Quá trình nghiên cứu bệnh béo phì

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình thừa cân béo phì của học sinh trung học cơ sở huyện cai lậy, tỉnh tiền giang (Trang 25 - 31)

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh béo phì đã được ghi nhận từ thời Hi Lạp La Mã cổ [85]. Đầu thế kỷ XX, các phân tích về các dữ kiện bảo hiểm nhân thọ đã chứng tỏ rằng béo phì có liên quan với sự gia tăng tỉ lệ tử vong. Yếu tố gia đình trong bệnh béo phì được đề cập vào năm 1920, bệnh Cushing và bệnh béo phì do tổn thương vùng dưới đồi được mô tả cũng trong thời gian này [82]. Nửa đầu thế kỷ XX, nhiều thuốc mới để điều trị bệnh béo phì được giới thiệu, phẫu thuật cắt 1 phần dạ dày cũng đã được áp dụng để điều trị cho những ca bệnh béo phì trầm trọng [85].

Tại các quốc gia công nghiệp phát triển đã có rất nhiều nghiên cứu về béo phì ở các khía cạnh khác nhau.

Tại Hoa Kỳ, béo phì đã trở nên 1 vấn đề dịch tễ quan trọng được quan tâm nghiên cứu. Năm 1990 Hoa Kỳ tiêu tốn khoảng 68,8 tỷ USD để điều trị và

nghiên cứu bệnh béo phì, đó là chưa kể khoảng 33 tỷ USD hàng năm chi cho các sản phẩm và dịch vụ làm giảm cân [46].

Nghiên cứu WHO/MONICA là 1 nghiên cứu rộng lớn liên quan đến chỉ số BMI của 48 nhóm dân tộc Caucase (Caucasians – chủ yếu thuộc Châu Âu) đã được tiến hành từ 1983 đến 1986, nghiên cứu này đã cung cấp số liệu của người trưởng thành bình thường, thừa cân và béo phì tại Châu Âu [13].

Tại các quốc gia thuộc khối ASEAN, vấn đề béo phì ở tuổi học đường đã được quan tâm nghiên cứu, đặc biệt là tại Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Tại 1 số quốc gia vùng nam á Sri LanKa, nơi mà tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn khá cao cũng đã có nghiên cứu về béo phì.

Từ ngày 3-5/6/1997 đã diễn ra Hội nghị về béo phì do WHO tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) có sự tham gia của 100 chuyên gia trên khắp thế giới với sự cộng tác của viện nghiên cứu Rowett Aberdeen (Scotland) và Đội chuyên trách béo phì Quốc Tế (IOTF). Hội nghị đã xem xét các thông tin về dịch tễ học của béo phì, đưa ra các khuyến nghị về các chương trình, chính sách sức khỏe cộng đồng nhằm hoàn thiện các vấn đề dự phòng và kiểm soát béo phì. Cũng tại hội nghị này, lần đầu tiên béo phì được xem xét dưới góc độ là “nạn dịch toàn cầu” (Global Epidemic). Nạn dịch này tuy không truyền nhiễm nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, gây nhiều lo lắng cho cá nhân gia đình và là gánh nặng cho quốc gia [85].

Từ ngày 26 đến 29/9/2000 tại Apia (thuộc Samoa – vùng Tây Thái Bình Dương) đã diễn ra Hội nghị về “chiến lược dự phòng và kiểm soát béo phì” tại vùng Thái Bình Dương dưới sự tổ chức của WHO, tổ Chức Lương Nông Quốc tế (FAO), Đội đặc nhiệm về béo phì quốc tế (IOTF), Hiệp hội nghiên cứu về béo phì, Học viện khoa học đời sống Quốc tế của Đông Nam Á [19] và cũng không phải ngẫu nhiên người ta chọn Samoa một đảo quốc xa xôi để tổ chức một hội nghị quốc tế về béo phì. Samoa là một trong những nơi có tỷ lệ béo phì cao nhất thế giới. Trung bình cứ 10 người dân có đến 6-7 người bị béo phì. Hội nghị

đã ra lời kêu gọi hành động làm giảm béo phì tại vùng Thái Bình Dương trong vòng 10 năm.

Tại Việt Nam cũng tổ chức Hội nghị “Thừa cân và béo phì với sức khỏe cộng đồng” được tổ chức vào ngày 10/1/2002 tại Hà Nội dưới sự tổ chức của Bộ Y Tế và Viện Dinh Dưỡng, tư tưởng chỉ đạo của Bộ Y Tế là: Đề ra các giải pháp thích hợp nhằm kiểm soát thừa cân-béo phì là rất cần thiết ngay từ bây giờ mà không nhất thiết phải chờ đợi các kết quả nghiên cứu dài hơn, vì đây là bài học kinh nghiệm của nhiều nước. Tại hội nghị đã có 27 bài báo cáo và nghiên cứu khoa học đã được trình bày, trong đó có một số nghiên cứu béo phì ở học sinh và cộng đồng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang và Hải Phòng cho thấy tỷ lệ thừa cân-béo phì đang càng tăng ở các lứa tuổi đặc biệt là học sinh từ 6 đến 15 tuổi trở lên. Một số nghiên cứu thực hiện ở Viện Nhi nhằm nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và một số yếu tố nguy cơ của béo phì [14], [24], [26]. Một số nghiên cứu về điều trị béo phì bằng phương pháp uống thuốc Y học dân tộc cũng đã thực hiện và cho thấy có kết quả cao [53].

1.9. Tình hình thừa cân-béo phì trong và ngoài nước

1.9.1. Tại các quốc gia đã và đang phát triển

Thừa cân và béo phì đang nổi lên như là một vấn đề sức khỏe cộng đồng hàng đầu ở các nước đã và đang phát triển [60], [76], [78]. Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) đã xuất bản báo kỹ thuật “Béo phì”: Dự phòng và xử trí một dịch toàn cầu.

Loài người Cổ đại đã biết béo phì, trên các bức chạm cổ đã có hình ảnh những người béo tuy vậy tỷ lệ người béo chưa bao giờ có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng như ở thế giới hiện đại [15], [60], [76].

Do béo phì liên quan đến nhiều tình trạng bệnh lý quan trọng nên người ta thường coi tỷ lệ béo phì là chóp của tảng băng các bệnh mạn tính không lây [19], [41].

Tình hình thừa cân-béo phì đang tăng lên ở mức báo động khắp nơi trên Thế giới, ở người lớn và cả trẻ em, đó thật sự là mối đe dọa tiềm ẩn trong tương lai [36], [55], [62], [77].

Ở các nước đang phát triển béo phì tồn tại song song với thiếu dinh dưỡng (BMI <18,5), gặp nhiều ở đô thị hơn nông thôn [84]. Tỷ lệ người trưởng thành béo phì ở hoa kỳ là 30%, tỷ lệ thừa cân >50% [23], [74], ở Canada là 15% chung cho cả 2 giới, ở Hà Lan 8%, ở Vương quốc Anh 23%. Tỷ lệ người béo phì trên thế giới tăng lên rõ rệt trong mấy chục năm qua, ở nữ thường cao hơn ở nam [19], [33], [36], [39], [41].

Ở các nước đang trong thời kỳ kinh tế chuyển tiếp, khi kinh tế tăng trưởng tỷ lệ người béo cũng tăng lên cùng với tỷ lệ người gầy giảm dần. Ở giai đoạn đầu, tỷ lệ béo tăng ở tầng lớp khá giả trong xã hội với chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index-BMI) trung bình cao sau đó tỷ lệ béo tăng dần ở tầng lớp thu nhập thấp [19], [33], [39].

Ở các nước đã phát triển, tỷ lệ béo phì cao ở tầng lớp nghèo thu nhập thấp và ở nông thôn nhiều hơn thành thị [19].

Đáng chú ý là tình hình béo phì trẻ em không ngừng gia tăng ở Hoa kỳ, tỷ lệ thừa cân ở trẻ em 5-14 tuổi bang Louisiana tăng gấp đôi trong khoảng 1973 và 1994, ở Nhật cũng có tình trạng tương tự, tỷ lệ trẻ em học sinh thừa cân (120% cân nặng nên có) [75], tăng từ 5% đến 10% trong khoảng 1973 đến 1993. Tỷ lệ tăng cao nhất ở trẻ em học sinh 9-11 tuổi [9], [13]. Béo từ lúc còn bé có nhiều nguy cơ dẫn đến béo về sau này, cũng như các rối loạn bệnh lý khác liên quan đến béo phì. Ở Thái Lan tỷ lệ trẻ em béo phì ở học sinh 5-12 tuổi (cân nặng/ chiều cao > 120% ) vùng Bangkok tăng từ 12,2% năm 1991 đến 15,6% năm 1993 [31], [75].

- Tại các quốc gia đang phát triển, bên cạnh tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt, béo phì đã xuất hiện và ngày càng gia tăng nhanh chóng. TCYTTG đã nhận định béo phì và các hậu quả của nó sẽ

trở nên một yếu tố chủ yếu làm kiệt quệ các nguồn lực dành cho y tế tại vùng Thái Bình Dương trong một tương lai gần.

- Dựa vào số liệu của NHANES 1999-2004 tỷ lệ béo phì gia tăng ở các độ tuổi 6-10 tuổi từ 4% đến 17,5%, độ tuổi 12-29 tuổi tăng từ 6,1 đến 17%.

- Điểm qua các quốc gia thuộc ASEAN ta thấy tại Singapore, tỷ lệ béo phì của học sinh tiểu học là 9% ở nam và 8% ở nữ vào năm 1984, đến năm 1989 tỷ lệ này đã đạt 14,5% ở nam và 10,4% ở nữ [19].

1.9.2. Tại Việt Nam

Tại Việt Nam, trong một vài năm gần đây, một hiện tượng sức khỏe đáng quan tâm xuất hiện ở nước ta đó là thừa cân-béo phì. Trước năm 1975, hầu như tỷ lệ thừa cân-béo phì không đáng kể. Những bằng chứng khoa học mới đây cho phép chúng ta nhận định đây là một vấn đề dinh dưỡng mới nảy sinh không kém phần quan trọng, với tỷ lệ đang tăng nhanh theo thời gian. Hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh trong Hội nghị “Thừa cân-béo phì mối nguy cơ của các bệnh thời đại” nhiều nhà khoa học cho biết tỷ lệ thừa cân-béo phì tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Tỷ lệ này ở nhóm tuổi 25-64 là 16,3%, ở phụ nữ là 18,1%, nam giới là 14,6%. So với người bình thường, người béo phì có tỷ lệ tăng huyết áp cao gấp 2,5 lần, nhồi máu cơ tim cao gấp 3 lần, dễ mắc bệnh đái tháo đường typ 2 gấp 5 lần, làm tăng nguy cơ sỏi mật ở mọi lứa tuổi và giới gấp 3-4 lần, bệnh nhân béo phì có tỷ lệ vô sinh cao gấp 3 lần so với người bình thường. Béo phì và thừa cân không những ở trẻ em, học sinh mà còn ở cả người trưởng thành, kể cả tầng lớp cán bộ công chức cũng như tầng lớp khác trong xã hội [13], [19], [31], [32].

Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự phân cực trong xã hội dẫn đến sự phân cực trong ăn uống, lối sống. Bên cạnh vấn đề suy dinh dưỡng còn rất cao nhưng đã có xu hướng giảm dần nhờ các chiến lược can thiệp tích cực, thì số trẻ thừa cân và béo phì đã gia tăng đáng kể đặc biệt tại các thành phố lớn, tại thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ thừa cân ở trẻ em là 3% năm 1999, đã tăng lên 6% vào năm 2000, tỷ lệ thừa cân-béo phì của

học sinh Hà Nội ở tất cả các lứa tuổi đều có xu hướng tăng và tốc độ tăng nhanh vào những năm gần đây: 2,5% năm 1995 và 5,6% năm 2000 trong đó cao nhất là học sinh tiểu học: 8,8%. Tại Nha Trang tỷ lệ béo phì tuổi mẫu giáo là 3,49% [13], ở trẻ em dưới 5 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh là 3,3% [13], [19], [31].

1.9.3. Tại Thừa Thiên - Huế

Gần đây đã có các nghiên cứu của Phạm Văn Dũng tỷ lệ béo phì ở trẻ 6-10 tuổi là 7,6% trong đó trẻ em nam bị thừa cân-béo phì là 11,2% cao hơn trẻ nữ là 3,4% [13], nghiên cứu của Võ Thị Diệu Hiền tỷ lệ thừa cân-béo phì ở học sinh Trung học cơ sở là 8,3% trong đó tỷ lệ béo phì là 0,35% [19] và nghiên cứu của Phan Thị Hạnh cho thấy tỷ lệ béo phì ở học sinh lớp 9 là 6,9%. Nghiên cứu của tác giả Phan Thị Bích Ngọc cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh tiểu học Huế là 6,4%, trong đó có 3,1% là béo phì [34].

Rõ ràng trong thời kỳ chuyển tiếp, Việt Nam cũng giống như các nước đang phát triển khác, béo phì đã xuất hiện bên cạnh tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và đang dần trở thành một vấn đề dịch tễ quan trọng. Như vậy béo phì đã trở thành một vấn đề sức khỏe có tính thời sự đang được quan tâm nghiên cứu.

Chương 2

2.1. Đối tượng nghiên cứu

2.1.1. Đối tượng của giai đoạn 1

Các học sinh Trường trung học cơ sở (THCS) huyện Cai Lậy từ 11 đến 15 tuổi tại 5 Trường được chọn là THCS Nhị Quí, THCS Cẩm Sơn, THCS Tân Bình, THCS Phú Cường và THCS Võ Việt Tân bằng phương pháp chọn ngẫu nhiên đơn.

2.1.2. Đối tượng của giai đoạn 2

- Nhóm thừa cân-béo phì.

- Nhóm chứng: Những học sinh bằng nhóm thừa cân-béo phì có cùng tuổi, giới, địa chỉ, dân tộc và có BMI trong giới hạn bình thường.

2.1.3. Thời điểm nghiên cứu

- Từ 01 tháng 9 năm 2009 đến 30 tháng 12 năm 2009.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình thừa cân béo phì của học sinh trung học cơ sở huyện cai lậy, tỉnh tiền giang (Trang 25 - 31)