ngân hàng. Nếu lạm phát quá cao, mà ngân hàng cho vay với lãi suất cố định thì khoản vay đó không thể được cho là hiệu quả. Việc lạm phát cao khiến ngân hàng phải huy động vốn với chi phí lớn, vì vậy phải tăng lãi suất cho vay cũng làm giảm khách hàng vay vốn. Môi trường kinh tế toàn cầu và môi trường kinh tế nước ta đang thay đổi từng ngày, các biến động của nó rất khó lường. Vì vậy nó ảnh hưởng sâu sắc đến hiệu quả cho vay nói riêng và các hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung.
Thứ hai, môi trường pháp lý.
Các quy định của pháp luật cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả cho vay.
Các quy định về tài sản đảm bảo, trích lập dự phòng, đối tượng cho vay của pháp
luật thay đổi sẽ tác động đến hiệu quả cho vay. Tác động này có thể là tác động
tích cực hoặc tác động tiêu cực đến cho vay. Một hành lang pháp lý chặt chẽ, phù hợp, và thống nhất sẽ tạo điều kiện để ngân hàng hoạt động tốt hơn.
Thứ ba, môi trường văn hóa, xã hội.
Những thói quen , lối sống... cũng ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay. Ví dụ
hoạt động cho vay tiêu dùng đối với người miền Nam phát triển khá mạnh.
Thứ tư, đối thủ cạnh tranh.
Cạnh tranh là một vấn đề tất yếu để các ngân hàng tồn tại và phát triển. Trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng việc nghiên cứu và tìm hiểu đối thủ cạnh tranh là vô cùng quan trọng.Kết quả nghiên cứu đối thủ cạnh tranh là việc các NHTM tìm ra các chiến lược kinh doanh cho riêng mình, đưa ra các sản phẩm tín dụng nào phục vụ khách hàng cá nhân là tốt nhất, thời điểm để đưa ra sản phẩm tín dụng ưu việt hơn đối thủ cạnh tranh nhằm thu hút được lượng khách hàng vay vốn nhiều hơn.
Thứ năm, trình độ học vấn và năng lực tài chính của khách hàng vay. Các khoản vay của khách hàng cá nhân khi thẩm định điều đầu tiên là cần thẩm định ý thức trả nợ của khách hàng và tiếp theo là tình hình tài chính của khách hàng. Khi một khoản vay đã được trao cho khách hàng, điều đó yêu cầu khách hàng phải sử dụng đúng mục đích, có kế hoạch trả nợ rõ ràng. Làm được những điều đó yêu cầu khách hàng phải có nhận thức, đạo đức tốt và có được năng lực tài chính để trả nợ cho ngân hàng đúng hạn. Những khách hàng như vậy sẽ ít đem lại rủi ro cho ngân hàng khi ngân hàng quyết định cho vay.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 •
Trong chương 1, luận văn đã trình bày những vấn đề lý luận cơ bản về hoạt động ngân hàng thương mại, hoạt động cho vay cá nhân, quy trình cho vay, đặc điểm cho vay, các hình thức cho vay.. .và các chỉ tiêu phản ánh hoạt động cho vay cá nhân. Bên cạnh đó luận văn cũng chỉ ra được sự cần thiết cũng như quan điểm và nội dung để nâng cao hiệu quả cho vay cá nhân. Để hiểu sâu sắc hơn về thực tế cho vay cá nhân đã được thực hiện như thế nào, ở chương 2, luận văn sẽ đi tìm hiểu và phân tích thực trạng về hiệu quả cho vay cá nhân tại NHNo&PTNT chi nhánh Vinh.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG VỀ HIỆU QUẢ CHO VAY
CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHI NHÁNH THÀNH PHỐ VINH