TTXVN (Hong Kong) - Tờ Đại công báo, nhật báo có quan điểm thân Trung Quốc
của Hong Kong ngày 2/8 đưa tin, Mỹ quyết định bao vây kỹ thuật đối với 44 doanh nghiệp của Trung Quốc, khiến chiến tranh thương mại Trung - Mỹ tăng nhiệt.
Mới đây, Cục An ninh công nghiệp Bộ thương mại Mỹ (BIS) lấy lý do “an ninh quốc gia và lợi ích ngoại giao”, đưa 44 doanh nghiệp của Trung Quốc vào “Danh sách thực thể quản chế xuất khẩu”, trong đó có không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao của Trung Quốc. Điều này cho thấy, Mỹ đã chính thức tiến hành hành bao vây khoa học công nghệ cao đối với Trung Quốc. Ngoài ra, có tin cho biết, Mỹ có kế hoạch nâng mức thuế suất từ 10% lên đến 25% đối với tổng giá trị 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Giới quan sát Trung Quốc cho rằng, nếu phía Mỹ áp dụng hành động nâng cấp chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, phía Trung Quốc tất yếu sẽ có biện pháp đáp trả, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của Trung Quốc.
Ngày 1/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ, lập trường của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ là kiên định, rõ ràng và không thay đổi, Mỹ gây sức ép sẽ không có tác dụng. Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh, phía Trung Quốc luôn chủ trương thông qua đối thoại và đàm phán để xử lý va chạm thương mại giữa hai nước và Trung Quốc đang nỗ lực theo phương hướng này. Đồng thời, Bắc Kinh luôn nhấn mạnh, đối thoại cần dựa trên cơ sở cùng tôn trọng, theo quy tắc và tin cậy lẫn nhau, bất kể bên nào đơn phương đe dọa và gây sức ép đều không có tác dụng.
Giới quan sát Trung Quốc nêu rõ, ngoài tăng thuế xuất nhắm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, phía Mỹ còn mở ra chiến tuyến mới trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đưa 44 doanh nghiệp của Trung Quốc vào “Danh sách thực thể quản chế xuất khẩu”. Trong số những doanh nghiệp này bao gồm Viện số 2 thuộc Công ty TNHH Khoa học công nghệ vũ trụ Trung Quốc và các viện nghiên cứu trực thuộc; Viện Nghiên cứu số 13 thuộc Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc và các đơn vị trực thuộc; Viện Nghiên cứu số 14 thuộc Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc và các đơn vị trực thuộc; Viện Nghiên cứu số 38 thuộc Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc và các đơn vị trực thuộc; Viện Nghiên cứu số 35 thuộc Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc và các đơn vị trực thuộc; Tập đoàn xuất nhập khẩu kỹ thuật công nghiệp Trung Quốc; Công ty TNHH công nghiệp Hoa Đằng Trung Quốc và Tập đoàn Viễn thông Viễn Đông (Hà Bắc) Trung Quốc. Đây đều là những doanh nghiệp khoa học công nghệ cao, trong đó có những doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực vũ trụ và công nghiệp quân sự của Trung Quốc. Từ đó có thể thấy, Mỹ đã chính thức bao vây lĩnh vực khoa học công nghệ cao của Trung Quốc và Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc cùng các đơn vị trực thuộc trở thành “vùng bao vây” trọng điểm của phía Mỹ.
Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Tài chính Tô Ninh của Trung Quốc, ông Hoàng Chí Long nêu rõ, chính sách quản chế Trung Quốc xuất khẩu của Mỹ đã có từ lâu, lần này Mỹ thắt chặt hơn cơ chế quản chế lý xuất khẩu của Trung Quốc, mục tiêu trước mắt của Mỹ là cùng với khai hỏa chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nhằm kìm hãm Kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc. Còn mục đích lâu dài của Mỹ chính là đề phòng và ngăn chặn Trung Quốc triển khai cạnh tranh toàn diện với Mỹ trong lĩnh vực chế tạo mũi nhọn và khoa học công nghệ cao. Theo chuyên gia Hoàng Chí Long, trước mắt, chính sách bao vậy kỹ thuật nhằm vào Trung Quốc của Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực nhất định đối với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao của Trung Quốc, nhất là những doanh nghiệp phụ thuộc ở mức độ lớn vào nhập khẩu bản quyền và kỹ thuật từ thị trường Mỹ.
Chuyên gia cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu tài chính Ngân hàng Giao thông Trung Quốc, Lưu Học Trí cho rằng, phát triển và nâng cấp trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao luôn đòi hỏi sự hợp tác và bổ sung lẫn nhau giữa các nước mới có thể thực hiện được. Mỹ thực hiện bao vây khoa học công nghệ cao đối với Trung Quốc sẽ không chỉ cản trở sự phát triển liên tục và nâng cấp trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao của Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến trao đổi trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao toàn cầu.