T Dịch vụ logistics Khu vực hoạt động logistics
CHƯƠNG 4: ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ KINH TẾ XÃ HỘI CỦA GIẢI PHÁP
4.1. Hiệu quả kinh tế
1. Giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp
Khu trung chuyển Lao Bảo có tác dụng rất lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây: rút gọn quãng đường di chuyển của hàng hóa, hàng hóa sẽ được đi thẳng từ Chủ hàng – Khu trung chuyển – Cảng biển, hoặc từ Chủ hàng – Khu trung chuyển – Chủ hàng; thuận tiện cho cả hàng xuất nhập khẩu và hàng quá cảnh trong thời gian làm thủ tục Hải quan. Thực tế, nếu có khu trung chuyển tại Lao Bảo, thì hàng hóa từ Lào quá cảnh tại Việt Nam sẽ chỉ phải làm thủ tục Hải quan 1 lần tại cửa khẩu mà không phải làm thêm thủ tục Hải quan ở cảng biển. Đối với các doanh nghiệp thực hiện thủ tục đóng hàng và kiểm hóa tại khu trung chuyển thì hàng hóa sẽ được thông quan nhanh hơn do được giám sát từ đầu.
Cổng thông tin điện tử là mạng lưới kết nối sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi thông tin vận tải hàng hóa xuyên biên giới diễn ra hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian luân chuyển, làm thủ tục tại biên giới 2 nước, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải xuyên biên giới.
2. Thu hút nhu cầu vận tải và phát triển các hoạt động logistics tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo
Khu trung chuyển Lao Bảo được xem như một trung tâm logistics tại Quảng Trị, thúc đẩy phát triển về sản lượng giao thông vận tải xuyên biên giới; kết hợp các chức năng kho bãi, lưu trữ hàng hóa, chuyển tải, gom và xếp dỡ hàng nhằm tạo điều kiện vận chuyển bằng các phương thức vận tải khác nhau để phát huy tối đa lợi thế là cửa ngõ ra biển trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây thông qua các cảng biển có năng lực vận tải lớn tại miền Trung: Mỹ Thủy, Chân Mây, Đà Nẵng, … Nghiên cứu phát triển khu trung chuyển tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo gắn với định hướng phát triển đô thị, thương mại dịch vụ khu vực biên giới.
3. Góp phần san tải hàng hóa, giảm áp lực cho hệ thống cảng biển
Trong thời gian tới, công suất các cảng biển tại miền Trung sẽ tăng cao nhằm đáp ứng hoạt động vận chuyển đường biển, việc tập trung hàng hóa tại các cảng biển
làm tăng thêm sự quá tải trong việc vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất khẩu, tăng chi phí logistics đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, và làm ùn tắc hàng hóa và container tại cảng. Do đó, khu trung chuyển là nơi đáp ứng nhu cầu san hàng cho cảng biển lớn là thực sự cần thiết.
4. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu tại khu vực
Khu trung chuyển Lao Bảo sẽ là điểm tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu, đầu mối trung chuyển hàng hóa, sử dụng tối ưu hệ thống giao thông và vận tải quốc gia và quốc tế, đặc biệt là Lào – Việt Nam. Khi quy trình làm thủ tục Hải quan được thuận lợi, quá trình luân chuyển diễn ra dễ dàng và thuận lợi hơn sẽ thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của tỉnh và các thành phố khác. Cửa khẩu Lao Bảo sẽ là cầu nối giao thương cho hàng hóa giữa các tỉnh miền Trung – Lào – cảng biển, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng, cấp quốc gia và cấp khu vực thông qua đáp ứng hiệu quả dịch vụ logistics phục vụ sản xuất kinh doanh hàng hóa và dịch vụ.